Quảng Bình:

Gian nan cuộc sống mưu sinh nơi đáy sông

(Dân trí) - Với nhiều người dân tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), lặn hàu từ lâu đã trở thành cái nghiệp, là miếng cơm manh áo. Lặn hàu là một nghề rất vất vả và cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho những người mưu sinh nơi đáy sông

Nghề lặn hàu và những đặc sản mang thương hiệu hàu từ lâu đã nổi danh tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Từ xa xưa, người dân nơi này đã lấy con vật vỏ cứng như đá, đầy góc cạnh ở đáy sông Nhật Lệ làm kế mưu sinh.

Trước đây, những người thợ hàu thường dùng thuyền máy, kéo theo một chiếc cào sắt để cào hàu. Thế nhưng với kiểu khai thác tận diệt này, tất cả hàu to hay nhỏ đều bị cào lên, khiến hàu trên sông Nhật Lệ ngày càng khan hiếm. Bởi vậy, để bắt được con hàu, những người khai thác giờ đều phải chuyển sang nghề lặn. Nhiều người thợ tại thị trấn Quán Hàu ngày nay còn tìm ra tận hạ nguồn sông Gianh để lặn khai thác.

Lặn hàu là một nghề rất vất vả và nhiều nguy hiểm.
Lặn hàu là một nghề rất vất vả và nhiều nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Tùng, một người dân làm nghề lặn hàu cho biết, từ nhỏ ông đã theo ba vùng vẫy trên dòng Nhật Lệ. Cũng từ đó cái nghiệp mưu sinh nơi đáy sông đã gắn vào người đàn ông dày dạn kinh nghiệm ở bến sông này.

Theo chân ông Hùng, chúng tôi đã có dịp đồng hành với người thợ lặn hàu, có thể nói đây là một nghề rất vất vả và nhiều nguy hiểm. Trên chiếc thuyền nhỏ, ông Hùng bắt đầu rong ruổi dọc theo dòng Nhật Lệ, bắt đầu hành trình tìm kiếm những cụm hàu đang bám chặt vào lèn đá dưới đáy sông.

Một thợ lặn hàu bao giờ cũng mang trên mình nhiều lớp quần áo, mũ, kính, găng tay và còn phải đeo gần chục cân chì trên người để không bị lực nước đẩy lên. Bên cạnh đó, họ còn mang một chiếc giỏ đeo ở bụng và một chiếc gậy sắt dài tầm 25 đến 30cm để nạy hàu.

Trong khi lặn, người thợ sẽ kéo theo 2 chiếc phao, một để đặt ắc quy chạy bình ô xi, chiếc còn lại dùng để đựng hàu
Trong khi lặn, người thợ sẽ kéo theo 2 chiếc phao, một để đặt ắc quy chạy bình ô xi, chiếc còn lại dùng để đựng hàu

Trong lúc lặn người thợ sẽ kéo theo hai chiếc phao, một chiếc để đặt ắc-quy chạy bình ô xi, chiếc còn lại đựng hàu sau mỗi lần lặn. Trung bình mỗi ngày, người lặn hàu sẽ phải dầm mình trong nước hơn 6 giờ đồng hồ.

“Mùa hàu chính là vào mùa xuân, nhưng với chúng tôi nó là nghề mưu sinh nên cứ làm quanh năm, cứ có sức khỏe là đi làm thôi. Người gắn với nghề, không làm biết lấy chi ăn. Nghề ni nó cũng cực lắm, mùa lạnh là vất vả nhất”, ông Tùng tâm sự.

Với những người thợ lặn như ông Tùng, mỗi ngày họ sẽ thu được trên 1 tạ hàu vỏ. Một ngày lặn lại phải mất một ngày hì hục ngồi đập, gỡ ruột để bán. Trung bình cứ 1 tạ hàu vỏ đập ra được gần 10kg ruột, mỗi 1kg sẽ có giá từ 70 đến 90 ngàn đồng tùy thời điểm.

Trung bình mỗi ngày, một người thợ khai thác được hơn 1 tạ hàu vỏ
Trung bình mỗi ngày, một người thợ khai thác được hơn 1 tạ hàu vỏ

Cũng là một người có thâm niên nhiều năm làm nghề khai thác hàu nơi đáy sông, ông Bùi Văn Hòa, một thợ lặn tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, với nghề hàu ông có thể nuôi gia đình, nhưng công việc này rất gian nan.

Nghề lặn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người thợ, mỗi lần lặn xuống khi ngoi lên mặt nước đều bị ù tai, lâu ngày trở thành điếc. Bên cạnh những vật cứng, nhọn như các mảnh thủy tinh, đinh… ở đáy sông khiến những người thợ bị đứt tay, đứt chân xảy ra như cơm bữa.

“Nghề nó cực, hàu cũng ngày một hiếm nên ít người làm. Thời trẻ còn có sức chứ giờ tui cũng già rồi, lặn một ngày về là đau ê ẩm mấy ngày liền. Dầm mình trong nước lâu ngày cũng khiến sức khỏe đi xuống nhanh. Lặn nhiều cũng ảnh hưởng đến phổi nữa”, ông Hòa chia sẻ.

Biết là gian nan vất vả, nhưng có lẽ với những người thợ lặn hàu, đáy sông đã là cuộc sống, nơi gắn với cái nghiệp của họ. Hàu cho họ miếng cơm, manh áo, là nơi để những phận nghèo gửi gắm ước vọng.

Tiến Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm