Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Điện Biên

Hà Trang

(Dân trí) - Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), năm 2021, toàn huyện có 187 người tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại xã Phình Giàng.

Điện Biên Đông là địa phương có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều nhất tỉnh Điện Biên.

Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông, năm 2021, toàn huyện có 187 người tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại xã Phình Giàng.

Trong đó, chủ yếu tập trung ở đồng bào dân tộc Mông 178 người; Khơ Mú 3 người; Thái 6 người (Nam 54 người; nữ 133 người. Đặc biệt là, có 4 nữ 13 tuổi; 1 nam 13 tuổi). Các xã có số người tảo hôn cao như: Phình Giàng 40 người; Phì Nhừ 32 người; Xa Dung 29 người...

Đến hết quý I năm 2022, toàn huyện có 113 người, trong đó xã Phì Nhừ cao nhất (36 người), thứ 2 là Xa Dung (27 người). Số liệu thống kê cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra khá phổ biến trên các xã vùng sâu, vùng xã của huyện Điện Biên Đông.

Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là hậu quả của nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống; trở thành rào cản đối với sự phát triển tiến bộ của xã hội cũng như sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trước tình trạng đó, những năm qua, tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên Đông đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, UBND các xã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân.

Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Điện Biên - 1

Cán bộ y tế huyện Điện Biên Đông tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông).

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: Thông qua những hình thức phong phú như truyền thông nhóm, trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã có tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên.

Cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở không chỉ sâu sát đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người và phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn. 

Từ đầu năm đến nay, huyện Điện Biên Đông đã chủ trì, phối hợp tổ chức 40 buổi tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham gia, trong đó chú trọng tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Đối tượng tuyên truyền tập trung vào học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, huyện Điện Biên Đông thường xuyên tổ chức tuyên truyền thông qua các mô hình, các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật Hôn nhân và Gia đình…

UBND huyện Điện Biên Đông cũng xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết với quy mô cấp xã, huyện. Thông qua cuộc thi giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Phình Giàng, Phì Nhừ và Xa Dung là những xã có nhiều người tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhất huyện Điện Biên Đông.

Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, và hôn nhân cận huyết thống, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Điện Biên Đông, các nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, những hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết… cho học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách dân số và kế hoạch hóa gia đình của xã thường xuyên sâu sát cơ sở để tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, từng trường hợp có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn. Đối với cán bộ, công chức xã; thầy cô giáo các nhà trường; người đứng đầu các bản, UBND xã chỉ đạo tuyệt đối không được tham dự, gửi quà cưới đối với những hộ tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Cô giáo Quách Thị Minh Tuyết, Hiệu phó Trưởng PTDTBT Tiểu học và THCS Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ: "Những năm qua, nhà trường đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh về hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhờ đó, 5 năm gần đây, nhà trường không có học sinh nghỉ học để lấy vợ lấy chồng. Đặc biệt là sau những đợt nghỉ dài như: Nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19; nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm