Giải cứu chim trời bị trói chân, đứng làm cò mồi giữa đồng

Hạnh Linh

(Dân trí) - Các cá thể chim đã được lực lượng chức năng cắt dây trói, thả về môi trường tự nhiên sau nhiều ngày bị người dân trói, buộc chân đứng trên cành cây khô giữa cánh đồng làm chim mồi.

Sáng 27/11, ông Mai Ngọc Nhuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ven biển Thanh Hóa, cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh của báo Dân trí, lực lượng của đơn vị đã phối hợp với Công an phường, UBND phường Quảng Hùng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Sầm Sơn có mặt tại thôn 1, phường Quảng Hùng để giải cứu các cá thể chim.

Các cá thể chim bao gồm cả cò, vạc bị buộc chân, đứng giữa cánh đồng. Hầu hết chúng đều yếu, mệt mỏi sau nhiều ngày bị "giam cầm".

Đơn vị cử cán bộ lội xuống ruộng bắt từng con, cắt dây trói rồi thả về môi trường tự nhiên.

Giải cứu chim trời bị trói chân, đứng làm cò mồi giữa đồng - 1

Các cá thể chim bị trói, buộc chân làm cò mồi được lực lượng chức năng giải cứu (Ảnh: Hạnh Linh).

Lực lượng chức năng cũng đã nhổ cọc tre dùng làm bẫy mang đi tiêu hủy. Số cọc tre còn lại dưới đầm là những cọc không có khả năng bẫy, đánh bắt chim. Bên cạnh đó cũng phá lều, chõng của người dân dùng để "mai phục" chim, cò ở trên bờ.

Theo ông Nhuần, đơn vị không xác định được người bắt, trói số cá thể chim tại khu vực cánh đồng thôn 1, phường Quảng Hùng. Đa số đối tượng đánh bẫy bắt chim đều không có việc làm ổn định nên người dân trong thôn, xã ngại tố giác.

Giải cứu chim trời bị trói chân, đứng làm cò mồi giữa đồng - 2

Theo lực lượng chức năng những cọc tre còn lại dưới đầm không có tác dụng đánh, bẫy chim (Ảnh: Hạnh Linh).

"Các cá thể chim dưới 10 con nên không thể lập biên bản xử phạt, đoàn công tác thống nhất thả về môi trường tự nhiên sau khi cắt bỏ dây trói chim. Rất có thể đối tượng  biết được cơ quan chức năng đến xử lý nên đã tháo, gỡ bớt chim", ông Nhuần nói.

Cũng theo ông Nhuần, dụng cụ dùng bắt, bẫy chim khá đơn giản và dễ mua. Lưới đánh, vây chim trời có giá bán 30.000 đồng/kg. Với 1kg lưới có thể giăng được 100m; cọc tre, luồng mua ở chợ về làm; cò giả thường được người bẫy cắt bằng xốp. Một số nơi, các đối tượng còn dùng thiết bị công nghệ phát ra tiếng kêu để nhử các loại chim trời.

Chim ở vùng Quảng Xương chủ yếu là cò, vạc, giá trị không cao, song đã thành lệ, nhiều đối tượng cứ đến mùa chim (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch) lại lén lút đặt bẫy vào ban đêm.

Giải cứu chim trời bị trói chân, đứng làm cò mồi giữa đồng - 3

Lều để "mai phục" chim đã được lực lượng chức năng đánh sập (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Nhuần, thời gian tới, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng cương quyết xử lý những đối tượng săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loại chim di cư, chim hoang dã. Đơn vị đề nghị bà con nhân dân mạnh dạn tố giác khi phát hiện những hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư để bảo tồn, phát triển các loài động vật.

Trước đó, ngày 24/11,  báo Dân trí có bài phản ánh, chim trời bị bắt, trói chân đứng làm cò mồi giữa cánh đồng tại thôn 1, phường Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn.

Từ tháng 9 đến nay, Hạt Kiểm lâm ven biển Thanh Hóa đã tháo dỡ, tiêu hủy 19.280m lưới, 43 lều, 862 bẫy, 16 loa dẫn dụ, 1.230 cò xốp, 235 cọc tre, thả về tự nhiên 368 cá thể chim các loại. Đơn vị cũng đã xử phạt 17 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ động vật rừng, thu nộp ngân sách  61 triệu đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm