Giá vàng lập đỉnh, cô dâu chú rể "toát mồ hôi" tìm dịch vụ thuê vàng cưới

Hồng Anh

(Dân trí) - Duy Thịnh và Ngọc Ánh chỉ mua cặp nhẫn cưới gần 10 triệu đồng, còn toàn bộ trang sức khác như bông tai, kiềng, lắc tay, cả hai quyết định đi thuê.

Ngày 28/12, giá vàng mất mốc 80 triệu đồng/lượng sau những ngày gây sốc song vẫn ở mức cao. Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 78,3-79,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn ở mức 62,95-64 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Sau hơn một tuần theo dõi giá vàng, vợ chồng bà Đỗ Thị Lành (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định sẽ thuê vàng để đeo và tặng trong đám cưới con gái vào ngày 30/12 tới đây.

Giá vàng lập đỉnh, cô dâu chú rể toát mồ hôi tìm dịch vụ thuê vàng cưới - 1

Người dân tới các cửa hàng vàng giao dịch trong ngày 28//12 (Ảnh: Mạnh Quân).

Bà Lành phân trần, vợ chồng bà tiết kiệm được 2 cây vàng. Tuy nhiên, năm 2019, khi cậu con trai cả mua nhà, hai vợ chồng bà đã cho con trai vay với lời hẹn "khi nào em út cưới thì trả bố mẹ để bố mẹ trao cho em làm của hồi môn".

Hai năm nay, gia đình con trai đối mặt với nhiều khoản nợ nên vợ chồng bà Lành không nỡ đòi ráo riết.

"Giá vàng tăng cao, con trai không mua được vàng trả, chỉ đưa trước cho chúng tôi 40 triệu đồng. Số tiền này chưa đủ mua nửa cây vàng khi giá vàng tăng cao như qua nay", bà Lành nói.

Chính vì vậy, vợ chồng bà Lành quyết định thuê 2 bộ trang sức. Một bộ bà Lành đeo trong ngày cưới, một bộ "trao" cho con gái trong ngày cưới để không bị lép vế trước thông gia. Bà sẽ ý nhị dặn riêng con gái chuyện "quản lý" vàng sau cưới để tiện bề đem trả.

Bà Lành trấn an con gái rằng "số vàng trước sau cũng là của con", chỉ là do anh trai chưa trả kịp nên gia đình mới phải tạm thuê để các thủ tục trong đám cưới trang trọng, đủ đầy.

Đám cưới của cặp đôi Duy Thịnh - Ngọc Ánh (cùng 27 tuổi, ở khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương) sẽ diễn ra vào những ngày đầu tháng 1/2024.

Cả hai quyết định chỉ mua cặp nhẫn cưới gần 10 triệu đồng, còn toàn bộ trang sức khác như bông tai, kiềng, lắc tay sẽ thuê của một cửa hàng ở TPHCM.

"Giá vàng quá cao nên chúng tôi quyết định sẽ thuê trang sức trong lễ cưới. Dẫu vậy, việc thuê cũng không dễ dàng vì chúng tôi phải đặt cọc số tiền gần bằng bộ trang sức.

Dạo gần đây, có nhiều cặp đôi cũng tìm thuê các sản phẩm này do đúng vào mùa cưới. Vậy nên chúng tôi phải tìm mấy nơi mới tìm được mẫu ưng ý. Nhiều nơi khách hàng tranh nhau vì ai cũng cưới vào ngày đẹp, ai cũng muốn thuê bộ đẹp nhất", cô dâu Ngọc Ánh kể.

Giá vàng lập đỉnh, cô dâu chú rể toát mồ hôi tìm dịch vụ thuê vàng cưới - 2

Bảng giá cho thuê trang sức cưới của một cửa hàng (Ảnh: NVCC).

Ông Phạm Duy Hiếu, giám đốc một công ty vàng bạc đá quý ở quận 3, TPHCM cho biết, kể từ khi giá vàng lên mức 70 triệu đồng/lượng, lượng khách thuê vàng, trang sức cưới đã tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, lượng khách mua trang sức cưới giảm nhẹ.

Đơn vị của ông Hiếu có khoảng 30 bộ trang sức cưới cho thuê. Thời gian gần đây luôn được khách hàng thuê gần hết.

Theo vị giám đốc này, khách hàng ngoài để đeo trong ngày cưới còn thuê các bộ kiềng, lắc, bông tai, nhẫn trao cho cô dâu,  chú rể nhằm mục đích "làm đẹp" trước quan khách và quay phim, chụp ảnh.

Để thuê được các bộ trang sức vàng cưới, khách thuê cần giao căn cước công dân, làm hợp đồng cho thuê và đặt cọc tiền mặt hoặc chuyển khoản từ 5 đến 10 triệu đồng tùy theo giá trị bộ trang sức.

Giá cho thuê được tính từ 800 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng một ngày (trả trước 12h ngày hôm sau). Khách đến thuê không chỉ ở TPHCM mà còn ở các tỉnh thành lân cận. 

Ông Hiếu cho biết, công ty của ông mở dịch vụ cho thuê vàng cưới từ năm 2013. Tệp khách hàng chủ yếu là những người có điều kiện kinh tế bình thường, công nhân, nhân viên văn phòng...

Thời gian gần đây, nhiều người chia sẻ, do vàng tăng quá cao, họ buộc phải chọn phương án thuê để ngày cưới được trọn vẹn.

Chủ một cửa hàng cho thuê trang sức cưới tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, lượng khách thuê vàng cưới tăng hơn 30% từ khi giá vàng liên tục lập đỉnh. Giá thuê dao động từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng một ngày.

Khách đến cửa hàng đa phần là lao động nghèo hoặc sinh viên mới ra trường không có điều kiện kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho biết giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây một phần là do yếu tố mùa vụ, người dân thường có xu hướng mua vàng vào dịp lễ, tết.

Vàng cũng là một tặng phẩm được các gia đình sử dụng trong mùa cưới hỏi cuối năm. Nhiều người coi vàng là món quà thể hiện tình cảm, thay lời chúc phúc tới vợ chồng mới cưới.

Vàng còn được xem là của hồi môn được ba mẹ, anh chị, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết sử dụng để làm quà tặng cho cặp uyên ương.

Trước thực trạng nhiều gia đình lao đao vì giá vàng tăng cao mùa cưới, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nên đề cao sự giản tiện trong cưới hỏi.

Ngày càng có nhiều đám cưới tổ chức rình rang để khoe nhà, khoe xe, khoe tiền vàng, trang phục. Nhiều người không có tài chính nhưng vì sĩ diện, vì để thỏa mãn cái tôi đã đi thuê mượn. Điều này vô tình kích thích những nhu cầu không đáng có trong xã hội.

"Ngày cưới nên là ngày của sự chân thành, của hạnh phúc lứa đôi. Không nên nặng nề chuyện quà tặng, tiền mừng và vô tình tạo áp lực cho chính mình và tạo ra "những khoản nợ" từ những món quà cưới", vị chuyên gia này nói.  

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm