Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Cho đến nay, dòng họ Phan ở làng trống cổ Lâm Yên (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã có 6 đời làm nghề trống, với bề dày lịch sử hơn 200 năm.

Vang danh làng trống cổ Lâm Yên

Người dân xứ Quảng vẫn còn lưu truyền trong dân gian câu nói "Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều" để chỉ sự nổi tiếng của làng làm trống bậc nhất miền Trung.

Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam - 1

Ông Phan Văn Hai (73 tuổi, làng trống Lâm Yên, xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) là truyền nhân đời thứ 5 của dòng tộc họ Phan tại làng trống cổ Lâm Yên hơn 200 năm tuổi.

Theo lời kể của những nghệ nhân trong làng, cách đây hơn 200 năm, ông Phan Công Thiên từ Hải Dương di dân vào làng Lâm Yên (nay là thôn Lâm Yên, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lập dòng họ và phát triển làng nghề làm trống trên mảnh đất này.

Từ cơ nghiệp mà cha ông bao đời đã gây dựng được, thế hệ con cháu họ Phan ở làng Lâm Yên vẫn đang tiếp "lửa nghề" để gìn giữ và phát huy nghề làm trống truyền thống. Trong đó, tiêu biểu là nghệ nhân Phan Văn Hai (73 tuổi), được người dân trong làng kính trọng gọi là "cây đại thụ" của làng trống Lâm Yên.

Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam - 2

Tại làng sản xuất nhiều mẫu trống như trống chầu, trống nhạc, trống lân… Nhưng nổi bật nhất phải kể đến trống dăm luông (hay còn gọi trống chùa), nhiều người gọi vui là trống khổng lồ bởi kích thước lớn của nó.

Ông Phan Văn Hai xúc động kể lại, nhớ khi xưa lúc làng trống Lâm Yên còn hưng thịnh, cả dòng họ Phan ở đây ai cũng biết xẻ gỗ, ghép dăm, bịt trống. Lên 15 tuổi ông đã thạo những công đoạn để làm nên một chiếc trống vừa to tròn, đẹp, bền, vừa có thanh âm vang xa.

"Nghề làm trống thủ công cứ thế cha truyền con nối, và đến nay tôi là truyền nhân đời thứ 5 lớn tuổi nhất của làng nghề với 60 năm kinh nghiệm. Hiện kế tục tôi còn có con trai là đời thứ 6, làng nghề ngót nghét cũng hơn 200 năm rồi", ông Hai chia sẻ.

Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam - 3

Theo anh Phan Văn Hiệp (truyền nhân đời thứ 6 của nghề trống Lâm Yên), trống dăm luông tùy kích thước có thể mất vài tháng để hoàn thành, giá cả cũng khá cao.

Trống có rất nhiều loại khác nhau như trống chầu, trống nhạc, trống lân, trống chùa, trống trường, trống cơm, trống cung phu…

Trong đó nổi bật phải kể đến trống chùa (hay còn gọi trống dăm luông). Theo anh Phan Văn Hiệp (truyền nhân đời thứ 6 của nghề làm trống Lâm Yên), để làm nên một chiếc trống dăm luông thì phải có khối gỗ tốt, người thợ phải dùng 3-5 ngày để đục rỗng ruột, rồi phơi vài tháng tùy kích thước.

Da trâu bịt hai đầu là da được chế tác thủ công, xử lý tỉ mỉ nên độ bền rất cao, âm thanh vang chuẩn... Trống dăm luông thường có kích thước lớn nên nhiều người gọi vui là trống khổng lồ. Tùy theo kích thước mà có giá từ vài triệu, đến vài chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, anh Hiệp từng chế tác một chiếc trống dăm luông với giá gần 700 triệu đồng.

Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam - 4

Một khối gỗ đặc để làm trống dăm luông thường rất nặng, nguồn nguyên liệu cũng khó tìm.

Làm trống là công việc không khó nhưng để cho ra một chiếc trống "có hồn" thì không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, đặc biệt là có khả năng cảm âm tốt. Đồng thời, chỉ có niềm yêu thích và say mê với những âm hưởng của tiếng trống, mới giúp người thợ tạo nên một sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Nỗi niềm nghề truyền thống

Nếu trước đây cả làng có hơn 20 gia đình làm trống với số lượng lên đến 2.000 chiếc/năm thì nay chỉ còn tính bằng chục và số người làm trống chỉ vỏn vẹn ở con số 5. Bám nghề chủ yếu là những người lớn tuổi, trẻ nhất cũng hơn 40 tuổi, thanh thiếu niên hầu như vắng bóng.

Gia tộc hơn 200 năm làm trống khổng lồ ở Quảng Nam - 5

Năm 2012 Hợp tác xã (HTX) làng nghề trống Lâm Yên được thành lập với chủ trương thu hút nghệ nhân tham gia sản xuất tập trung, hỗ trợ sản phẩm đưa đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước…

Ngoài ra, từ nguồn khuyến công, HTX đã hỗ trợ cho xã viên mua sắm máy móc, công nghệ phục vụ chế tác như máy cưa vòng, bào, tiện, khoan… giúp tháo gỡ bớt khó khăn cho làng nghề. Tuy nhiên, đến nay không chỉ không phát triển nhân rộng mà sản xuất và buôn bán theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Theo anh Phan Văn Hiệp (SN 1975, nghệ nhân đời thứ 6 của nghề làm trống Lâm Yên, Chủ nhiệm HTX làng nghề truyền thống trống Lâm Yên), thị trường hiện nay cạnh tranh khốc liệt, ngoài quốc lộ 1A từ Đà Nẵng trở vào, có rất nhiều cơ sở sản xuất trống, trang thiết bị hiện đại và sản phẩm trống bày bán rất nhiều với giá cả cạnh tranh.

Trung bình mỗi chiếc trống trung Lâm Yên giá bán từ 3 - 4 triệu đồng, thời gian dùng khoảng 7 năm da mới hỏng, nhưng lúc đó người ta cũng chỉ cần thay da là thành trống mới, do vậy khách hàng mua một cái trống thời gian sử dụng chí ít cũng được 10 năm mới mua lại.

Hiện chỉ còn vài hộ, ai làm được bao nhiêu thì làm, nói chung hồi trước có thể tích góp làm giàu nhưng bây giờ nghề này cũng đủ nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học.

Hiện nay cơ sở của anh Hiệp chỉ sản xuất trống dăm luông (hay còn gọi trống chùa), mỗi năm cung ứng khoảng vài chục cái ra thị trường, chủ yếu là hàng đặt trước. Cơ sở anh Hiệp còn tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương, với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cơ sở anh Hiệp có thể thu về gần 200 triệu đồng.

"Người làm nghề trống hiện vẫn sống khỏe với nghề, nhưng muốn phát triển thì cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở, thiết kế mẫu mã, cũng như nguồn nguyên liệu, máy móc… Bên cạnh đó, thế hệ kế nghiệp hiện vẫn là vấn đề nan giải, trong làng hiện chỉ có vài hộ sản xuất riêng lẻ nhưng cũng lớn tuổi, thanh niên thì không mặn mà…", anh Phan Văn Hiệp cho hay.

Ông Phan Năm - Chủ tịch xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, khó nhất hiện nay của làng nghề chính là không tìm được thế hệ kế thừa, vì lợi nhuận sản phẩm làm ra thấp nên không thu hút được người dân và lớp trẻ theo nghề. Mặt khác, hầu hết thiết kế sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, chưa sáng tạo ra được mẫu mã mới mang tính cạnh tranh.

Trong khi, hàng hóa sản xuất trên thị trường ngày càng đa dạng, tinh xảo, giá cả phù hợp… khiến sản phẩm làng trống Lâm Yên khó cạnh tranh, tiêu thụ nên để duy trì phát triển làng nghề thật sự là một bài toán khó của địa phương hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm