Quảng Nam:
Giá rau tăng gấp 2-3 lần, nông dân chật vật trồng lại vườn sau mưa lũ
(Dân trí) - Những trận mưa lũ thời gian qua khiến các vựa rau ở Quảng Nam gần như mất trắng. Rau xanh khan hiếm, giá tăng gấp 2-3 lần. Nông dân chật vật khôi phục mong vớt vát phần nào và đón đầu vụ Tết sắp đến.
Giá tăng mạnh
Sau đợt mưa lũ dồn dập vừa qua, ở các chợ tại thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình…. khan hiếm rau quả nên giá tăng cao. Rau xà lách, diếp cá được tiểu thương bán với giá dao động 40.000-45.000 đồng/kg, mồng tơi 25.000 đồng/kg, các loại cải có giá 35.000-40.000 đồng/kg…
Các loại củ, quả cũng tăng giá. Đậu cô ve được bán ở các chợ với giá 50.000 đồng/kg, nén củ 130.000 đồng/kg, khoai môn 60.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết hiện giá rau quả đã tăng hơn 2-3 lần so với trước mùa bão lũ. Hiện nay, nguồn rau quả cung ứng trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ Đà Lạt, Đắk Lắk.
Bà Nguyễn Thị Ba (tiểu thương chợ Hội An) cho biết: "Đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nên rau, củ khan hiếm đẩy giá lên cao 2-3 lần so với trước. Rau thì hiếm, giá thì cao mà người mua cũng ít, dịch bệnh kinh tế khó khăn khiến việc chi tiêu của người dân cũng dè chừng hơn".
Chị Thu Thảo (chuyên bỏ hàng rau quả sỉ ở chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên) chia sẻ, trước đây mỗi ngày chị bán hàng tấn rau quả cho các chợ trên địa bàn huyện thì nay phải tạm nghỉ.
"Tôi lùng sục tất cả các vùng trồng rau từ Thăng Bình đến Duy Xuyên nhưng không mua được hàng để bán. Đợt mưa lũ vừa qua khiến rau quả bị hư hại khá nặng, tôi dự tính sẽ nhập rau từ địa phương khác về bán chứ khó quá", chị Thảo cho hay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua có 97 ha diện tích hoa màu, rau màu bị hư hỏng, 150 ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị sạt lở.
Chật vật khôi phục sau mưa lũ
Sau khi nước vừa rút, trời nắng ráo, người dân ở các vùng rau Quảng Nam như Trà Quế (TP Hội An), làng rau Hưng Mỹ (huyện Thăng Bình)… lại tất bật xuống giống để kịp cung ứng rau ra thị trường và đón đầu đợt hàng Tết sắp đến.
Ông Nguyễn Văn Quang (thôn 1, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) cho hay, gia đình ông canh tác 5 sào rau màu các loại, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại hơn 70% diện tích vườn nhà. Ngay sau khi nước vừa rút, ông tranh thủ làm đất và bón phân, xuống giống các loại rau màu để cung ứng thị trường.
"Nghe giá rau tăng mà sốt ruột lắm, thương lái cứ đến hỏi mãi mà gia đình chỉ còn 20% diện tích để bán. Tôi còn ít để bán chứ nhiều người mất trắng, các ruộng rau địa hình thấp nước bây giờ vẫn còn ứ lại, đất ướt nên chưa thể xuống giống. Bây giờ ai cũng trồng lại, chỉ ít bữa nữa có rau thì giá sẽ xuống thôi. Làm nông là vậy, được mùa mất giá, được giá lại mất mùa", ông Quang than thở.
Bà Huỳnh Thị Hà (thôn 2, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) chia sẻ: "Đợt vừa rồi mưa khủng khiếp, các ruộng rau mất sạch, bờ đê cũng bị phá giờ phải đắp lại, tôi hư hại 80% diện tích. Giá rau tăng cao nhưng không có để bán, giờ trồng lại vừa cung ứng thị trường và đón đầu dịp tết sắp đến".
Bên cạnh việc vất vả khi khôi phục các vườn rau, điều người dân lo lắng là giá phân bón các loại tăng cao. "Giá phân bón bây giờ tăng cao so với trước, gây khó khăn cho người dân khi khôi phục lại các vườn rau. Công đầu tư, chăm sóc rất lớn mà diễn biến thời tiết, thị trường thất thường khiến nông dân càng thêm lo lắng", ông Lê Đình Văn (thôn 2, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình nói.
Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình cho biết, trên địa bàn có đến hơn 2.000 ha diện tích trồng các loại rau quả. Trong đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết diện tích trồng rau quả của nông hộ bị mất trắng.
Chính quyền địa phương đang giao Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình phối hợp với các xã hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất sạch, VietGAP, hữu cơ giúp nông dân khôi phục các vùng rau quả sạch. Huyện cũng đã gửi báo cáo, đề xuất ngành nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ giống rau quả giúp nông dân sản xuất thuận lợi, nhất là đón đầu vụ tết sắp đến.
Tại làng rau Trà Quế (TP Hội An), 200 hộ sản xuất rau tại đây cũng đang tất bật chăm sóc rau để cung ứng thị trường. Ông Nguyễn Lên (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà) cho hay: "Đợt mưa lớn vừa qua làm hư hại gần 80% diện tích rau của bà con Trà Quế. Cứ mưa liên tục, tôi phải gieo 3-4 bận mới trồng được ít. Hiện giá rau tăng nhưng người dân có rất ít để bán, mà buôn bán cũng khó khi người dân dè dặt chi tiêu hơn do kinh tế khó khăn".