Gặp người thương binh làm giàu nhờ nuôi rắn hổ mang
(Dân trí) - Trở về sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với chấn thương nặng ở đùi và hông, thương binh Hà Văn Giảng tự dặn lòng "tàn nhưng không phế", phải vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo, nuôi các con học hành đến nơi đến chốn. Người thương binh hạng 3/4 nay đã trở thành tỷ phú nông dân với mô hình nuôi gần 1000 con rắn hổ mang.
Ông Giảng rời quân ngũ vào tháng 11/1980 và được xếp thương binh hạng 3/4. Trở về quê hương với di chứng của cuộc chiến, nhưng chàng thanh niên Hồ Văn Giảng lúc ấy đã quyết tâm phải vượt qua nỗi đau, vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo. Chỉ với mấy sào ruộng thì không thể nuôi vợ và 6 đứa con ăn học, nên ông dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi các cách làm kinh tế mới từ nông nghiệp, chăn nuôi.
Năm 1993, người thương bình này bắt đầu thực hiện mô hình nuôi rắn thương phẩm với giống chính là rắn hổ mang. Ông là một trong những người đầu tiên tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nuôi rắn thành công. Tính đến hết năm 2018, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) đã có tới hơn 1.000 hộ dân nuôi rắn hổ mang, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200 tấn rắn sang các nước châu Á.
Đến nay, thương binh Hà Văn Giảng nuôi gần 1000 con rắn hổ mang tại 7 tầng bê tông trong khuôn viên 60 m2. Thị trường tiêu thụ rắn hổ mang là Trung Quốc với 2 loại sản phẩm là trứng rắn và bán sống cả con.
Hang rắn được gia đình ông xây với bề rộng khoảng 30 cm, sâu 60 cm, cao 30 cm. Mỗi hang chỉ nuôi một con. Thức ăn chủ yếu của rắn là cóc và chuột.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế của việc bán trứng giống, vài năm trở lại đây, ông Giảng chuyển dần sang nuôi rắn hổ mang sinh sản. Thông thường, mỗi một con rắn cái cho từ 20 - 25 quả/vụ và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng. Với giá bán hiện nay dao động từ 60- 80 nghìn đồng/quả, gia đình có thể thu về từ 1-2 triệu tiền trứng/con rắn cái.
Giá rắn thịt hiện nay là 500-700 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi từ 200 - 300 nghìn đồng/con. Từ chục năm trước, tiền lãi từ việc nuôi rắn hổ mang đã đủ để ông Giảng xây căn biệt thự tiền tỷ gần 300 mét vuông.
Dù có nguồn thu nhập cao nhưng nuôi rắn hổ mang cũng nhiều cái khó. Ông Giảng chia sẻ: "Rắn hổ mang này dễ mắc bệnh về phổi. Mắc bệnh rồi thì chậm lớn, dễ chết. Do đó mà khâu vệ sinh chuồng trại phải luôn luôn sạch sẽ, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Mình còn phải cho nó ăn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh. Chăm như chăm em bé vậy thì mới có năng suất cao được."
"Nuôi rắn hổ mang tốn khá ít thức ăn, và cũng không cần nhiều nhân công lao động vì từ 2- 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần. Tuy nhiên, rắn hổ mang là loại rắn cực độc, vì vậy, trong quá trình nuôi phải thật sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường rất dữ tợn và hay tấn công người. Sơ sẩy một chút là hậu quá khôn lường." - ông Giảng cho biết thêm.
"Đã làm kinh tế thì có lúc được lúc mất, có lúc thị trường khó khăn tưởng mình sẽ trắng tay. Nhưng là một người lính được rèn luyện trong quân ngũ, tôi chưa bao giờ sợ hãi cả. Khó đến đâu tôi tìm cách gỡ đến đó." - thương binh Hồ Văn Giảng tự hào khi từng là người lính chiến đấu vì đất nước. "Với cách nuôi như hiện nay phải mất hai năm mới được một lứa rắn xuất khẩu. Rắn ở Vĩnh Sơn đã được Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận là rắn nuôi, chứ không phải là rắn hoang dã. Đó là một thuận lợi cho nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, song hiện nay xuất khẩu vẫn là tiểu ngạch chứ chưa phải là chính ngạch và thị trường tiêu thụ rắn nhiều lúc cũng không được thuận buồm xuôi gió."
Ông Giảng cho biết, hiện này ông và các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đang đề nghị với các cấp có thẩm quyền từ xã đến huyện, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm giúp đỡ xây dựng thương hiệu, quảng bá, đăng ký sản phẩm làng nghề nuôi rắn, tiêu thụ sản phẩm rắn bằng con đường chính ngạch thay cho tiểu ngạch để khắc phục rủi ro trong giao thương qua biên giới. Đồng thời giúp hình thành điểm du lịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn để vừa giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ rắn, vừa góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập làng nghề.
"Trở về sau chiến tranh, dù mang trong mình những vết thương thì tôi vẫn tự hào là người lính cụ Hồ. Người thương binh trong thời bình như tôi thì vẫn mang tinh thần quyết tâm, không sợ khó sợ khổ để làm kinh tế, làm giàu chính đáng, làm tấm gương cho con cháu mình." - ông Giảng tâm sự.
Toàn Vũ