Đường phố Việt Nam chưa phù hợp để đạp xe đi làm?

Tô Sa

(Dân trí) - TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu giao thông cho rằng, đạp xe mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên đường sá và kết cấu hạ tầng Việt Nam chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân đạp xe đi làm.

Muốn đạp xe đi làm nhưng sợ... tai nạn

Tuy mới xuất hiện tại Việt Nam, nhưng xu hướng đạp xe đi làm (Cycle to Work) đang trở thành một trào lưu thịnh hành. Đặc biệt, khi giá xăng dầu tăng cao, dân công sở càng có thêm lý do để lựa chọn xe đạp là phương tiện di chuyển hoặc kết hợp với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, xe buýt điện, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông,…

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vỡ mộng "đu trend" đạp xe đi làm với nhiều lý do khác nhau. 

Anh Tuấn Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận định, đạp xe đi làm không phù hợp với cuộc sống năng động và hối hả của đô thị, nhất là đường sá, kết cấu hạ tầng của các thành phố chưa tạo điều kiện thích hợp cho người đạp xe.

"Đạp xe đi làm vướng mắc nhiều yếu tố, như quãng đường xa, giao thông nguy hiểm, tính chất công việc,… Nếu chính quyền địa phương chung tay làm đường riêng cho xe đạp mới có thể khuyến khích được số đông. Với tình trạng giao thông hỗn hợp hiện tại, tôi nghĩ, đạp xe đi làm dễ gặp tai nạn", anh Long nói.

Anh Nguyễn Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng rất thích đạp xe đi làm nhưng gặp phải một số điều bất tiện, như không có đường dành riêng cho xe đạp buộc anh len lỏi giữa "rừng" xe máy và ô tô tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngoài ra, trào lưu này chưa thực sự phù hợp với khí hậu (nhất là những ngày nắng nóng hay mưa lớn) và những gia đình có con nhỏ.

"Nếu ở nội thành Hà Nội hoặc TPHCM có làn đường dành riêng cho xe đạp thì tôi nghĩ phương tiện này sẽ rất phổ biến, vừa tiết kiệm vừa nâng cao sức khỏe lại bảo vệ môi trường", anh Hưng chia sẻ.

Đường phố Việt Nam chưa phù hợp để đạp xe đi làm? - 1

Một dân công sở Hà Nội đạp xe đi làm (Ảnh: Toàn Vũ)

Đường phố Việt Nam chưa phù hợp để đạp xe đi làm?

Trao đổi với PV Dân Trí, TS Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia nghiên cứu giao thông đánh giá, đạp xe mang lại nhiều lợi ích như hạn chế tai nạn giao thông, nâng cao sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường, giá thành rẻ, phù hợp trong thời kỳ bão giá.

Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình phương tiện này bao gồm tốc độ chậm, không phù hợp với cự ly xa, gây mệt mỏi,…

Theo ông Thủy, xe đạp là phương tiện trung gian kết nối hiệu quả giữa các loại phương tiện công cộng. Người dân có thể kết hợp đi làm bằng xe đạp, xe buýt, tàu điện trên cao,…

Xu hướng chuyển đổi sang xe đạp xe trong bối cảnh bão giá là một giải pháp hợp lý, vừa thuận tiện, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

"Xe đạp sẽ từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần đa dạng hóa loại hình, hướng tới một thành phố văn minh", ông Thủy nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, đường sá và kết cấu hạ tầng Việt Nam hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân đạp xe đi làm. Thứ nhất, mặt cắt đường còn hẹp. Theo thống kê, 50% mặt đường khá hẹp, chỉ từ 7-11m, khiến xe đạp không thể "bon chen".

Thứ hai, Việt Nam chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp như các nước khác trên thế giới, trong khi đó mật độ xe máy rất lớn.

"Do chưa có tuyến đường riêng, xe đạp lẫn lộn với các phương tiện, nhất là xe máy, đe dọa an toàn giao thông", TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất trong tương lai nếu mở rộng mặt đường lên 20-30m, có thể xây dựng làn đường riêng với giải phân cách cứng dành riêng cho xe đạp.

Thứ ba, mạng lưới xe đạp công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM chưa thực sự phát triển.

Thứ tư, ứng dụng giao thông thông minh phục vụ gọi xe, trông giữ xe đạp chưa có.

Thứ năm, thói quen đi lại của người dân chưa bắt nhịp kịp với xu hướng. Nhiều người vẫn chọn gắn bó với xe máy vì loại hình này quá tiện lợi, phổ biến, đáp ứng mọi cự ly.

Đường phố Việt Nam chưa phù hợp để đạp xe đi làm? - 2

Nhiều người dân kết hợp Hà Nội và các phương tiện công cộng để đi làm (Ảnh: Viên Minh)

Về quan điểm cho rằng "đạp xe đi làm là sự thụt lùi, lạc hậu của xã hội", TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng thời kỳ đạp xe đã đi qua mấy chục năm trước.

Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể và thực tiễn hệ thống giao thông hiện nay, ông đánh giá đạp xe đi làm là một sự lựa chọn thông minh, khôn khéo, mang lại hiệu quả cho bản thân và môi trường đô thị.

"Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu khốc liệt thì tôi nghĩ, sử dụng xe đạp thể hiện sự thông minh và bài toán kinh tế. Và đúng vậy, ở các nước thông minh, người ta đều dùng xe đạp, như Thụy Sỹ, Hà Lan, Pháp, Mỹ,…", ông Thủy nói.

Vị chuyên gia đề xuất, để xe đạp thực sự trở thành một phương tiện đi làm thuận lợi, chính quyền địa phương cần phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn. Thực tế, Sở Giao thông Vận tải TPHCM hồi tháng 6 cũng đã có chủ trương nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ trên xa lộ Hà Nội - trục huyết mạch cửa ngõ phía đông thành phố (dài gần 15 km, kết nối quốc lộ 1 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai).

Ngoài ra, nâng cao mô hình mạng lưới xe đạp công cộng ở khu trung tâm cũng sẽ giúp người dân thêm lựa chọn đi lại.

Tháng 3, UBND TP Hà Nội đã nhất trí giao Sở GTVT xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng tại 5 quận trung tâm, nhằm đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư…

Trước đó, cuối năm ngoái, TPHCM cũng đã thí điểm mô hình xe đạp công cộng ở khu trung tâm.

Đường phố Việt Nam chưa phù hợp để đạp xe đi làm? - 3

Cuối năm ngoái, người dân trải nghiệm đạp xe công cộng trên đường phố TPHCM (Ảnh: Gia Uyên)

"Để thực hiện được việc phát triển xe đạp công cộng cần phải lựa chọn những nhà đầu tư tốt, có năng lực, để có thể lên phương án cụ thể. Hay việc sử dụng các phần mềm công nghệ trong thanh toán, quản lý xe, giữ xe ra sao...

Đặc biệt, mạng lưới các trạm cho thuê xe phải bố trí đều khắp để người dân tiếp cận các trạm xe dễ dàng, đồng thời phù hợp để nối kết các hạ tầng giao thông khác nhau", chuyên gia giao thông cho hay.

Sau cùng, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, người dân nên nhận thức lại vấn đề giao thông, sử dụng xe đạp trong các cự ly gần thay thế xe máy, kết hợp với giao thông công cộng, từ đó giảm ô nhiễm, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, hướng đến xã hội văn minh.