ĐBSCL:

Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền

(Dân trí) - Những ngày qua, người dân Khmer ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Tết Chôl Chnăm Thmây (Tết chịu tuổi) được xem là lễ hội truyền thống lớn nhất của đồng bào Khmer. Theo quan niệm của người Khmer, đây là thời điểm trời đất giao hòa, cỏ cây tươi tốt đầy sức sống; sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây như sự khởi đầu của một năm mới.

Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền - 1
Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền - 2
Các chùa Khmer trang trí cờ hoa đẹp mắt đón Tết.
Các chùa Khmer trang trí cờ hoa đẹp mắt đón Tết.

Tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ ngày 14 đến 16/4. Theo phong tục, ngày thứ nhất, con cháu đi thăm viếng, dâng quà, bánh cho ông bà, cha mẹ và đến chùa tham gia rước đại lịch Khmer, đón năm mới.

Ngày thứ hai, bà con dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi; các vị sư làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực. Vào ngày này, bên cạnh việc tham gia các trò chơi dân gian, văn nghệ, thể thao, bà con Khmer còn được các vị Acha hướng dẫn đắp núi cát ở tám hướng xung quanh ngôi chánh điện với mong ước có được những điều tốt lành, sung túc trong năm mới.

Đến ngày thứ ba, sau khi dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư, đồng bào Khmer mang theo nước ướp hương thơm, nhang đèn làm lễ tắm Phật, sau đó tắm cho các sư sãi cao niên. Ở gia đình, bà con còn tắm rửa, thay những bộ quần áo mới cho ông bà, cha mẹ với mong muốn tẩy rửa mọi ô uế của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho những bậc cao niên.

Nhà sư chuẩn bị các bàn cúng ngày Tết.
Nhà sư chuẩn bị các bàn cúng ngày Tết.
Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền - 5
Đắp núi cát với mong muốn những điều tốt lành.
Đắp núi cát với mong muốn những điều tốt lành.

Ông Huỳnh Nê (ngụ huyện Long Phú, Sóc Trăng) chia sẻ, từ những ngày trước Tết, bà con đồng bào dân tộc Khmer đã tiến hành dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm quần áo mới cho mọi người trong gia đình để mặc trong những ngày Tết. Gia đình nào cũng có nồi bánh tét, bánh ít, vì 2 loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, được mùa của đồng bào Khmer; có nhiều gia đình làm thêm bánh dừa, bánh bột nhân dừa… để đón mừng một năm mới với mọi điều tốt lành.

Những ngày này, ở các phum sóc, nhất là ở các ngôi chùa, không khí rất náo nhiệt bởi nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn văn nghệ được tổ chức gần như suốt ngày đêm với các điệu múa truyền thống của người Khmer như lâm thol, dù kê, rô băm,…

Ông Trần Cam (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) cho biết: “Những ngày này, bà con chúng tôi đón Tết rất vui bởi cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, no ấm hơn trước. Đường sá đi lại đã được bê tông hóa nên rất thuận lợi. Cầu mong một năm mới tốt lành đến với tất cả mọi nhà, mọi người”.

Bà con vào chùa làm lễ ngày Tết
Bà con vào chùa làm lễ ngày Tết
Nghi thức đón năm mới với việc dâng cơm cho các vị sư sãi ở chùa.
Nghi thức đón năm mới với việc dâng cơm cho các vị sư sãi ở chùa.
Phút giây thành kính tổ tiên ông bà.
Phút giây thành kính tổ tiên ông bà.

Ghi nhận của PV Dân trí tại tỉnh Bạc Liêu, các chùa Khmer trên địa bàn đều trang trí cờ hoa đẹp mắt để mừng Tết cổ truyền. Không khí đón Tết của đồng bào Khmer cũng diễn ra rất sôi nổi.

Chương trình văn nghệ với những điệu múa đặc sắc của dân tộc Khmer.
Chương trình văn nghệ với những điệu múa đặc sắc của dân tộc Khmer.
Chơi các trò chơi dân gian như kéo co.
Chơi các trò chơi dân gian như kéo co.
Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền - 12
Làm bánh gừng, một loại bánh đặc trưng trong ngày Tết của người dân Khmer.
Làm bánh gừng, một loại bánh đặc trưng trong ngày Tết của người dân Khmer.

Xuân Lương – Huỳnh Hải