TP.HCM:

Độc đáo quán cà phê hơn 60 năm "không ngủ"

(Dân trí) - 2 giờ sáng, con hẻm trên đường Phan Đình Phùng đã chào ngày mới bởi mùi cà phê thơm lừng lan tỏa. Hơn 60 năm qua, quán cà phê của cô Tuyết vẫn đều đặn như vậy, quán chưa một ngày đóng cửa, kể cả dịp lễ tết.

Thức tỉnh góc phố

Cô Tuyến đang pha chế cà phê theo cách gia truyền bằng vợt.
Cô Tuyến đang pha chế cà phê theo cách gia truyền bằng vợt.

Ráng sáng, trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) dường như đã chào ngày mới bởi mùi cà phê thơm lựng lan tỏa trong không gian còn tinh khôi và tiếng chuyện trò râm ran làm thức dậy một con phố nhỏ. Tại đây, khách uống cà phê ngồi từ trong quán ra hai bên đường với dáng vẻ ung dung thưởng thức từng ngụm ngọt đắng để bắt đầu cho một ngày mới.

Giờ này, khách chủ yếu là những người bắt đầu công việc sớm như các chủ sạp báo, người giao báo, đông nhất là những người bỏ mối, lấy hàng ở chợ Tận Định và chợ Bà Chiểu. Họ đến thưởng thức một ly cà phê giúp tỉnh táo đầu ngày, hàn huyên với nhau đôi chút trước khi lao vào cuộc mưu sinh. Sau đó là đến những người dân đi tập thể dục ghé qua, họ ngồi im lặng thưởng thức từng giọt cà phê, đọc báo sáng hay chỉ ngồi vẩn vơ ngắm trời ngắm đất và kể lại cho nhau chuyện của ngày cũ…

Khi nắng lên cao, Sài Gòn bắt đầu với sự nhộn nhịp huyên náo vốn có cũng là lúc khách bắt đầu tấp nập, cánh xe ôm, phụ huynh đưa con đi học và nhân viên văn phòng tạt vào mua cà phê mang đi làm con hẻm nhộn nhịp lạ thường.

Cà phê vợt còn tồn tại hiếm hoi tại Sài Gòn
Cà phê vợt còn tồn tại hiếm hoi tại Sài Gòn

Quán có mặt từ năm 1953, gọi là quán nhưng diện tích nơi đây chỉ đủ kê hai cái bàn cho khách và cái xe đẩy để chủ tiệm đứng pha chế. Chủ quán là đôi vợ chồng già mà nhiều người quen gọi là chú Ba, cô Gái. Tuổi đã cao nhưng họ vẫn đứng pha cà phê cho khách từ đầu ngày đến chiều muộn, sau là anh Quý, người con trai lớn, đứng bán tiếp cho đến sáng. Cũng vì mở cửa ngày đêm nên nhiều người gọi vui quán cà phê không tên này là cà phê không bao giờ ngủ.

Tính đến nay, đã ba thế hệ trong gia đình chú Ba thay nhau phục vụ mọi người, bếp luôn đỏ lửa để nấu nước sôi. Hẻm nhỏ, quán nhỏ vậy nhưng khách vào ra liên tục, hết tốp này đến tốp khác, người mua đi, người ngồi lại cứ tấp nập 24/24. Khách đông nhưng không phải đợi lâu bởi cách pha chế độc đáo, vừa quen lại vừa lạ.

Quen là đối với những người sống tại Sài Gòn trước những năm 1975, còn lạ với thế hệ trẻ ngày nay. Cà phê được cho vào vợt vải, rồi múc nước sôi đổ vào, sau đó lại cho thêm cà phê vào vợt và châm thêm một ít nước sôi rồi đổ ngược tất cả nước cà phê vào vợt.

Khách đến thưởng thức cà phê độc đáo của cô Tuyết khá đông vào mỗi sáng.
Khách đến thưởng thức cà phê độc đáo của cô Tuyết khá đông vào mỗi sáng.

Nhiều thực khách đánh giá, cà phê ở đây chỉ hơn 10.000 đồng. Giá rẻ nhưng vị thì miễn chê, mùi cà phê thơm quyện một chút bơ, một chút đắng nhè nhẹ qua đầu lưỡi rồi đi nhanh xuống cổ, lưỡi mà vẫn sạch tinh để chuẩn bị thưởng thức một ngụm khác. “Cà phê nhà chúng tôi tự làm, không có phụ gia hay hóa chất gì. Vì với cách pha này, các lớp cà phê và chiếc vợt đã tạo ra một chiếc lọc nhiều lớp và ly cà phê thành phẩm xin cam đoan chỉ toàn là cafe nguyên chất, không chất tạo đắng tạo mùi gì”, chú Ba giới thiệu.

Quán cà phê...không ngủ!

Hơn 60 năm qua, 3 thế hệ trong gia đình cô Tuyết thay nhau mở cửa quán cà phê 24/24.
Hơn 60 năm qua, 3 thế hệ trong gia đình cô Tuyết thay nhau mở cửa quán cà phê 24/24.

Hơn 60 năm qua, quán chưa một ngày đóng cửa, lễ tết cũng mở cửa đón khách. “Ngoài chuyện kinh doanh chúng tôi cảm thấy quý khách vì họ đã gắn bó với chúng tôi hai ba chục năm là chuyện thường”, cô Tuyết vui vẻ kể.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi cà phê chưa thịnh hành, các quán cà phê cũng không nhiều, ngày đó, cách pha phổ biến là cà phê được rót ra từ những cái vợt bằng vải được ngâm trong siêu đất nên mới có tên gọi là cà phê bít tất hay cà phê vớ do liên tưởng từ hình dạng của chiếc vợt.

Tuy nhiên, về sau do tính tiện dụng nên những chiếc ca inox đã thế chỗ cho siêu đất và những chiếc ly sành cũng nhanh chóng nhường chỗ cho những chiếc ly thủy tinh hiện đại. Cho dù là dùng vật dụng gì thì tay nghề pha, rót cà phê của chủ quán vẫn là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng ly cà phê.

Những vị khách bình thản chờ thưởng thức ly cà phê sáng tại quán nhỏ của cô Tuyết.
Những vị khách bình thản chờ thưởng thức ly cà phê sáng tại quán nhỏ của cô Tuyết.

Như cô Tuyết tiết lộ, rất nhiều người lúc đầu tìm đến quán chỉ vì tò mò về loại hình cà phê này và muốn xem cho bằng được hình ảnh pha chế của cô, để rồi sau đó là mối quen vì nghiện cà phê của cô. Hình ảnh chủ quán đưa ca inox lên cao để rồi cho dòng cà phê chảy ra làm tràn miệng ly hay chiếc vợt được đưa lên cố chắt vài giọt tí tách còn sót lại vào ly cho cà phê cho khách được ví von là "linh hồn" của loại hình cà phê này.

Nghe qua tưởng chừng cũng đơn giản nhưng theo cô Tuyết đó không phải là điều có thể học được nhanh chóng. “Tôi phải mất hơn 20 năm để dạy con trai mình thì nó mới có thể làm thành thục và pha được một ly cà phê ngon như hiện nay”, cô Tuyết khẳng định.

Sài Gòn náo nhiệt nhưng ở quán cà phê không ngủ vẫn có những khoảng lặng bình yên.

Nhiều người trang thủ mua mang theo.
Nhiều người trang thủ mua mang theo.

Theo những khách quen ở đây, uống cà phê như thế này mới gọi là cái thú. Cà phê pha bằng vợt nên hương thơm của nó tỏa rộng ra cả một vùng, khách ngồi chờ chưa uống đã thấy thèm và cảm thấy sảng khoái. Không gian gần gũi nhưng đặc biệt, ngồi ở quán khách có thể ngắm người qua kẻ lại, xe lớn xe nhỏ băng vù vù, rồi dân lao động, trí thức đều có thể nói chuyện với nhau, người trẻ và ông lão cũng trở nên bạn qua ly cà phê.

Giữa bộn bề cuộc sống, với những quán cà phê hiện đại hay quán cà phê ngoại nhập sang trọng mà khách vào đa phần là những người trẻ mắt chỉ say sưa "dán" chặt vào điện thoại, ipad, laptop thì những quán nhỏ vỉa hè thoảng hương cà phê mộc mạc, con người dù xa lạ vẫn có thể chuyện trò bên nhau đã trở thành hình ảnh đẹp, một nét văn hóa đang trở nên hiếm hoi tại Sài Gòn.

Trung Kiên