Đắk Nông:

Độc đáo ngôi làng “cai” rượu bia, thuốc lá cho cả... thần linh

(Dân trí) - Gần 20 năm qua, cộng đồng người Châu Mạ có một luật bất thành văn là không sử dụng rượu bia, thuốc lá kể cả trong nhưng buổi lễ thần. Luật lệ được duy trì nhiều năm liền góp phần mang đến bộ mặt mới cho ngôi làng từng được coi là nghèo nhất Đắk Som.

Phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số sống giữa đại ngàn Tây Nguyên là hễ ma chay, lễ hội hay cúng tế thần linh là phải có rượu, thuốc lá. Tất cả đàn ông dù là thanh niên hay cụ già đều phải uống rượu trong những dịp lễ này. Tuy nhiên, trước tác hại của những chất kích thích này, người đứng đầu bon Păng So (bon Păng So, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) đã tự nguyện làm gương bài trừ chúng, cho dù trong quá khứ đây đã là một phần của văn hóa.

Từ quá khứ “mê muội”

Như để thỏa mãn sự tò mò về chuyện của làng “không rượu bia, thuốc lá”, chúng tôi tìm đến nhà già làng K’Móc (60 tuổi) nằm sát Quốc lộ 28. Theo lời ông lão, từ xa xưa tập tục của người Mạ là sống phân tán giữa rừng sâu, cuộc sống nay đây mai đó, phiêu bạt nơi “rừng thiêng nước độc” nên rượu gạo, rượu ngô và thuốc lá là thứ không thể thiếu để họ chống chọi với giá rét, buồn tẻ.


Ông K’Móc kể lại câu chuyện bài trừ rượu, bia, thuốc lá của bon Păng So gần 20 năm về trước

Ông K’Móc kể lại câu chuyện bài trừ rượu, bia, thuốc lá của bon Păng So gần 20 năm về trước

Khi mặt trời đã tắt hẳn cũng là lúc những người đàn ông lại cùng nhau quây quần giữa sàn nhà uống rượu và hút thuốc lá. Lễ hội vì thế cũng được tổ chức rình rang với những ché rượu cần chất ngất, thịt heo, thịt trâu nhiều vô kể và thuốc lá phơi khô được đưa đến phục vụ dân làng suốt mấy ngày đêm.

Hồi ấy, dân trong làng bảo rằng, cái gì có thể thiếu nhưng rượu và thuốc lá thì nhất định phải có. Và hình ảnh cánh đàn ông ngồi tròn quanh bếp lửa, bên chai rượu và người phụ nữ với hàm rằng đen nhánh phập phù tẩu thuốc trên môi trở nên quen thuộc, bám riết lấy dân làng.

Già làng K’Móc nhớ lại: “Hồi mà cả làng còn bầu bạn với rượu, thuốc lá thì việc có người mất mạng vì say xỉn hay bệnh tật do nó mang lại không phải là hiếm. Nhất là những năm cuối của thế kỷ trước, khi cuộc sống còn khó khăn, lạc hậu, mỗi năm số người chết vì những chất kích thích cũng lên đến cả chục người”.

Nhận thấy tác hại trước mắt nên già làng trước đây đã xung phong bỏ rượu, thuốc lá và vận động người dân trong làng cùng làm theo. Tuy nhiên, việc vận động người dân bỏ rượu, thuốc lá chẳng hề dễ dàng, vì từ lâu uống rượu, hút thuốc đã trở thành một nét văn hóa, cũng giống như tục nhuộm răng của cộng đồng này.

“Chỉ đến khi xuất hiện nhiều tin tức nói về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, cùng với việc nhiều người trong bon mắc phải những căn bệnh quái ác thì dân làng mới bắt đầu cảm thấy lo sợ và nghĩ đến việc là phải từ bỏ chúng.

Bây giờ việc không được sử dụng rượu, thuốc lá trong các sự kiện của gia đình, cộng đồng đã được đưa vào nội quy chung của bon làng. Ngay cả lễ cúng thần linh, chúng tôi cũng không sử dụng rượu mà lấy nước suối hoặc nước trà”, già làng K’Mót chia sẻ thêm.

Đến quyết định sáng suốt

Việc xung phong bỏ thuốc lá, rượu bia cũng được bắt đầu từ những người từng một thời đắm chìm trong men rượu và khói thuốc. Cho đến mấy năm gần đây con số về người bỏ hút thuốc, bỏ rượu, bia của bon Păng So đã đạt gần 100%.


Con đường dẫn vào bon Păng So khang trang, đổi mới

Con đường dẫn vào bon Păng So khang trang, đổi mới

Để chứng minh cho con số này, già làng K’Móc đã dẫn chúng tôi đến dự đám cưới của một người trong làng. Từng nhóm nam nữ thanh niên xúng xính trong những bộ áo quần đẹp nhất, họ ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau khi trên bàn chỉ có những chai nước ngọt.

Từ khi “đoạn tuyệt” rượu, bia có thể nói tình làng nghĩa xóm trong bon Păng So càng thêm gắn bó, đằm thắm hơn. Gần 20 năm nay, trong bon không còn tình trạng gây gổ hay xích mích to tiếng trong mọi bữa tiệc. Mọi người trong làng đều cư xử nhẹ nhàng, điềm đạm và cùng chỉ nhau cách làm ăn để cuộc sống trở nên khấm khá, tươi đẹp hơn.

Cũng chính nhờ không dùng rượu, bia, thuốc lá mà dân làng bon Păng So luôn yên bình, đặc biệt là diện mạo của bon làng được “thay da đổi thịt”, ngày càng nhiều những căn nhà khang trang, to đẹp mọc lên.

Bà H’Glong (55 tuổi) vui vẻ cho biết: “Cả làng từ thanh niên cho đến người già không ai đụng tới rượu bia cả nên không còn tình trạng say xỉn như trước kia. Giờ ai cũng chỉ chú tâm làm vườn tược để phát triển kinh tế gia đình. Đàn ông trước đây hay ngồi nhậu la cà thì giờ đây họ đã biết san sẻ việc nhà, chăm lo cho gia đình, đàn bà cũng không phì phèo chiếc tẩu hút thuốc lá nữa”.

Ông Hoàng Minh Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết, việc loại bỏ hoàn toàn rượu bia, thuốc lá đã tồn tại nhiều năm nay trong cộng đồng người Châu Mạ bon Păng So, cũng nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.

Địa phương hết sức ủng hộ quy định này của bon Păng So, tuy nhiên cũng tư vấn việc sử dụng rượu cần và thuốc đê (một loại thuốc lá riêng của người đồng bào) trong những ngày lễ quan trọng để cúng thần linh để không mai một một phong tục đẹp.

Dương Phong- H’Dơng