Độc đáo “bánh trái cây” xứ Huế
(Dân trí) - Huế vốn là xứ sở của nhiều loại bánh trái từ các loại bánh dâng vua chúa cho đến các loại bánh dân dã, tuy vậy ít ai biết đến bánh trái cây, một loại bánh có hình thù của nhiều loại quả độc đáo.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn
Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc,… nhưng có một loại bánh độc đáo rất ít người biết là bánh trái cây. Cái tên bánh trái cây khiến người ta liên tưởng rằng bánh được làm từ nhiều trái cây tươi. Thế nhưng, nguyên liệu chính để tạo ra loại bánh này chính là đậu xanh.
Để có thành phẩm một chiếc bánh trái cây đẹp mắt đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Các nguyên liệu chủ yếu bao gồm đậu xanh, rau câu và phẩm màu tự nhiên.
Đậu xanh được chọn lọc kỹ rồi đem ngâm vào nước nóng, đãi cho bung vỏ lụa để lấy phần nhân, đem nấu chín rồi xay nhuyễn. Nêm nếm đường theo định lượng có sẵn vào hỗn hợp đậu vừa xay. Để hỗn hợp này có độ ẩm vừa phải dễ dàng cho việc tạo hình thù của nhiều loại quả khác nhau, cần quấy đều tay trong lúc nấu khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Công đoạn tiếp theo, ta nhào nặn đậu xanh bằng tay để đậu mềm mại. Sau đó vo tròn từng viên, dùng các vật dụng tạo hình đơn giản như que gỗ để nắn hình các loại quả như đào, khế, xoài, cà chua, ớt, măng cụt, lựu,…. Mang mẻ bánh đó đi sấy khô khoảng 5 – 6 tiếng để thuận tiện trong việc lên màu bánh.
Nếu công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và tạo hình mất nhiều thời gian thì việc tạo màu sắc cho bánh đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Trước khi tô màu, ta lấy que gỗ xiên vào đầu bánh rồi nhúng vào hỗn hợp rau câu không đường để tạo lớp bảo vệ. Sau cùng, để cho ra chiếc bánh trái cây hoàn chỉnh thì dùng các phẩm màu tự nhiên tô lên sao cho giống thật. Tùy vào mỗi loại trái cây mà người làm bánh có thể phối màu sao cho thật sống động và đẹp mắt. Đó chính là sự pha trộn của nhiều màu sắc như ớt có thân màu đỏ, cuống xanh; trái khế có thân màu vàng xanh; hay lạ mắt hơn là quả đào với hai màu hồng và đỏ. Bánh có thể dùng được trong vòng 4 ngày.
Bánh trái cây khi thành phẩm phải có sự hòa quyện giữa vị ngọt bùi của đậu xanh và độ dẻo dai của lớp rau câu bên ngoài. Khi cắn miếng bánh, lớp rau câu đứt ra, nhân đậu xanh tan dần trong miệng mát ngọt, thanh tao.
Độc đáo “bánh trái cây” xứ Huế
Cố gắng truyền “lửa nghề”
Chúng tôi tìm được nhà của chị Trần Thị Kim Sương tại phường Kim Long, TP Huế để tìm hiểu cách làm loại bánh độc đáo này. Khi đến đây, chúng tôi thấy chị Sương đang tạo hình bánh với bàn tay thoăn thoắt của một nghệ nhân gia truyền. Khởi đầu từ những loại quả đơn giản như cà chua, ớt, đu đủ,…chị Sương đã tự học hỏi và sáng tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng hơn như các loại quả đào, măng cụt, mãng cầu, lựu,…
Quanh năm suốt tháng, dù dịp lễ hay ngày thường chị đều phải dậy từ 5 giờ sáng để bắt đầu làm nguyên liệu bánh. Khi tết đến xuân về, trung bình mỗi ngày chị làm từ 300 đến 500 cái do nhu cầu khách hàng rất lớn. Mỗi bánh có giá dao động từ 1.700 cho đến 2.000 đồng/cái, muốn loại to hơn thì yêu cầu đặt từ 3.000 đến 4.000 đồng/cái.
Sống với nghề gần 20 năm, chị Sương là một trong số ít những người ở Huế còn lưu giữ nghề làm bánh trái cây đậu xanh. Thế nên, trong những dịp Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế qua các năm, chị đều được mời làm bánh tại các gian hàng để giới thiệu, quảng bá món bánh Huế truyền thống đến các du khách thập phương trong nước và quốc tế.
Với tâm huyết tạo ra những chiếc bánh trái cây phục vụ cho khách hàng, hơn nhiều năm qua chị Sương luôn cố gắng truyền lửa cho con cháu để nghề không bị thất truyền.
Chị Sương chia sẻ: “Tôi luôn thấy đây là một nghề thú vị và muốn giữ cho con cháu để không bị lãng quên. Từ những đời trước, tôi được ông bà truyền lại công thức làm bánh thì sao có thể không lưu giữ được. Tuy nghề này lợi nhuận không cao nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng mình phải biết cách gìn giữ và chia sẻ cho các thế hệ sau”.
Mỗi loại bánh không chỉ có hình dáng đa dạng, mà phải đều đặn về kích thước dưới bàn tay tinh tế của nghệ nhân
Quốc Nhật – Quỳnh Nga – Đại Dương