Địa danh nào ở Việt Nam cho ra ly cà phê ngon hàng đầu?
(Dân trí) - Cà phê từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc của đông đảo người dân Việt Nam. Có rất nhiều vùng trồng cà phê nhưng không phải vùng đất nào cũng cho ra những hạt cà phê đạt chuẩn thơm ngon. Thổ nhưỡng khí hậu chính là những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu cà phê.
Huyền thoại về thủ phủ cà phê CADA
Có lẽ nhắc tới cà phê người ta sẽ nghĩ ngay tới Đắk Lắk vì nơi đây được mệnh danh là thủ phủ của cà phê. Nơi đây đã trở thành chỉ dẫn địa lý nổi tiếng cho cà phê Việt Nam và CADA cũng là nơi được người ta nhắc tới nhiều khi nói về lịch sử cà phê xứ này.
Nông trường cà phê CADA (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ngày nay được nhiều người biết đến là vùng đất nổi tiếng với cây cà phê. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, vùng đất này còn là một chứng nhân, đã đi qua nhiều biến động lịch sử cùng đất nước. Đến nay, CADA đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển và đã được nhà nước liệt vào một trong những Di tích lịch sử cấp quốc gia, được đầu tư phục dựng dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, năm 2011.
Sau khi đặt được ách thống trị, nhận thấy Đắk Lắk là vùng đất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng và khai thác cây cà phê, người Pháp đã tiến hành lập nhiều đồn điền lớn tại đây. Đồn điền CADA chính là tên lấy từ những chữ cái đầu của một tổ chức kinh tế mà người Pháp đã thành lập để khai thác thuộc địa tại huyện Krông Pak - Đak Lak từ những năm 1922. CADA là một trong những đồn điền đầu tiên mà người Pháp xây dựng tại Buôn Ma Thuột, với diện tích ban đầu là 260ha cà phê.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử cùng đất nước, đến tháng 3/1977, sau khi tiếp quản toàn bộ diện tích của đồn điền CADA, Ủy Ban nhân dân tỉnh Đak Lak đã quyết định thành lập Nông trường quốc doanh địa phương, lấy tên là Nông trường Phước An. Thời điểm này, Phước An được giao tiếp quản 400ha của đồn điền CADA cũ, một thời gian sau đã phát triển lên hơn 1 nghìn ha. Tuy nhiên, với nhiều đợt chia tách những năm sau đó, Cà phê Phước An trở về với diện tích 400 ha ban đầu. Sau nhiều thăng trầm, đến nay thì đổi thành Công ty cổ phần cà phê Phước An.
Nhờ lợi thế đất đỏ bazan màu mỡ, cùng độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển nên cao nguyên Buôn Ma Thuột, mà điển hình là nông trường CADA không những là vùng đất mà cây cà phê có thể sinh trưởng tốt mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Hương vị thơm ngon tự nhiên đặc trưng không nơi nào có được đã được khẳng định qua quá trình lịch sử hàng trăm năm từ cà phê CADA thời Pháp thuộc cho đến tận ngày nay.
Mặc dù nắm trong mình những lợi thế là thế, tuy nhiên cà phê Việt Nói chung và cà phê CADA – Buôn Ma Thuột nói riêng chưa thể phát huy hết tiềm năng của mình. Do hạn chế về đội ngũ chuyên môn, cũng như máy móc, thiết bị, bao năm qua, cà phê Việt chỉ chú tâm phát triển về số lượng, sản lượng mà không chú tâm vào việc phát triển, nâng tầm chất lượng.
Nỗi trăn trở của một doanh nghiệp
Trong hoàn cảnh đó, NutiFood – Một công ty thực phẩm dinh dưỡng thuần Việt, với các sáng lập viên là bác sĩ – chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đã nhận lấy trách nhiệm của mình và quyết định đầu tư vào lĩnh vực cà phê, với tham vọng đưa cà phê Việt vươn ra thế giới.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood chia sẻ: “CEO của chúng tôi – Bác sĩ Trần Thị Lệ, trong 6 năm trời là sinh viên y khoa của Đại học Y Tây Nguyên, đã nhiều lần đi lại quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột về quê nhà, vẫn còn giữ nguyên ấn tượng về đồn điền cà phê xanh ngút ngàn hai bên đường, và ước mơ có một ngày hạt cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa và có giá trị trên thị trường quốc tế, xứng đáng với vị thế của vùng đất ba zan mầu mỡ, đã từng nổi tiếng thế giới với các đồn điền cà phê mang tên CADA của người Pháp từ gần trăm năm trước”.
Nhằm thực hiện tham vọng đó, tháng 5/2017, NutiFood đã ký hợp tác với tỉnh Đắk Lắk, đầu tư ngàn tỉ vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao và trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất của công ty cà phê Phước An. Ban đầu, theo phương án cổ phần hóa, NutiFood được mua 25% cổ phần giá trị của giao dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, NutiFood đã tăng vốn sở hữu tại Phước An lên 51% thông qua việc mua lại cổ phần của nhà nước.
Như vậy có thể nói, cà phê CADA – Buôn Ma Thuột, với những lợi thế tự nhiên sẵn có của mình, nay có được sự đầu tư bài bản của NutiFood sẽ có cơ hội phát triển hơn trong nước và xa hơn là vươn ra thế giới, nâng tầm cà phê Việt trên trường quốc tế.
An An