Đi tìm "cuộc đời mới" cho những đứa trẻ không có giấy khai sinh
(Dân trí) - Khi bỏ nhà đi, mẹ Thúy Vy đem theo tất cả giấy tờ, trong đó có giấy chứng sinh của bé nên Vy không làm được giấy khai sinh. Mọi chuyện càng phức tạp hơn khi bé bị tai nạn…
Những đứa trẻ không có giấy khai sinh
Ngày 23/8 tại Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn (TPHCM), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức sự kiện “Trang mới cuộc đời – Khai sinh tương lai cho em” để gặp gỡ và trao tặng cho gia đình các trẻ được hỗ trợ làm giấy khai sinh một ít thực phẩm và các thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.
Ngồi ở góc cuối sân, hai anh em Thông và Minh bẽn lẽn ngồi co chân trên chiếc ghế nhựa. Khi được hỏi, 2 cậu bé rụt rè trả lời lí nhí vì ngại ngùng. Khi nghe giới thiệu Thông sinh năm 2009, Minh sinh năm 2011 thì ai cũng giật mình xót xa vì 2 cậu bé nhỏ choắt như trẻ mầm non.
Bạn Lê Thị Hà Giang, nhân viên dự án Trang mới cuộc đời của Viện MSD chia sẻ: “Gia đình Thông và Minh có 4 anh em, cha mẹ không biết chữ, ở quê lên thành phố làm thuê nhiều năm rồi. Khi sinh 2 bé, về quê xa tốn nhiều chi phí nên đến khi gần 10 tuổi 2 bé vẫn chưa có giấy khai sinh, không thể đến trường như bao đứa trẻ khác”.
“Đến năm rồi chúng tôi mới tiếp nhận, hỗ trợ làm giấy khai sinh cho 2 bé thì thời gian xa quá rồi nên thủ tục phức tạp, đi lại nhiều lần mới xong. Đáng lẽ tuổi này thì Thông đã học cấp 2. Nhưng vì thiếu giấy khai sinh nên đến nay 2 anh em mới học chung lớp 2 ở trường tình thương”, chị Hà Giang thở dài cho hay.
Theo chị Hà Giang, trong hành trình hỗ trợ mấy chục ca làm giấy khai sinh cho các trẻ, chị ấn tượng nhất là ca của bé Thúy Vy (sinh năm 2014). Khi mẹ Vy bỏ nhà đi đã đem theo tất cả giấy tờ, trong đó có cả giấy chứng sinh của bé nên chính quyền địa phương không thể làm giấy khai sinh cho bé.
Đến năm 2019, Thúy Vy bị xe máy tông ngã gãy tay, người gây ra tai nạn bỏ chạy. Bé Vy không có giấy khai sinh, không làm được thẻ bảo hiểm y tế nên chi phí nằm viện quá lớn với gia đình. Cha bé thì vay mượn khắp nơi cũng không có đủ số tiền hơn 10 triệu đồng để chữa cho con.
Chị Hà Giang kể: “Lúc ấy, dự án Trang mới cuộc đời đã hỗ trợ xét nghiệm ADN khẩn cấp cho cha con Thúy Vy để xác định huyết thống rồi mới làm giấy khai sinh cho bé được. Nhờ đó bé làm được thẻ bảo hiểm y tế trẻ em và đến đầu năm nay có thể đến trường như bao đứa trẻ khác”.
Mở ra trang mới của cuộc đời
Theo chị Trương Nguyễn Bảo Trân (Quản lý khu vực phía Nam của Viện MSD), dự án “Trang mới cuộc đời” là dự án Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM, được thực hiện từ năm 2014. Trong giai đoạn 2019 – 2020, dự án đã trao giấy khai sinh cho 74 trẻ và đang tiếp nhận, hỗ trợ hơn 30 trường hợp.
Chị Bảo Trân tâm sự: “Nhiều gia đình nhập cư khó khăn không hề để ý đến chuyện làm giấy tờ cho con cái nên lớn lên tụi nhỏ gặp rất nhiều thiệt thòi. Tụi nhỏ không thể đến trường mà phải học lớp tình thương, bệnh tật không có bảo hiểm y tế, rồi lớn không biết cách nào làm giấy chứng minh, mất cơ hội nghề nghiệp và tạo lập cuộc sống… Hỗ trợ làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ, nghe thì thấy đơn giản vậy nhưng thực tế là mở ra một trang đời mới cho những đứa trẻ thiệt thòi này”.
Có mặt tại buổi giao lưu với nhiều đứa trẻ và gia đình đang nộp hồ sơ nhờ trợ giúp làm giấy khai sinh, rapper Wowy Nguyễn (đồng hành cùng dự án “Trang mới cuộc đời”) lấy ví ra và giới thiệu cho các em các loại giấy tờ của mình như: thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng… và cuối cùng là thẻ căn cước công dân.
Wowy Nguyễn chia sẻ: “Nếu không có thẻ căn cước, các em không thể làm tất cả các loại thẻ khác như anh vừa cho các em xem, không thể đi máy bay đến khắp nơi, không thể thực hiện các mơ ước làm kỹ sư, bác sĩ… Mà muốn có thẻ căn cước, trước hết các em phải có giấy khai sinh. Các bé 6 tuổi thì phải lo lắng lên, phải ráo riết làm sớm vào!”.
Theo chị Bảo Trân, các hồ sơ khó khăn thường gặp nhất là do gia đình nhận thức chưa tới, để qua thời gian quá lâu, đến khi con lớn mới làm giấy khai sinh thì thất lạc đủ thứ giấy tờ nên rất khó khăn, tốn kém. Thấy khó khăn tốn kém nên họ bỏ qua luôn.
Chị Trân kể: “Khó nhất là các gia đình ở quê di cư đến TPHCM làm ăn lâu năm, nhà cửa và thân nhân ở quê không còn nên chính quyền địa phương chỉ có thể xác nhận họ từng ở địa phương thôi chứ không xác minh nhân thân được. Rồi nhiều bé không làm được giấy khai sinh do cha mẹ cũng không có giấy chứng minh hay khai sinh gì cả. Rồi có trường hợp cha mẹ cũng không nhớ quê quán, nguồn gốc của mình ở đâu vì theo cha mẹ di cư từ nhỏ, không có hộ khẩu…”.
“Những đứa trẻ không có giấy khai sinh, đến tuổi đi học nhưng không thể đến trường, đau ốm nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ, chịu nhiều thiệt thòi khi lớn lên và xây dựng tương lai. Rồi đến khi chúng kết hôn, có con cái lại tiếp tục khổ như vậy… Chúng tôi muốn góp một chút sức nhỏ để thay đổi những cuộc đời như thế!”, chị Bảo Trân chia sẻ.