Dạy con bằng lời xin lỗi và 21 ngày không "roi vọt"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chị Thái Thanh tâm sự: “Thử áp dụng việc xin lỗi con, mình đã dạy con hiểu rằng: ai cũng có thể mắc lỗi, con cũng vậy, và bố mẹ luôn cùng con sửa sai!”.

Đó là tâm sự của một bà mẹ tại ngày hội “Lan toả yêu thương 2020: Giáo dục bằng yêu thương” do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Văn phòng Trung ương Đoàn, Thành Đoàn TPHCM tổ chức tại TPHCM vào ngày 8/11.

Dạy con bằng lời xin lỗi và 21 ngày không roi vọt - 1
Hàng trăm trẻ em và phụ huynh đã đến tham gia ngày hội

Cũng như nhiều bà mẹ khác, ban đầu chị Thái Thanh cũng từng giáo dục con bằng các hình phạt. Nhưng sau khi tham gia thử thách “21 ngày lan toả yêu thương”, chị Thái Thanh đã thay đổi hẳn.

Khi tham gia thử thách này, các gia đình sẽ cam kết 21 ngày không đánh, quát mắng con, cùng con đồng hành và tìm giải pháp để thực hành, giáo dục con tích cực, không sử dụng bạo lực. Các thử thách giúp cha mẹ từng bước tìm hiểu, nói chuyện, lắng nghe, thể hiện tình cảm với con mình, và tìm kiếm các giải pháp kỷ luật tích cực thay cho các hình phạt.

Chị Thái Thanh chia sẻ: “Trước đây, khi đánh hay phạt, mình luôn nói với con là: tại vì con làm sai nên mới bị đánh như một sự nguỵ biện. Mình cũng không bao giờ xin lỗi con vì nghĩ đấy chỉ là việc của con thôi!”.

“Khi biết đến thử thách này và thử áp dụng việc xin lỗi con, mình đã dạy con hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi, con cũng vậy, và bố mẹ luôn cùng con sửa sai!”, chị Thái Thanh tâm sự chân tình.

Sau khi cùng bố mẹ tham gia hàng loạt trò chơi tại ngày hội, bé Bình (10 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Hôm nay em đã chơi trò chơi cùng bố mẹ và bố nói rằng chúng mình còn ít chơi và nói chuyện với nhau. Em sẽ kể chuyện và tâm sự với bố mẹ nhiều hơn để bố mẹ hiểu mình. Bố mẹ cũng hứa sẽ kiên nhẫn với em”.

Dạy con bằng lời xin lỗi và 21 ngày không roi vọt - 2
Các em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình, mong muốn được cha mẹ tôn trọng
Dạy con bằng lời xin lỗi và 21 ngày không roi vọt - 3
Những đứa trẻ được yêu thương và tôn trọng sẽ rất mạnh dạn

Theo ban tổ chức, ngày hội với chủ đề “Giáo dục bằng yêu thương” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Phát biểu khai mạc ngày hội, bà Nguyễn Thu Hà - Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM, nói: “Hi vọng rằng, thông qua chương trình, các bậc phụ huynh và các con sẽ trở thành những người bạn thân thiết của nhau, cùng chia sẻ với nhau nhiều hơn, qua đó để tình cảm gia đình sẽ ngày càng khăng khít và bền chặt hơn”.

Đại diện đơn vị tổ chức, bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình MSD cho rằng: “Mỗi đứa trẻ đều chỉ có một tuổi thơ và tôi tin rằng mọi ông bố, bà mẹ đều mong con mình sẽ có những kí ức hạnh phúc. Muốn làm được điều này, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và người chăm sóc trẻ hãy ngừng việc đánh, quát mắng hay những hình thức trừng phạt, bởi những việc này sẽ không những không đem lại hiệu quả mà còn để lại những vết thương cả về thể chất và nghiêm trọng hơn là về tâm lý, tinh thần của trẻ”.

“Thay vào đó, hãy cho con thấy rằng con luôn nhận được sự lắng nghe, sẻ chia và đồng hành từ cha mẹ, thầy cô và những người thân cận. Hãy bắt đầu từ việc trò chuyện, hỏi han về một ngày của con, là khen con khi con làm việc tốt, là dũng cảm nói lời xin lỗi con khi bố mẹ chẳng may làm những điều chưa đúng,… Nghe có vẻ khó, nhưng nếu được xuất phát từ tình yêu thương thì không việc gì là không thể!”, bà Vân Anh chia sẻ thêm về những thông điệp của chiến dịch.

Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em, ông Nguyễn Lữ Gia (quản lý Dự án Bảo vệ trẻ em) nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại: Roi vọt không làm trẻ nên người – Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng, hi vọng rằng thông điệp này sẽ được lan toả rộng rãi”.