Thanh Hóa:
Dấu ấn chuyển mình mạnh mẽ trên đất Bỉm Sơn
Hòa chung không khí của cả tỉnh chào mừng 85 năm Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, sáng ngày 30/7 Đảng bộ và nhân dân thị xã Bỉm Sơn long trọng tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận đô thị loại III của Bộ Xây dựng.
Về dự buổi lễ có bà Phan Thị Mỹ Linh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng các lãnh đạo các ban, nghành từ Trung ương đến địa phương. Đây là một sự kiện trọng đại đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất địa đầu xứ Thanh.
Để tăng cường vị thế cho trung tâm kinh tế này, ngày 18/12/1981 thị trấn Bỉm Sơn được nâng cấp thành thị xã Bỉm Sơn theo Quyết định số 157/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đến nay, thị xã Bỉm Sơn có 6 phường và 2 xã, dân số gần 6 vạn người...
Xác định công nghiệp là thế mạnh trong quá trình xây dựng thị xã, Đảng bộ và chính quyền đã từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp xây dựng – thương mại dịch vụ – nông lâm nghiệp. Từ định hướng đúng đắn đó, kinh tế của thị xã tăng trưởng ngày càng cao và bền vững. Sau chặng đường 34 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bỉm Sơn đã trở thành một đô thị công nghiệp động lực phía bắc của tỉnh Thanh Hóa. Phấn đấu đến năm 2020 Bỉm Sơn là đô thị hạt nhân của vùng, là một trong bốn cụm công nghiệp động lực phát triển của tỉnh.
Về kinh tế, Tổng giá trị sản xuất địa bàn năm 2015 ước đạt 11.087 tỷ đồng gấp 1,9 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 14%, nằm trong tốp tăng trưởng cao của tỉnh Thanh Hóa. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-Xây dựng 72,4%, Dịch vụ - Thương mại 25,6 %, Nông - Lâm- thủy sản 2,0%. GDP bình quân đầu người ước đạt 3200 USD. Trên địa bàn thị xã hiện có hơn 337 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có một số doanh nghiệp có sản lượng sản xuất và doanh thu lớn, như Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn, nhà máy ô tô VEAM… Giá trị sản xuất CN-XD năm 2015 ước đạt 8.469 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 12,2%.
Đến nay, khu công nghiệp Bỉm Sơn đã có 21 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 7.556 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện ước đạt 1.942 tỷ đồng; một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: Dự án đầu tư hạ tầng khu A KCN Bỉm Sơn; các nhà máy như: xi măng Long Sơn, phân lân nung chảy Văn Điển, nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông...
Dịch vụ thương mại cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Bỉm Sơn. Giá trị dịch vụ thương mại năm 2015 ước đạt 2.520 tỷ đồng, tăng bình quân 22,7% năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2015 ước đạt 2.100 tỷ đồng. Giá trị hàng hoá xuất khẩu năm 2015 ước đạt 112 triệu USD. Thị xã cũng đã xây dựng mới 4 siêu thị và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ khác. Đã thực hiện 4 dự án khu dân cư mới và đầu tư chỉnh trang đồng bộ hạ tầng tại các khu đô thị cũ tại các xã phường.
Được xem là vùng “đất học” của tỉnh Thanh, những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ của Bỉm Sơn đạt trên 80%. Địa phương là nơi đời sống tâm linh phong phú. Trên địa bàn có 9 Di tích lịch sử cấp Quốc gia; tiêu biểu nhất là Đền Sòng Sơn - một trong những nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh lớn nhất trong cả nước. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Phát huy những thành tựu đã Thị xã Bỉm Sơn xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tiếp theo là: Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp; tạo bước chuyển biến mạnh về cơ cấu sản phẩm, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-XD địa bàn đạt 16.624 tỷ đồng tốc độ tăng bình quân hàng năm 9,5 %. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ; từng bước phát triển thị trường vốn, lao động, công nghệ trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị DV-TM đạt 6.580 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 16,7 %...
Hy vọng, với bước chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai Bỉm Sơn sẽ trở thành một đô thị giàu đẹp, văn minh, trở thành thành phố thứ hai của Thanh Hóa.
Bình Minh