Đánh thức những giá trị cũ trong giai đoạn “bình thường mới”

Trường Thịnh Hợp Trang

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đem lại cơ hội để mọi người thêm trân quý hơn giá trị cuộc sống. Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, cùng với việc thích nghi và chung sống với Covid-19, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, cùng ngành Y đẩy lùi đại dịch.

Đánh thức những giá trị cũ trong giai đoạn “bình thường mới” - 1

“Bình thường mới” và những giá trị “ngủ quên”

Dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) đột ngột bùng phát trở lại ở Việt Nam tạo làn sóng Covid-19 thứ 2, đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để mỗi người dân tự nhìn lại và trân quý những giá trị cốt lõi của cuộc sống - những giá trị đâu đó dường như đã “ngủ quên” trong hối hả bộn bề. Đó là giá trị của sự tự do, của tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp, và tình đồng bào.

Đặc biệt, đại dịch cho chúng ta cơ hội để thấu hiểu giá trị của sự “hi sinh” - đó là những hy sinh, đóng góp thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế - những “chiến sĩ” trên tuyến đầu của mặt trận chống dịch, để từ đó sống với lòng biết ơn và chung tay cùng ngành y tế nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

“Hãy trân trọng những gì mình đang có trước khi mọi thứ mất đi” và “Chung tay vì một Việt Nam khỏe mạnh” là một trong những thông điệp ý nghĩa được gửi gắm qua dự án “Bình Thường Mới”

Chung tay vì một Việt Nam khỏe mạnh

Bên cạnh trân quý những giá trị của cuộc sống, trạng thái “bình thường mới” đòi hỏi người dân phải chấp nhận và chung sống với dịch bệnh, và chung tay với cộng đồng để có những hành động thiết thực, sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

Dịch bệnh trở lại với những diễn biến phức tạp hơn, nhưng rất nhiều người đang chủ quan, lơ là với nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Là một nghệ sĩ nổi tiếng, một nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng, và hơn hết là một người phụ nữ của gia đình, nghệ sĩ Chiều Xuân cũng đã chia sẻ quan điểm của bản thân, cũng như kêu gọi mọi người nâng cao ý thức phòng dịch: “Chủ quan chính là đang lơ là với cuộc sống của chính bạn, gia đình bạn và cả cộng đồng …. Hãy đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ khoảng cách an toàn tiếp xúc với người khác, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, thực hiện khai báo y tế, hợp tác với các nhân viên y tế như các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện... Hãy chung tay vì một Việt Nam khỏe mạnh.” (trích facebook của NS. Chiều Xuân).

Đánh thức những giá trị cũ trong giai đoạn “bình thường mới” - 2
Đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên là góp phần chung tay đẩy lùi Covid-19

Cùng chung thông điệp, nhà báo Trần Mai Anh, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại một mình trong khu rừng tại Quảng Nam, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, cũng kêu gọi mọi người luôn nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch. Là người đồng hành với nhiều dự án từ thiện, chị Mai Anh hiểu rất rõ mỗi đóng góp cả nhân dù bé nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn. Chẳng hạn như cần tìm hiểu để chọn cho đúng khẩu trang và đồ bảo hộ tặng các bác sĩ với khẩu trang sử dụng cho gia đình bởi “nếu không tìm hiểu kỹ mà tặng nhầm bác sĩ cũng không dùng được, chọn cho gia đình loại dùng bệnh viện thì lãng phí và gây thêm khan hiếm, khó khăn cho bệnh viện cứu người”.

Bên cạnh đó, chị Mai Anh cũng đánh giá cao vai trò của khối y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch của ngành y tế quốc gia: “Không chỉ các đơn vị nhà nước mà các khối y tế tư nhân cũng góp công sức cho công tác chống dịch không ít. Họ là tiền tuyến cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Từ việc phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm đầu tiên đến việc sẵn sàng hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho quá trình khám chữa bệnh. Điều đó cho thấy rằng họ chưa bao giờ đứng ngoài công cuộc chống dịch của nước ta.” (trích facebook của chị Trần Mai Anh)

Những ngày “bình thường mới” cũng ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về những tấm lòng, những đóng góp thầm lặng không tên nhưng đầy ý nghĩa ở khắp mọi nơi. Nhà báo Hoàng Minh Trí, nổi tiếng trên cộng đồng mạng với facebook cá nhân tên Cu Trí, chia sẻ câu chuyện của một người bạn anh, tối tối đạp xe lang thang Hà Nội với vài trăm ngàn để trao tặng những người nhặt phế liệu, với lời nhắn “Bác/anh/chị về nghỉ sớm” - mà theo anh, như một cách tặng họ một giấc ngủ sớm hơn. “Dịch bệnh sẽ qua, những tấm lòng còn ở lại. Bình thường mới, không chủ quan. Lòng lắng lại với sự quan tâm bình dị từ đội ngũ y tế tư nhân, mỗi một người dân có dấu hiệu lạ ta đều không thể ngước mắt làm ngơ mà dõng dạc lên tiếng hỏi thăm sức khoẻ, lên tiếng mời gọi cùng nhau khai báo y tế, bảo vệ sức khoẻ cá nhân cũng là tiếng nói chung trong thời điểm này.” (trích facebook nhà báo Hoàng Minh Trí).

Đánh thức những giá trị cũ trong giai đoạn “bình thường mới” - 3
Chung tay cùng ngành y tế đẩy lùi đại dịch, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường

Và dù đóng góp và hành động theo cách nào đi chăng nữa, thì mỗi người dân, tất cả đều đang vì chính mình, vì nhau để thắp lên hy vọng rằng cuộc sống sẽ sớm bình thường trở lại. Hợp tác với đội ngũ ngành y để khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, để không ai bị bỏ lại phía sau vì bệnh dịch.

Tháng 08/2020 - Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam (PSI Việt Nam) khởi động dự án phi lợi nhuận “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER). Dự án do Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và tập đoàn Unilever đồng tài trợ, được PSI Việt Nam thực hiện dự kiến trên 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên. Dự án PEPHER là lời kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay tích cực, chủ động của các đơn vị y tế tư nhân, thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo nâng cao năng lực y tế; xây dựng quy trình báo cáo mẫu các ca nhiễm, nghi nhiễm; cung cấp các vật tư vệ sinh thiết yếu và truyền thông cộng đồng ngay tại cơ sở.

Thông tin chi tiết về dự án xem tại: https://www.facebook.com/chungtayvimotvietnamkhoemanh