Dân công sở đua nhau thanh lý đồ: "Mua 10 bán 2" không ai ngó!
(Dân trí) - Khó khăn vì dịch, Oanh tính vớt vát bằng cách thanh lý nước hoa, túi xách... Khổ nỗi, "mua 10 giảm 2", lúc này cũng không mấy ai ngó ngàng.
Nhộn nhịp thanh lý quần áo, nước hoa trên "chợ online"
Bước qua tháng thứ ba ảnh hưởng dịch Covid-19, Thúy Oanh, nhân viên kế toán tại một công ty điện máy ở Thủ Đức, TPHCM liêu xiêu khi làm việc tại nhà, thu nhập chỉ còn 1/4. Sắp tới, khả năng cô còn có thể mất việc khi công ty đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Nhìn đi nhìn lại, Oanh thấy khối tài sản đồ sộ nhất của mình sau nhiều năm đi làm là đồ đạc. Hàng chục chiếc đồng hồ, nước hoa đặt kín ngăn tủ và túi xách xếp từng chồng chẳng mấy khi dùng đến.
Thu nhập 25 triệu đồng/tháng, ngoài nhu cầu ăn uống đơn giản, gần như bao nhiêu tiền làm ra, Oanh dốc hết vào mua sắm. Nhiều lần cô còn ứng lương, vay nợ để thanh toán đơn hàng.
Giờ dịch dã khó khăn, cần tiền trang trải sinh hoạt, Oanh đang chuyển qua thanh lý hàng loạt món đồ của mình, có nhiều món mua cả năm vẫn nguyên tem.
Nhưng lúc này, ngoài những nhu cầu thiết yếu, các mặt hàng "ngoài thân" chẳng mấy ai ngó đến. Oanh đăng bài rải khắp nơi mà chẳng mấy ai ngó ngàng.
Oanh giảm hơn một nửa, thậm chí chỉ còn 1/5, lỗ hết nước nhưng may lắm mới có người rước dùm. Có chiếc túi cô mua còn nguyên tem giá trên 10 triệu đồng, giờ thanh lý 2 triệu mà toàn người vào "thả mặt cười", chúc may mắn.
Trên các chợ online, diễn đàn, nườm nượp dân công sở, văn phòng trở thành... dân buôn khi đua nhau thanh lý đồ dùng. Từ quần áo, dày dép, đồng hồ, nước hoa, son phấn từ hàng hiệu đến bình dân... cho đến cả sách.
Lâu nay, bao nhiêu tiền làm ra đổ hết vô thời trang, mới đây, Phan Ngọc Nga, làm việc tại một công ty vàng bạc ở Quận 3, TPHCM cũng "tung" quần áo mặc rồi y như mới hay "áo em chưa mặc một lần" ra xả.
Sau một tuần rạc cả cổ họng rao hàng, cô khoe thu về được hơn 10 triệu đồng cho... gần 100 bộ váy áo, cảm giác như nhặt được tiền từ trên trời rơi xuống.
"Xong quần áo, tôi sẽ chuyển qua thanh lý giày dép, có đồ gì không dùng tôi thanh lý hoặc tặng hết. Giờ dịch, gỡ được đồng nào hay đồng ấy để lo cho những khoản bắt buộc như chi tiêu sinh hoạt, ăn uống, trả nợ ngân hàng", Nga nói.
Tỉnh táo với "bẫy" mua sắm
Thu nhập cao vẫn túng thiếu là tình cảnh của không ít lao động trẻ khi sa vào vòng xoáy tiêu dùng. Có người kiệt quệ tài chính vì mất kiểm soát trong chi tiêu, từ đó, họ dễ mất khả năng chống chọi trước khó khăn.
Từng nhận vô số "huy chương tri thức" theo quý, năm của nhiều kênh bán hàng vì đổ rất nhiều tiền mua sách, anh Lê Minh Sơn, ở Quận 5, TPHCM đang thanh lý bớt sách. Anh mong gỡ lại ít tiền để vượt dịch khi hiện tại tiền lương bị cắt giảm, không đủ tiền mua đồ ăn.
Căn hộ anh thuê, tường 3 phía đều đóng làm kệ sách vẫn không đủ chỗ, phải đóng trong thùng. Có không ít lần hóa đơn mua sách của anh từ 5 - 7 triệu đồng, còn lắt nhắt lần vài trăm nghìn đến triệu đồng thì phải tính theo tuần.
"Lúc này, mọi người lo miếng ăn đã hết hơi, chẳng mấy ai tâm trí mà đặt sách. Việc gửi hàng lại khó khăn vì phong tỏa khắp nơi, bán được cuốn nào hay cuốn đó", anh Sơn thở dài.
Sau 5 ngày "mở sạp" online thanh lý váy áo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM thu về được hơn 18 triệu đồng. Cô dành 2/3 số tiền quyên góp vào công tác chống dịch tại thành phố.
Tủ đồ của chị, mọi người ví có thể "mở tiệm cho thuê". Thừa nhận bản thân không biết cách kiềm chế mua sắm, từ trải nghiệm "sai lầm" của bản thân, chị Ngọc khuyên mọi người cần tỉnh táo trước khi quyết định mua món đồ gì đó.
"Hãy hỏi lại, không mua món đồ đó, món ăn đó, mình có chết không? Đây là câu hỏi quan trọng để chúng ta quyết định "xuống tiền". Vì nhiều người hay mua những cái chúng ta muốn chứ ít khi mua thứ chúng ta cần", chị Ngọc bày tỏ.
Theo chị Ngọc, tiết kiệm là biết cái gì nên chi, cái gì không nên, cần phân biệt được tiết kiệm khác với bần tiện, ích kỷ.
Nhận ra mình kiếm được tiền nhưng nghèo vì mua sắm, Thúy Oanh cho rằng, người lao động cần "tỉnh" trước những chiêu trò ca tụng, tung hô của các thương hiệu, kênh bán hàng, sự mời mọc cùng nhiều "bẫy" tài chính luôn khuyến khích người ta không ngừng chi tiêu.