Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò "xin ăn"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Năm 2019, một đàn cá kéo đến trú ngụ ở bến đò Kinh Ba thuộc ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ đó tới nay, ông Xuyến đã trích một phần thu nhập để nuôi đàn cá "trời ban".

Trích tiền lái đò nuôi đàn cá "trời ban"

Ông Phan Văn Xuyến (57 tuổi) cho biết, 2019 vợ ông đưa đò phát hiện đàn cá cỡ khoảng hai mươi mấy con cứ bơi quanh quẩn dưới mé sông trước nhà.

Thấy vậy vợ ông Xuyến lấy cơm nguội cho cá ăn, lâu dần thành thói quen, đàn cá kéo đến mỗi lúc một đông và dường như chúng cũng xem bến đò này là ngôi nhà thứ hai của chúng.

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò xin ăn - 1

Đàn cá đang trú ngụ ở Bến Đò đợi ông Xuyến cho ăn (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Mới đầu nó kéo đến có vài chục con thôi, kích cỡ chừng 3 ngón tay, nó khá nhát không dám bơi vào bờ. Vợ tôi lấy cơm nguội rải xa xa cho nó ăn, vài ngày sau đó nó "rủ" thêm bạn bè nó tới nữa. Vợ tôi thấy vậy mới đi mua thức ăn viên cho ăn thêm chứ cơm nguội không đủ để nó ăn", ông Xuyến cho biết.

Theo lời ông Xuyến, trước giờ ở đây không có ai nuôi cá tra và ông cũng không nghe chỗ nào vỡ ao cá, khác biệt nữa tại khúc sông này có 2 bến đò nhưng chúng chỉ trú ngụ ở bến đò nhà ông. Ban ngày chúng bơi ra giữa sông ăn rau củ đến khoảng 5h chiều vợ chồng ông sẽ cho chúng ăn cử xế.

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò "xin ăn"

Cách gọi bầy cá rất đơn giản, ông Xuyến hoặc vợ chỉ cần lấy cây gõ gõ vào thành đò đàn cá tự khắc bơi về, há hốc mồm chờ đợi được cho ăn.

"Tụi nó khôn dữ lắm, nó bơi quanh phạm vi bến nhà tôi 50m trở lại thôi. Phà này có hai điểm qua lại nhưng nó chưa bao giờ bơi qua điểm đối diện kiếm ăn. Lúc mới lại ở nó còn nhát chứ giờ nó dạn dĩ hơn nhiều rồi, vợ tôi còn ẵm bồng nó hoặc để cho nó trườn lên tay đớp thức ăn luôn mà", ông lão lái đò vui vẻ nói.

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò xin ăn - 2

Bến đò Kinh Ba nơi đàn cá tự nhiên kéo đến trú ngụ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Không để đàn cá chịu đói, gia đình ông lái đò quyết trích một phần thu nhập mỗi ngày mua thức ăn cho cá. "Một ngày tôi lái đò kiếm được khoảng 300.000 đồng, phân nửa tôi để dành chi tiêu cho hai vợ chồng, số còn lại tôi mua thức ăn cho tụi nó", người lái đò U60 tâm sự.

Ngủ trên đò để canh đàn cá "trời ban"

Ông Nguyễn Thành Tâm khách đi đò nói: "Đàn cá tìm đến bến đò nhà ông Xuyến "tá túc" khiến nhiều khách qua đò rất thích thú. Ở đây, đò chạy suốt từ sáng đến tối mà nó vẫn bơi loanh quanh khúc sông nhà ông Xuyến chứ không đi đâu xa. Hồi trước đàn cá này nhiều lắm, bây giờ bị người xấu rình bắt nhiều quá nên nó bơi đi chỗ khác cũng khá nhiều".

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò xin ăn - 3

Ông Xuyến cho cá ăn (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Thấy đàn cá dễ thương nên xóm giềng có đi đò lâu lâu cũng bớt chút đỉnh tiền gửi cho chú Hai Xuyến mua thức ăn cho chúng. Thỉnh thoảng cũng có vài đoàn từ thiện từ nhiều tỉnh mua thức ăn đến cho cá ăn. Nó hiền lành cũng không phá phách gì ai nên lâu dần nhiều người cũng quý mến", chị Phạm Thị Thanh ngụ cùng ấp với ông Xuyến chia sẻ.

Đàn cá bất thình lình xuất hiện khiến gia đình ông Xuyến và khách đi đò có thêm niềm vui, song đó vẫn có nhiều kẻ xấu lợi dụng lúc chủ đò đi vắng ra tay sát hại đàn cá.

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò xin ăn - 4

: Ông Xuyến lái đò vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống vừa nuôi cá "trời ban" (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để bảo vệ cá, mỗi đêm ông Xuyến đều ngủ trên đò, xung quanh bến ông còn nuôi lục bình, xây hàng rào tre để làm chỗ cho cá ở. Ấy vậy mà đã không ít lần ông Xuyến bắt gặp có người đến chích điện, thả lưới, cắm câu đàn cá.

Ông Xuyến buồn rầu kể: "Tháng trước tôi đi đám tang người cô, có người lại chích điện bầy cá. Người hàng xóm của tôi thấy họ bắt được 2,3 xô cá tra rồi đem ra chợ bán. Sau khi xảy ra vụ việc, vợ tôi buồn mấy ngày liền và chẳng thiết tha ăn uống".

Đàn cá hàng nghìn con đua nhau kéo đến tá túc ở bến đò xin ăn - 5

Bến đò Kinh Ba của ông Xuyến đang là mái nhà chung của hàng ngàn con cá tra sông (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Suốt 2 năm ròng, trải qua nhiều lần bị bắt trộm số lượng cá đã giảm đi khá nhiều và chúng cũng nhát hơn lúc trước.

Ước tính chỉ còn khoảng 5 tấn cá. Dù vậy vẫn có những con cá nhỏ "di cư" đến đây. Có lẽ bản thân chúng cũng cảm nhận được nơi đây chính là bến đỗ an toàn. Nên tôi chỉ mong sao mình còn đủ sức khỏe ngày ngày lái đò kiếm tiền nuôi đàn cá này tới già.