Đám cưới mùa dịch: Hoãn… đến 3 lần, cả làng hò nhau thanh lý cỗ "ế"
(Dân trí) - Suốt 2 năm 2020-2021, anh Nam đã 3 lần phát giấy mời đám cưới nhưng lần nào đến gần ngày cưới cũng "bể show" vì đúng dịp dịch bệnh bùng phát trở lại. Cỗ cưới nhà anh chưa dọn lên mâm đã bị "ế".
Lần nào phát thiếp mời... lần ấy bùng dịch
Ngồi bên cạnh cô con gái xinh xắn, anh Tuấn Nam (Yên Bái) tâm sự vẫn chưa biết khi nào sẽ tổ chức đám cưới. Sau 1 năm yêu nhau, anh Nam và chị Tuyết (Nam Định) quyết định tiến tới hôn nhân. Thế nhưng, việc tổ chức đám cưới trong mùa Covid-19 thật không dễ dàng gì.
Suốt 2 năm 2020-2021, anh Nam đã 3 lần phát giấy mời nhưng lần nào đến gần ngày cưới cũng "bể show" vì đúng dịp dịch bệnh bùng phát.
Anh nhớ lần thứ 3, gia đình anh đã mua lợn, mua bò, dựng rạp, mời khách đầy đủ… chỉ chờ 3 ngày nữa là đưa nàng về dinh thì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dù Yên Bái nơi anh sinh sống chưa xuất hiện nhiều ca bệnh nhưng biết anh cưới vợ xa, gia đình sẽ đón tiếp đoàn khách từ tận Nam Định nên chính quyền địa phương liệt đám cưới của anh vào diện "có nguy cơ cao" lây nhiễm dịch bệnh.
Trước hôm tổ chức đám cưới chính quyền địa phương đến nhà động viên gia đình anh hoãn lễ cưới, chờ dịch bệnh tạm ổn thì nghĩ đến chuyện trăm năm chưa muộn.
Biết tin gia đình anh "ế cỗ" dù chưa dọn lên mâm, bà con trong xóm hò nhau đến mua giúp thực phẩm. "Thiệt hại về kinh tế gần như không có nhưng xét về mặt tinh thần thì buồn lắm.
Tôi rất thương vợ vì cô ấy mãi chưa được hưởng niềm vui vu quy trọn vẹn như những cô gái khác", anh Nam chia sẻ.
Cũng phải hủy cưới do dịch bệnh, cặp đôi Thu Hằng và Khánh Quân (Hà Nội) quyết định "săn chuột vàng" để con dự ngày vui của bố mẹ luôn.
Thu Hằng kể, sau khi tổ chức đám hỏi suôn sẻ vào tháng 1/2020, hai vợ chồng dự định đám cưới sẽ diễn ra vào tháng 3 sau đó. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2020, Hà Nội phát hiện bệnh nhân Covid-19 số 17 ở Trúc Bạch. Khắp nơi nhốn nháo, lo âu.
Lúc này, dù đã đặt cọc tiền với nơi tổ chức hôn lễ nhưng đôi bên gia đình quyết định hoãn đám cưới. "Thời điểm đó, thành phố chưa cấm đóng cửa hàng quán, tổ chức đám đình… nhưng mình nghĩ nếu có mời cũng chỉ được khoảng 60-70% số khách tham dự. Những ai không đến, họ lại phải tìm cách từ chối khéo", Thu Hằng chia sẻ.
Dù không tổ chức được đám cưới như dự định nhưng Hằng và Quân vẫn triển khai kế hoạch "săn chuột vàng".
"Vợ chồng mình đều là những người "duy tâm" nên có đi xem tử vi. Lá số tử vi cho thấy nếu sinh con năm 2020 là hợp tuổi bố mẹ nhất nên chúng mình quyết định cứ có con trước rồi cưới xin tính sau", Hằng thật thà nói.
Đến nay, con trai của cặp vợ chồng Hà Nội này đã hơn 1 tuổi. Ngày 26/10 vừa qua, cả hai đã tổ chức đám cưới hạnh phúc tại khách sạn ở Hồ Tây.
Tiệc cưới hôm ấy, ngoài cô dâu chú rể còn có một thành viên quan trọng khác là Gia Khánh - con trai của cả hai.
Nhìn cu cậu reo hò, vỗ tay hoan hô khi thấy bố mẹ cùng cắt bánh, rót rượu, quan khách ai nấy đều bật cười và chúc phúc cho cả gia đình.
Suýt ly hôn dù... chưa làm đám cưới
Cũng ở cùng hoàn cảnh "dở khóc dở cười" vì cưới vào mùa dịch nhưng cặp đôi Minh Trang - Tuấn Thành lại gặp nhiều trắc trở hơn.
Trang và Thành quen và yêu nhau khi cùng vào TP. HCM làm việc. Những ngày cuối năm 2019, Trang phát hiện mình có thai. Cô gái khá bối rối vì do điều kiện yêu xa quê nên cả hai chưa có dịp ra mắt gia đình. Nhà Trang ở Quảng Bình còn nhà Thành lại ở Hà Nội.
Mẹ Thành trước đó vẫn còn khá lăn tăn về cô bạn gái con hay kể qua điện thoại. Dẫu vậy, nghe con báo tin, bà gạt bỏ mọi suy nghĩ lên kế hoạch đón con dâu. Qua bước gặp mặt, dạm ngõ, đôi bên dự định làm lễ ăn hỏi và lễ cưới cùng một ngày vào giữa tháng 4/2020. Vé máy bay đã mua, cỗ bàn đã đặt đâu ra đấy.
Nhưng đùng một cái, cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4. Dịch bệnh sau đó cứ bập bùng đe dọa khắp nơi, bụng của Trang thì ngày một to lên. Đến khi Trang hạ sinh một bé gái xinh xắn rồi mà cô vẫn chưa được mặc váy cưới.
Trang sinh con trong TP. HCM nên cả mẹ chồng và mẹ đẻ đều vào chăm. Từ đây, những mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, bà nội - bà ngoại dần xuất hiện và bùng nổ.
Chuyện Trang nên ăn gì, cháu tắm nên dùng xà phòng hay lá tắm, cháu ngủ, ăn ra sao… hai bà thường khó tìm ra tiếng nói chung.
Về phần Trang, vì luôn nghĩ mẹ chồng không thích mình từ trước nên cô luôn cảm thấy có khoảng cách giữa cả hai. Những ngày mẹ đẻ về quê, Trang từ chối những món ăn do mẹ chồng làm với lý do "không hợp khẩu vị". Điều hòa nhiệt độ mẹ chồng mua cho cô không dùng vì lý do cứ bật điều hòa nên là thấy như mình say xe.
Sự khác biệt về thói quen vùng miền cùng bản tính ít nói của Trang đã khiến mẹ chồng nhiều lúc phật ý. Thêm vào đó là mâu thuẫn âm ỉ giữa đôi bên thông gia khiến bà nhiều lần tức giận lên nói "không cưới xin gì hết nữa".
Đứng ở giữa cuộc chiến, Tuấn Thành nhiều phen muốn nổ tung đầu. Có lần hai vợ chồng cãi nhau tới mức suýt viết đơn ly hôn dù chưa làm đám cưới (trước đó cả hai đã đi đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con).
"Có lúc em cứ ngỡ mọi chuyện sẽ… "toang". Rất may sau này em dần vượt qua những khủng hoảng sau sinh và hiểu được nỗi lòng của mẹ chồng. Bà nội - bà ngoại cũng ít va chạm nên tình hình không còn "căng" như trước nữa. Chúng em dự định sẽ tổ chức đám cưới vào cuối tháng này".
Lẽ thường các cặp đôi yêu nhau sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trước mỗi cuộc hôn nhân bằng một đám cưới. Từ đó họ càng trân trọng thêm tình cảm của nhau và đưa ra những quyết định quan trọng như việc có con, phát triển tương lai…
Song dịch bệnh đã khiến các cặp đôi gặp không ít chuyện khó lường. Với những người có sự chuẩn bị và tìm hiểu lâu dài, họ dễ dàng thích ứng như Thu Hằng - Khánh Quân nhưng cũng có người ở thế bị động gặp phải đủ chuyện dở khóc dở cười, suýt sứt mẻ tình cảm như cô dâu người Quảng Bình kể trên.
Cũng có người lại lao đao vì công tác hậu cần cưới hỏi, cỗ bàn, xe cộ đã chuẩn bị rồi nhưng phải "bẻ lái" gấp vì dịch bùng trở lại. Chỉ ở mỗi khía cạnh này thôi đã đủ thấy Covid-19 khiến cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng thế nào.