Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn khi việc di chuyển của họ bị hạn chế và các hệ thống bảo vệ bị suy yếu.

Theo tài liệu của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cung cấp: Ngay cả trong những giai đoạn "bình thường", phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn bị bạo lực ở mức độ cao. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khoảng 37% phụ nữ ở Nam Á, 40% ở Đông Nam Á và 68% ở Thái Bình Dương cho biết họ đã bị bạo lực gây ra bởi chồng/bạn tình của họ.

Trong đại dịch Covid-19, phụ nữ thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bạo lực cao hơn. Vì thế, không nghi ngờ gì về việc nguy cơ phụ nữ bị bạo lực luôn tăng lên trong các giai đoạn diễn ra các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trước đây.

Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn - 1

Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn. (Ảnh minh họa).

Đại dịch Covdi-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn khi việc di chuyển của họ bị hạn chế và các hệ thống bảo vệ bị suy yếu. Một xu hướng đang diễn ra trên khắp châu Á và Thái Bình Dương: Bạo lực đang trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều phụ nữ khi họ bị cách ly tại nhà cùng với chồng/bạn tình hoặc thành viên gia đình là người gây bạo lực và họ hầu như không thể gọi điện hoặc đi ra ngoài để được giúp đỡ - và tại thời điểm khi mà các nhà cung cấp dịch vụ hầu như không hoạt động.

Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%;…

Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Đại diện của UN Women cho biết, Dự án "Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" đã chọn TP Đà Nẵng làm nơi thí điểm và do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố này triển khai từ năm 2014 ở 3 xã, phường (Hòa Cường Bắc, Hòa Phong, Hòa Khương) với sự hỗ trợ của UN Women. Từ năm 2017 đến năm 2020, dự án được mở rộng thêm trên địa bàn 8 xã, phường trên địa bàn quận Hải Châu và huyện Hòa Vang.

Hội LHPN TP Đà Nẵng cũng đang duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng sinh hoạt cho 16 Câu lạc bộ (CLB) Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực tại cơ sở với 550 thành viên. Đây là điểm sáng của Thành Hội trong nỗ lực huy động cộng đồng, nhất là lực lượng nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn - 2

Dịp này, nhằm hướng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện sáng ánh đèn màu cam tại cầu sông Hàn và cầu Rồng với chủ đề "Sắc cam - Thắp sáng và hành động". Hoạt động thắp sáng sẽ diễn ra từ nay đến ngày 15/12. (Ảnh: UN Women).

Mô hình này cũng đã được nhân rộng tại TPHCM và trở thành mô hình điểm được chia sẻ tại nhiều hội nghị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ hiệu quả đó, thêm 5 câu lạc bộ mới được nhân rộng, nâng tổng số thành viên lên 635.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của UN Women thông tin: Ban đầu dự án trên không có sự tham gia của nam giới, vì họ cần có không gian riêng để thảo luận về vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới.

"Chủ đề bạo lực gia đình và bình đẳng giới từ trước đến nay chủ yếu là phụ nữ tham gia, do đó, phụ nữ họ có nhiều kiến thức về nội dung này hơn nam giới. Chính vì vậy, nam giới họ cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện chủ đề này với phụ nữ. Các tiếp cận từ trước tới giờ về chủ đề bạo lực gia đình thường đổ lỗi cho nam giới, nhưng thực tế có phải tất cả đàn ông đều bạo lực đâu, vẫn còn nhiều người rất tốt", bà Phương chia sẻ.

Bà Lê Thị Lan Phương cho biết thêm, ban đầu dự án trên không có sự tham gia của nam giới, vì họ không thấy các không gian được dự án tạo ra có thể thúc đẩy họ thảo luận về vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Họ cảm thấy bị tụt hậu so với phụ nữ ở trong cộng đồng do các chủ đề bạo lực gia đình và bình đẳng giới từ trước đến nay chủ yếu là phụ nữ tham gia, và rõ ràng là họ có nhiều kiến thức về nội dung này hơn nam giới. Chính vì vậy, nam giới họ cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện chủ đề này với phụ nữ. Những người nam giới họ chia sẻ là cần một không gian riêng để họ gặp nhau và cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trước khi họ có thể ngồi chung với phụ nữ.

"Khi chúng tôi trao đổi nội dung này với lãnh đạo quản lý cấp vùng của dự án thì họ cử chuyên gia phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng và UN Women để thiết kế một phương pháp tiếpcận và tài liệu riêng để huy động nam giới. Phương pháp này nhằm tiếp cận với những nam giới tích cực trong cộng đồng, dựa trên lợi ích. Nghĩa là khi nam giới họ tham gia họ thấy rằng nếu thúc đẩy bình đẳng giới có lợi gì cho họ, cho gia đình họ chứ không phải họ là đối tượng bị chỉ trích vì gây ra bạo lực", bà Phương chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn - 3

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của UN Women.

Bà Phương cho biết, mô hình trên được coi là mô hình điểm không riêng ở TP Đà Nẵng, Việt Nam, mà còn là của chương trình đối tác phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em cấp khu vực, bài học thành công của mô hình này được chia sẻ tại hội thảo tổng kết ở Bangkok (Thái Lan) vào năm 2016.  

Phụ nữ đừng cam chịu quá!

Bà Đặng Thị Liễu, thành viên CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 15, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu - Đà Nẵng) - chia sẻ: Bà tham gia CLB này từ năm 2017 và đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về cách ứng xử khi thấy các tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn.

Trước đó, mỗi khi thấy gia đình nào xuất hiện bạo lực, bà Liễu thường nghĩ rằng đó là chuyện riêng của gia đình họ, họ tự "đóng cửa bảo nhau". Nhưng khi được phổ biến kiến thức về bạo lực gia đình, bình đẳng giới thông qua CLB, bà đã thay đổi tư duy.

Đại dịch Covid-19 đã khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn - 4

Một buổi sinh hoạt của CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, Đà Nẵng). (Ảnh: N.K.).

"Bây giờ hễ mà nhận được thông tin gia đình nào đang có bạo lực là tôi đến ngay, tôi kêu một vài người đến nữa để làm sao cuộc bạo lực đó phải dừng lại. Sau đó chúng tôi mời mấy người trong ban hòa giải qua để nghe mọi người trình bày, mình lắng nghe những tâm sự của họ. Nếu họ cần tới mình thì mình có những hướng dẫn tiếp theo cho người ta", bà Liễu chia sẻ.

Khi làm nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ dân phố 15, bà Liễu chứng kiến nhiều vụ bạo lực gia đình ở nhiều hoàn cảnh và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những hoàn cảnh người phụ nữ bị đàn áp quá, nhóm bà Liễu ngoài hỗ trợ ngay lập tức về tinh thần và vật chất, còn khuyên nạn nhân hãy chọn phương án nào đó, "Vì người phụ nữ cũng phải tìm hạnh phúc cho riêng chứ đừng cam chịu quá, bây giờ xã hội tiến bộ rồi chứ không như ngày xưa", bà Liễu nói.

Bà Liễu nhận xét, chương trình trên rất hay, có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em.

"Ở cấp cơ sở phải tuyên truyền làm sao cho đến tận gốc rễ, chắc chắn sẽ có hiệu quả. Chuyện này phải kiên trì rồi sẽ thay đổi được", bà Liễu tin tưởng.