Ninh Bình:
Cựu binh vay lãi ngân hàng làm đường cho dân
(Dân trí) - Thấy cuộc sống của người dân khó khăn do không có đường đi lại, ông Nguyễn Xuân Lương (Ninh Bình) quyết định bán đất của gia đình và vay lãi để có số tiền gần 800 triệu làm đường cho dân làng.
Con đường hạnh phúc
Người dân xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) quen gọi tuyến đường nối giữa núi Thung Đen và làng Dưỡng tên là “hạnh phúc”. Bởi từ khi có đường, cuộc sống của bà con trong xã tốt đẹp hơn. Người bỏ tiền ra làm đường cho dân đi là ông Nguyễn Xuân Lương (87 tuổi).
Ông Lương từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ và có nhiều năm công tác trong quân đội hiện sống trong căn nhà nhỏ ở làng Dưỡng. Nhắc đến con đường “hạnh phúc”, ông cụ có dáng người đậm, khuôn mặt hiền từ kể, xã ông hàng trăm năm qua có nghề chế tác đá mỹ nghệ.
Để có nguyên liệu sản xuất, thợ đá phải vào núi Thung Đen đục đá rồi vác qua cánh đồng chiêm trũng mang về, còn những hộ dân sống gần núi cũng biệt lập với bên ngoài bởi đường đi lại khó khăn.
Ý tưởng làm một con đường dân sinh và phục vụ ngành công nghiệp khai thác đá manh nha trong đầu cựu chiến binh già từ những năm 2000. Ông đem ý tưởng ấy bàn với bà con và chính quyền trong xã thì nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, tuy nhiên, nói đến kinh phí làm đường thì nhiều người thoái lui.
Với khí chất của người lính, ông Lương kiên quyết làm bằng được con đường. “Tiền tích cóp trong nhà không có nên tôi phải bán mảnh đất rộng 750 m2 gần đường quốc lộ 1A và vay mượn thêm để lấy kinh phí gần 800 triệu làm đường”, ông Lương kể.
Thấy ông bán đất và vay mượn tiền làm đường, vợ ông cũng từng thảng thốt bởi số tiền quá lớn. Nhưng sau khi suy nghĩ đến lợi ích lâu dài của cả xã thì bà ủng hộ chồng.
Đầu năm 2001, con đường bắt đầu được thi công. Sẵn có đá ở núi Thung Đen, ông Lương thuê thợ trong làng phá đá rồi vận chuyển thủ công về đổ đường. Con đường chỉ dài gần 1 km nhưng tốp thợ giỏi của làng Ninh Vân phải thi công gần một năm mới xong.
Những hộc đá với kích thước to nhỏ khác nhau được xếp chồng lên nhau một cách thủ công, đá to xếp lớp dưới, đá nhỏ hơn xếp lớp trên. Toàn bộ cung đường dài gần 1km, rộng 7m, cao gần 1m và âm xuống lòng đất 0,6 m được bồi bởi cơ man là đá mà đặc biệt không sử dụng chất kết dính.
Kinh tế đi lên
“Nhiều người bảo tôi sao không xe đất về đổ đường cho nhanh mà phải bỏ cả núi tiền làm con đường kỳ công đến vậy? Tôi lại nghĩ cho tương lai xa, khi mà ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá mỹ nghệ phát triển thì nhu cầu vận chuyển đá trên núi về làm nguyên vật liệu tăng cao.
Lúc ấy sẽ có những chuyến xe tải hạng nặng vào chở đá, nếu không làm đường chắc chắn thì khó mà sử dụng lâu dài”, ông Lương kể và cho hay, sau khi dồn toàn bộ tiền vào làm đường thì cuộc sống của ông bà gặp nhiều khó khăn do tiền lương hưu hàng tháng phải dành dụm để trả lãi.
Niềm vui lớn của ông khi ấy là con đường hoàn thiện, dân làng có đường đi lại và những chuyến xe tải hạng nặng cứ nối đuôi nhau về chở đá đi tiêu thụ. Hàng trăm doanh nghiệp khai thác, chế biến đá thủ công mỹ nghệ, trong đó có doanh nghiệp của gia đình ông Lương được thành lập và làm ăn phát đạt. Cũng nhờ làm ăn khấm khá mà gia đình ông mới trả được số tiền vay lãi làm đường.
Nhiều năm nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vào chở đá đi tiêu thụ. Nhưng con đường với tuổi đời 15 năm mà ông Lương thiết kế vẫn chưa phải sửa chữa lần nào, xe càng chạy thì cung đường càng bằng phẳng bởi những khối đá xếp chồng lên dính chặt nhau hơn.
Cụ Lê Văn Tẫng (90 tuổi, làng Dưỡng) cho biết, từ khi có con đường người dân trong làng, trong xã ai cũng vui mừng vì giao thông thuận lợi, mỗi mùa gặt hái không phải lội bì bõm dưới ruộng và vất vả vác lúa mang về nhà.
Ông Nguyễn Quang Diệu – Trưởng ban quản lý làng nghề xã Ninh Vân cho biết, ngành khai thác, chế biến đá mỹ nghệ trong xã phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh và đời sống của thợ làm đá khấm khá hơn cũng từ khi có con đường do ông Nguyễn Xuân Lương làm.
Thái Bá