Cuộc sống như mơ của cô gái bỏ phố về quê, sống biệt lập ở thung lũng
(Dân trí) - Sau hơn 2 năm du lịch khám phá thế giới, Ye Zi (Trung Quốc) đã lựa chọn dừng chân tại một thung lũng ở tỉnh Vân Nam - nơi biệt lập với bên ngoài, bao quanh bởi sông, núi, rừng rậm.
Ye Zi (33 tuổi) sinh ra ở Nội Mông, sau khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Trung ương, cô theo học 3 tháng tại trung tâm nghệ thuật sắp đặt Songzhuang và làm việc ở đây 2 năm.
Năm 2014, cô nghỉ việc toàn thời gian và bắt đầu khám phá thế giới. Năm 2016, khi đến Vân Nam, Ye Zi cảm thấy hứng thú, yêu thích cảnh vật nơi đây nên quyết định ở lại sinh sống.
Nói về cơ duyên đến với mảnh đất này, Ye Zi cho biết: "Khi đó, tôi đã lang thang khắp thế giới được 2 năm. Khi biết hai người từng sống tại căn nhà trong thung lũng muốn rời đi, bạn tôi là Zhou Lei đã dắt tôi tới để giới thiệu. Xe vừa đi vào thung lũng, cảnh tượng đột nhiên thay đổi. Khung cảnh tôi hằng ao ước hiện ra trước mắt".
Theo Ye Zi, nơi cô sống biệt lập với bên ngoài, 3 mặt là núi, một phía được bao quanh bởi nhánh nhỏ của sông Kim Sa. Núi đá và khu rừng nguyên sinh rậm rạp xung quanh như hàng rào tự nhiên, cho cô cảm giác yên bình.
Ye Zi chia sẻ đã thuê 12.000m2 đất, trong đó 8.000m2 sử dụng làm đất canh tác. Khi mới đến, căn nhà cũ đã lụp xụp, cô phải dựng một cái lều để ở tạm, sau đó cải tạo lại ngôi nhà.
Để đảm bảo cuộc sống, Ye Zi đã trồng trọt và chăn nuôi, tự cung tự cấp. Cô trồng rau sạch, không dùng thuốc sâu hay chất kích thích. Ban đầu, cô gặp nhiều khó khăn khi rau củ trồng lên bị sâu bọ, côn trùng phá hoại. Dần dần, cô đã học được kỹ thuật và chăm chút mảnh vườn được tốt hơn với đủ các loại rau củ: đậu, khoai tây, cà tím, rau diếp, cà chua,…
Sống trong khu vực biệt lập, vấn đề xử lý rác và bảo vệ môi trường được cô gái 33 tuổi rất coi trọng.
Cô tự xử lý, phân loại rác rồi vận chuyển chúng ra ngoài. Cô cũng tận dụng những thùng xốp khi nhận hàng chuyển phát nhanh để làm thùng gieo hạt; nhặt những chiếc hộp bỏ đi từ lớp hóa học của trường trên thị trấn về làm thành đèn trong phòng; những chai rượu, chai nước giải khát thì nhét vào tường để tăng độ tán xạ ánh sáng.
Ye Zi tìm hiểu kỹ về công nghệ xử lý nước thải bằng màng lọc thực vật. Cô đào 5 bể lắng dưới lòng đất, cho vi khuẩn kỵ khí và than sinh học vào, ở mỗi cấp độ trồng các loại cây thủy sinh khác nhau để chúng hấp thụ kim loại nặng và chất độc.
"Đôi khi làm việc mệt mỏi, tôi ngồi xổm dưới gốc cây đào ngắm núi, chạy ra bờ sông nghe tiếng suối róc rách, nằm trên bãi cỏ ngắm trăng treo ngọn cây. Thật khoan khoái, tôi cảm thấy rất nhỏ bé, nhưng tự do và thoải mái ngay lập tức", Ye Zi chia sẻ.
Đối với Ye Zi, cuộc sống tự do trong thung lũng không có nghĩa cô tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Khi chuyển đến đây, cô cảm thấy mình giao tiếp với nhiều người hơn so với khi ở Bắc Kinh.
Nhiều người gặp áp lực cuộc sống đã tìm đến đây như một chốn thanh lọc tâm hồn, tái tạo lại nhiệt huyết sống cho họ. Đặc biệt, trải qua thời gian dịch Covid-19 ngày càng có nhiều người đến gặp Ye Zi, mong học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống của cô.
Cách sống này hình thành ở Ye Zi trong dịp làm tình nguyện viên cho một ngôi chùa ở Thái Lan khi được nghe về mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, con người và xã hội, cũng như một loạt các triết lý và phương pháp về cách trồng trọt, xây dựng và bắt đầu lại cuộc sống.
Cô đã nghiên cứu một thời gian và thấy rằng đó là sự lựa chọn phù hợp nhất với tính cách của mình. "Tôi muốn sống một cuộc sống đơn giản, nhưng mọi chi tiết đều do chính tay mình xây dựng", cô nói.
Trung Dũng