Cuộc sống khốn cùng của gia đình “người lùn” ở Hưng Yên
(Dân trí) - Vì thân hình quá bé nhỏ, yếu ớt nên đi đến đâu xin việc, hai chị em cũng chỉ nhận được ánh nhìn thương hại và cái lắc đầu từ chối. Cóp nhặt từng đồng, từng hào để sống qua ngày, cả gia đình chỉ dám ăn một bữa, khi đói quá thì bẻ bánh đa hoặc uống nước lọc cầm hơi…
Người trong thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) nhắc đến gia đình chị Nguyễn Thị Bình bằng biệt danh “gia đình tí hon”. Trong 3 người, chị Bình và cậu con trai Thành Công có chiều cao chưa đầy 80cm. Anh Nguyễn Văn Lâm – em trai chị Bình thì “nhỉnh” hơn một chút, nhưng cũng cao không quá 1m2.
Tích cóp từng đồng lẻ sống qua ngày
Căn nhà của chị Bình – anh Lâm nằm ở cuối con ngõ nhỏ hẹp, lọt thỏm giữa 3 ngôi nhà cao tầng và những khung cửa sổ đóng chặt, kín mít. Ngồi trên chiếc ghế nhựa nhưng chân chẳng chạm nổi xuống đất, chị Bình chậm rãi kể về cuộc đời đầy bất hạnh và đắng cay của mình.
Chị Bình và anh Lâm vốn là 2 chị em cùng cha khác mẹ. Thời chiến tranh, bố chị Bình được giao nhiệm vụ đánh kẻng báo động cho mọi người khi thấy máy bay.
“Nghe bố kể lại, lần đó không may bị dính mảnh bom nên phải cưa chân. Thi thoảng, mấy người già vẫn nhắc, nếu không có bố tôi thì cả làng đã nhiều phen đối mặt với cái chết. Nhưng cũng từ hồi ấy, bố nhiễm chất độc màu da cam nên đẻ cả 2 đứa con đều lùn một mẩu”, chị Bình nhớ lại.
Sau khi bố mẹ mất, 2 chị em sống nương tựa vào nhau trong căn nhà ẩm thấp, mùa hè nóng nực, oi bức, còn mùa đông gió lùa chẳng chừa chỗ nào. Năm 2001, khi chị Bình đẻ ra một bé trai, đặt tên là Thành Công thì cuộc sống càng khó khăn hơn gấp bội.
Chính vì thân hình quá bé nhỏ nên đi đến đâu xin việc, hai chị em cũng chỉ nhận được ánh nhìn thương hại và cái lắc đầu từ chối. “Xin đi phụ hồ, quét vôi ve, bốc vác nhưng không ai đồng ý cho làm. Có muốn đi cày cũng không được vì ruộng ở đây là ruộng trũng. Có lần bí quá, tôi đánh liều thử ra thì bị lún đến hơn nửa người. Vừa sợ vừa hoảng, chới với mãi mới thoát ra được. Giờ mảnh ruộng ấy cho người khác cấy, mỗi vụ họ để lại cho mình 15kg thóc, coi như đỡ một khoản”, chị Bình tâm sự.
Hàng ngày, anh Lâm ở nhà lo cơm nước và nhận thêm hạt sen về thông tâm. Còn chị Bình lên đền An hóa vàng giúp người đi lễ, mỗi lượt được trả công 2.000 – 3.000 đồng, thi thoảng được thêm chút bánh kẹo. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị lại cùng cậu con trai vác bao đi nhặt ve chai, giấy bìa về tích trong nhà để bán dần. Tính ra, thu nhập trung bình của cả gia đình chưa đến 15.000 đồng/ngày. ‘
Vì cuộc sống quá thiếu thốn nên đã có không ít lần hai chị em phải đi khắp các huyện, các xã để xin ăn. Thông thường, chị Bình, anh Lâm và Công chỉ ăn một bữa buổi tối, thức ăn chủ yếu là rau luộc, “sang” lắm thì có bìa đậu hoặc ít thịt vụn. Buổi trưa, nếu đói quá thì mua cái bánh đa nướng, chia làm mấy nửa để ăn dần.
“Mặc dù có thêm khoản trợ cấp 100.000 đồng/ tháng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Hôm vừa rồi, có một số nhà hảo tâm sửa cho cái mái nhà thì mới chống chọi nổi với đợt rét mấy ngày qua. Nhưng vì nhà chưa kín hẳn nên đến đêm, 3 người phải nằm sát vào nhau mới tạm đủ ấm”, chị Bình nói.
Mơ ước xa vời về hạnh phúc vẹn tròn
Khi nghe hỏi về cha của Công, chị Bình cười buồn: “Đứa con này là kết quả của mối tình đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời tôi. Thực ra, chẳng rõ có nên gọi đây là mối tình hay không, kể ra lại sợ người đời chê cười, nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì giờ đây có đứa con để chở che, nương tựa”.
Năm đó, có người hàng xóm làm mối cho chị Bình một người đàn ông tên là Hà. Giữa hai người đã có đôi lần qua lại, tìm hiểu lẫn nhau nhưng chưa từng trao lời ước hẹn. Một lần, lợi dụng trong nhà không có ai, người đàn ông này đã lừa chị và vội cao chạy xa bay khi biết tin người yêu mang bầu.
“Tôi nghe nói anh ta đi làm ăn xa, ở tận trong miền Nam. Quê quán không biết, cũng chẳng rõ nghề nghiệp nên đành chịu, chẳng nhờ ai tìm được. Ngày mới đẻ Công, hàng xóm thương tình, cho ít cơm ít thịt thì mới nuôi được nó đến ngày hôm nay. Nhiều đêm vẫn nằm khóc vì thương con và xót cho chính mình, chẳng có được gia đình đầy đủ như những người khác”, người phụ nữ tội nghiệp nghẹn ngào.
Hiện tại, sức khỏe chị Bình cũng không tốt, thường xuyên đau chân mỗi khi trái gió trở trời. Hơn 15 năm về trước, trong lúc đi mua thuốc cho con, chị bị một chiếc xe máy đâm phải. Dù đau đến rã rời, nhưng sợ bị mắng là ăn vạ nên chị cố nén lại. Đến khi đi viện, bác sĩ nói chị đã gãy rời chân, phải đóng 11 cái đinh để cố định. Đã quá thời hạn tháo đinh từ lâu, nhưng vì không có tiền nên chị Bình cũng để mặc và cố tình không nhớ đến.
Thành Công hiểu nỗi khổ và sự hy sinh của mẹ nên đôi lúc, em cúi gằm mặt xuống đất để giấu đôi mắt đỏ hoe. Công kể, lúc đi học, em thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, chế giễu vì ngoại hình khác thường.
“Em phải học lại lớp 1, lớp 2 hai năm vì bé quá, cô giáo không nhận. Có mấy bạn nói em là đồ vô dụng, không làm được gì cho đời,… nhưng em cũng mặc kệ. Em đang định chiều đi nhặt thêm ít ve chai để bán lấy tiền mua thuốc chữa chân cho mẹ. Kể ra mà tiết kiệm mua được chiếc xe đạp cũ thì cũng thích, nhưng chắc khó…”, Công chia sẻ.
Chị Bình chẳng nhớ mình sinh năm bao nhiêu, chỉ ước chừng “hình như khoảng 54, 55 tuổi gì đó”. Còn anh Lâm, nay mới ngoài 30 – cái tuổi trẻ trung và tràn trề sinh lực của người đàn ông, nhưng vẫn loanh quanh ở nhà, chẳng có công việc ổn định và chưa có một “mảnh tình vắt vai”.
“Tôi cũng khao khát yêu đương, cũng muốn ngỏ lời với người ta lắm chứ, nhưng lại sợ bị chê cười. Mình bé tí tẹo thế này, chắc chẳng ai thèm để ý chứ đừng nói tới chuyện kết hôn. Cũng tủi thân lắm, nhưng tránh sao được số phận…”, anh Lâm ngậm ngùi.
Hoàng Ngọc