Cuộc đời “bí ẩn” của ông chủ thương hiệu bánh nổi tiếng đất Bắc

Mỗi ngày cận tết trung thu có hàng trăm người xếp hàng chờ mua bánh trước hiệu bánh Bảo Phương (201 phố Thụy Khuê), họ mua bánh ở đây chủ yếu để làm quà biếu. Ông chủ thương hiệu bánh đất Bắc này lần đầu tiết lộ về cuộc đời chìm nổi, gắn liền với nghề.

Ở cái tuổi gần đất xa trời (85 tuổi) nhưng trông cụ Phạm Vi Bảo người “khai sinh” ra thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng Bảo Phương (201 phố Thụy Khuê) trông vẫn còn tráng kiện, minh mẫn.


Cụ Phạm Vi Bảo, cha đẻ của thương hiệu bánh Bảo Phương.

Cụ Phạm Vi Bảo, cha đẻ của thương hiệu bánh Bảo Phương.

Chúng tôi chờ cụ hơn tiếng đồ hồ để cụ lấy bánh mới ra lò bán cho dòng khách đã đứng xếp hàng từ lâu trước cửa hiệu bánh. Tiết mùa thu se lạnh, nhưng trán của cụ Bảo rịn mồ hôi, cụ bảo: “đứng quầy nóng và cũng mỏi chân lắm, nhưng khách yêu mến mình, gắn với quầy bánh mình từ mấy chục thu nay thì mình phải cảm ơn và trân trọng chứ!”.

Cụ Bảo tâm sự, “bánh trung thu thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội, của đất trời Hà Nội. Hồn của tiết thu Hà Nội phải nằm trong mỗi chiếc bánh ấy”.

Cụ Bảo kể với phóng viên rằng, tuổi thanh niên của cụ vốn rất cơ cực. Khi đất nước còn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cụ đã sống cuộc đời của người làm thuê. Năm 18 tuổi cụ bắt đầu làm bánh, và khi đó cụ làm thuê cho một ông chủ hiệu bánh ở phố Hàng Đường. Làm được một thời gian, thấy ông chủ làm ăn kiểu “ma cô” nên cụ bỏ đi.

Năm 23 tuổi, cụ Phạm Vi Bảo một mình lặn lội về đất cảng Hải Phòng và bắt đầu bươn trải bằng nghề làm bánh mưu sinh. Cụ Bảo nhớ lại trong những ngày gian khó ấy mỗi mẻ bánh ra lò là cụ lại chân trần đi bán rong khắp phố xá Hải Phòng, thậm chí nhiều khi cụ cuốc bộ sang tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) để bán bánh. Thấy nghề cơ cực, đôi khi cụ muốn bỏ nghề nhưng vị bánh, hình bánh cứ như bám riết lấy cụ khiến cụ Bảo không thể rời xa nó được.

Khi Thủ đô giải phóng cụ Phạm Vi Bảo quay trở lại với đất kinh kỳ và cần mẫn với nghề làm bánh, xây dựng hiệu bánh Bảo Phương tại 201 Thụy Khuê nổi tiếng đất Bắc như ngày nay.

Gia đình 3 thế hệ làm bánh Bảo Phương, giữa là cụ Phạm Vi Bảo, bên phải là người con trai cả Phạm Vi Nhân và bên trái là người cháu đích tôn Phạm Hải Đăng được cụ truyền nghề.
Gia đình 3 thế hệ làm bánh Bảo Phương, giữa là cụ Phạm Vi Bảo, bên phải là người con trai cả Phạm Vi Nhân và bên trái là người cháu đích tôn Phạm Hải Đăng được cụ truyền nghề.

Người thợ làm bánh già nua mỉm cười hạnh phúc cho biết: cụ có một gia đình hạnh phúc với 4 người con (3 trai, 1 gái). Các con của cụ cũng theo nghề làm bánh. Trong số những người con ấy cụ truyền nghề cho con trai trưởng của mình là Phạm Vi Nhân và giao lại quầy bánh tại 201 Thụy Khuê. Hiện cơ sở sản xuất này do cháu đích tôn được cụ truyền nghề trực tiếp là Phạm Hải Đăng quản lý.

Còn cơ sở bánh trung thu Bảo Phương tại địa chỉ số 183 Thụy Khuê là do người con trai thứ 2 và con trai út của cụ quản lý. Bí mật lần đầu được “người khai sinh” hiệu bánh trung thu Bảo Phương tiết lộ là hai cơ sở của con và cháu cụ là hoạt động độc lập với nhau, mỗi cơ sở đều tự sản xuất và bán hàng. Người con gái của cụ cũng làm nghề bánh nhưng lấy một thương hiệu khác.

Cụ bảo khẳng định rằng có nhiều cơ sở giả mạo thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương là để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Hải Đăng (cháu đích tôn cụ Phạm Vi Bảo, 201 Thụy Khuê) cho biết, do tại 201 Thụy Khuê chật hẹp nên ông cháu anh Đăng quyết định mở rộng sản xuất.

Những nghệ nhân của xưởng sản xuất bánh Bảo Phương.
Những "nghệ nhân" của xưởng sản xuất bánh Bảo Phương.

Xưởng sản xuất được mở mới là ở địa chỉ 223 Thụy Khuê. Và chính tại địa chỉ này vừa qua khi tiến hành kiểm tra lực lượng hữu trách đã xác định là chưa có đăng ký kinh doanh nên phải tạm dừng sản xuất. Nói về điều này, cháu của cụ Phạm Vi Bảo nói là đồng ý với sự nhắc nhở của cơ quan chức năng. “Thực chất chất lượng sản xuất bánh tại địa chỉ số 223 và 201 phố Thụy Khuê là một. Do việc mở rộng cơ sở sản xuất trong thời gian gấp gáp để phục vụ khách hàng, nên chúng tôi chưa kịp làm xong giấy phép tại địa chỉ số 223 phố Thụy Khuê và về việc này đã được cơ quan hữu trách nhắc nhở, chúng tôi sẽ hoàn thiện thủ tục trong thời gian tới”- anh Phạm Hải Đăng chủ cơ sở sản xuất nói.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các biên bản kiểm tra trước đó của cơ quan chức năng Hà Nội đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương (địa chỉ 201 Thụy Khuê) cho thấy cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh, các chứng nhận về đảm bảo ATVSTP, các phiếu xét nghiệm hóa sinh, vi sinh của bánh nướng, dẻo.

Khách hàng xếp hàng dài mua bánh Bảo Phương tại cửa hàng 201, phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội, ảnh chụp sáng nay 24/9, tức ngày 12 âm lịch).
Khách hàng xếp hàng dài mua bánh Bảo Phương tại cửa hàng 201, phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội, ảnh chụp sáng nay 24/9, tức ngày 12 âm lịch).

Tại địa chỉ số 223 Thụy Khuê, quan sát của phóng viên cho thấy xưởng sản xuất mới này của ông chủ hiệu bánh Bảo Phương là một tòa nhà 7 tầng ngay mặt phố. Từ tầng 1 đến tầng 4 được sử dụng cho các công đoạn làm bánh. Tường của cơ sở này được ốp gạch men, nhân viên mặc đồng phục, đeo găng tay, khẩu trang.

Tạm biệt cụ Phạm Vi Bảo - người khai sinh thương hiệu bánh Bảo Phương khi rằm Trung thu đang đến gần, người cháu đích tôn của cụ Bảo – Phạm Hải Đăng khoe với chúng tôi về những hóa đơn đặt hàng của khách chờ ngày hội rằm.

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm