Cô gái giả khổ lấy nước mắt dân mạng, sự thật lừa đảo bị phơi bày

Tuệ Minh

(Dân trí) - Cô gái người Trung Quốc lên mạng chia sẻ video về cuộc sống vất vả nhưng sự thật đã bị cư dân mạng "vạch trần" không phải như vậy.

Chỉ mới 20 tuổi, cô gái họ Triệu, có nickname là "Liangshan Mengyang" sống ở Tứ Xuyên, Trung Quốc thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. 

Quá trình nổi tiếng của cô gái này bắt đầu từ năm 2018. Nhận thấy tiềm năng từ công việc đăng video ngắn lên mạng, cô Triệu đã rời thành phố Quảng Châu để về quê xây dựng kênh trên mạng xã hội, đăng tải clip, kiếm tiền. 

Cô gái giả khổ lấy nước mắt dân mạng, sự thật lừa đảo bị phơi bày - 1

Cô gái trẻ giả vờ nghèo khổ, dàn dựng cuộc sống cơ cực (Ảnh: HK).

Nhằm chiếm được tình cảm và gây xúc động cho mọi người, cô gái trẻ đã cố tạo dựng hình ảnh về một người có cuộc đời éo le, cơ cực.

Cô Triệu đã tận dụng vùng quê của mình, nơi có dãy núi Đại Sơn nổi tiếng với các loại nông sản chất lượng cao để quay clip. Phong cảnh ở đây hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp càng tạo nên sức hút với khán giả khi xem clip.

Trong các video được chia sẻ, "Liangshan Mengyang" xuất hiện với vẻ ngoài tiều tụy, nước da ngăm, gầy gò, mặc quần áo rách. Hằng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, cô gái trẻ phải lên núi đốn củi hoặc làm ruộng rất vất vả. Những chi tiết này đã thu hút nhiều người xem, chạm tới trái tim khán giả khắp Trung Quốc.

Trong một video,"Liangshan Mengyang" từng kể, cha mẹ đều đã qua đời, phải nghỉ học để chăm sóc các em. Cả nhà không có tiền nên phải ăn khoai qua ngày.

Vì muốn có thêm thu nhập, "Liangshan Mengyang" quay các đoạn video đăng tải lên mạng để mong mọi người giúp đỡ. Thậm chí, có lần cô gái trẻ bật khóc khi kể về số phận đáng thương và cuộc sống vất vả nơi thôn quê.

Sau khi có hàng triệu người hâm mộ, "Liangshan Mengyang" bắt đầu phát trực tiếp bán các sản phẩm nông sản nhằm kiếm tiền.

Sự thật bị phơi bày

Thế nhưng đằng sau cô Triệu là một ê kíp dàn dựng công phu, hỗ trợ rất nhiều. Không ít cư dân mạng muốn tìm hiểu hoàn cảnh thực của người này nên đã lặn lội đến vùng núi nơi cô gái này sinh sống. 

Sự thật nhìn thấy khác với những gì họ tưởng tượng. Bố mẹ của cô gái nổi tiếng vẫn còn sống, không phải đã qua đời như lời kể trên mạng xã hội. Căn nhà tồi tàn mà cô gái trẻ thường quay trong các clip thực chất là địa điểm dàn dựng.

Cô gái giả khổ lấy nước mắt dân mạng, sự thật lừa đảo bị phơi bày - 2

Khi đã chiếm được tình cảm khán giả, cô gái bắt đầu phát trực tiếp nhận quà tặng, bán hàng online giả mạo (Ảnh: HK).

Hằng ngày, bố mẹ của cô Triệu chăn nuôi gia súc, bán lấy tiền, thu nhập không hề thấp. Dưới chân núi, họ có một căn nhà khang trang, không rách nát như cô miêu tả.

Vùng quê của cô Triệu đang sống không đến mức nghèo khó lạc hậu như trong các lời kể trên mạng xã hội. Thậm chí, dân làng còn nhận xét "gia đình này được xem là giàu có trong làng".

Sau khi bị cư dân mạng phát hiện sự thật, cô Triệu lên tiếng phủ nhận và cho rằng bản thân đang bị ghen tỵ trên mạng xã hội. Trong video clip bán hàng, cô gái trẻ khẳng định: "Tôi chỉ muốn bán hàng kiếm tiền, nếu không tin mọi người có thể đến kiểm tra sự thật".

Thậm chí, cư dân mạng còn phát hiện, cô Triệu xuất hiện trên video nghèo khổ nhưng thực chất chỉ là diễn. Ngoài đời, cô gái trẻ đeo đồng hồ hạng sang, mua quần áo hàng hiệu, đến các địa điểm cao cấp.

Điều đáng nói là một số nông sản của kênh "Liangshan Mengyang" bị mập mờ về nơi xuất xứ. Họ khẳng định khoai tây hay quả óc chó được trồng ở núi Đại Sơn nhưng không phải như vậy. 

Qua điều tra, cảnh sát địa phương xác định, cô Triệu và ê kíp đã dàn dựng câu chuyện để thu hút mọi người. Theo đó, từ năm 2021, Tang - Giám đốc một công ty truyền thông ở Thành Đô, Tứ Xuyên đã ký hợp đồng với cô gái này và một chàng trai khác để thực hiện các video rồi đăng trên 2 kênh khác nhau.  

Nhóm này đăng video dàn dựng về cuộc sống ở nông thôn. Khi nổi tiếng, nhóm mua các sản phẩm nông sản như mật ong, quả óc chó... giá rẻ từ Thành Đô (Tứ Xuyên), Côn Minh (Vân Nam) để livestream bán hàng dưới mục đích "hỗ trợ nông dân" và quảng cáo là hàng trồng tại núi Đại Sơn. Các sản phẩm được bán tới 20 tỉnh, thành ở Trung Quốc thu về số tiền không nhỏ.

Sau khi có kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam cô gái và nhóm lên ý tưởng dàn dựng câu chuyện về việc bán hàng giả nhãn hiệu xuất xứ và quảng cáo sai sự thật. 

Tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân ở địa phương đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Theo kết án của tòa, các bị cáo bị kết án từ 9 tháng đến 14 tháng tù. Trong đó, cô gái có nickname "Liangshan Mengyang" bị kết án 11 tháng tù và bị phạt tiền. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm