Trà Vinh:
Cốm dẹp Nhị Trường của đồng bào Khmer tất bật vào vụ
(Dân trí) - Những ngày này, về xã Nhị Trường (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) sẽ bắt gặp cảnh nhộn nhịp làm cốm dẹp – món ăn đặc trưng làm từ nếp của đồng bào Khmer trong mỗi dịp lễ hội.
Đầu tháng 10 âm lịch, người dân ấp Ba So, ấp Tụa (xã Nhị Trường, huyện Càng Long, Trà Vinh) lại tất bật vào mùa sản xuất cốm dẹp để cung ứng cho thị trường trong lễ hội Ok Om Bok (rằm tháng 10 âm lịch hàng năm).
Cả làng vào vụ cốm
Trong đó, nhộn nhịp nhất là ở ấp Ba So với khoảng 100 hộ theo nghề truyền suốt mấy chục năm qua. Hiện nay bà con làm quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là trước mỗi dịp lễ hội của đồng bào Khmer.
Men theo con đường nhựa vào ấp Ba So sẽ nghe âm thanh rộn rã của những chiếc cối giã cốm dẹp. Tại nhà bà Trương Thị Di, ấp Ba So, xã Nhị Trường luôn túc túc trực 3 nhân công phụ rang, đưa cốm vào máy giã và sàng lọc bỏ vỏ trấu.
Bà Di cho biết: “Tôi theo nghề truyền thống của cha ông gần 30 năm nay để cung ứng cốm dẹp cho bà con trong mỗi dịp lễ, Tết. Trước đây để làm cốm phải có 2 thanh niên có sức khỏe dùng cối giã nếp nhưng nay nhờ máy móc nên nghề này phụ nữ cũng làm được”.
Phơi lúa nếp trước khi làm cốm dẹp
Theo bà Di, cốm dẹp là món ăn truyền thống cũng như lễ vật dâng lên cúng trong mỗi dịp lễ hội của đồng bào Khmer. Nguyên liệu làm cốm là lúa nếp sáp thơm, dẻo được trồng ở địa phương. Nếu nếp mới thu hoạch có thể đem về rang rồi giã thành cốm dẹp còn nếp đã thu hoạch lâu người ta phải thêm công đoạn ngâm qua nước ít giờ trước khi rang. Trung bình 20 kg nếp sẽ cho ra 15 kg cốm dẹp thành phẩm với giá bán từ 40 đến 45 ngàn đồng/kg.
Đem vào rang cho vừa chín tới
Để làm ra món cốm dẹp truyền thống thơm, dẻo người dân ở làng nghề phải sử dụng nguyên liệu chất lượng, cách làm rất công phu. Nếp được rang với số lượng ít sao cho đều tay và đặc biệt vừa chín tới để hạt cốm có độ dẻo, thơm.
Nếp được đưa vào cối giã
Nét đẹp trong lễ hội
Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một trong ba lễ chính hàng năm của đồng bào Khmer Nam bộ (gồm các lễ Sêne Đolta, Ok Om Bok và Chôl-Chnam-Thmây) được tổ chức định kỳ vào ngày Rằm tháng 10 hàng năm. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu… Các phẩm vật dâng cúng là những đặc sản do chính đồng bào làm ra. Trong đó món cốm dẹp làm từ lúa nếp là không thể thiếu.
Sàng bỏ lớp vỏ trấu để thu cốm dẹp
Ông Thạch Thon, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Trường cho biết: “Ở địa phương có 2 ấp là ấp Ba So và ấp Tụa chuyên làm cốm dẹ phụ vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Những ngày chuẩn bị tới lễ, Tết của đồng bào Khme,r người làng nghề làm từ khuya đến gần sáng có cốm để giao cho thương lái đem đi bán khắp nơi. Một số hộ nhỏ, lẻ làm ban ngày để cung ứng cho thị trường tại địa phương”.
Cốm dẹp thành phẩm được thương lái thu mua cung ứng ra thị trường mùa lễ hội
Hiện tại, toàn xã Nhị Trường hiện có 42 hộ trồng lúa nếp với tổng diện tích khoảng 15 ha, đủ phục vụ nguyên liệu sản xuất cốm dẹp cho các hộ làm cốm nơi đây. Các hộ làm cốm cũng đã tham gia tổ hợp tác và làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu cho cốm dẹp… Bà con nơi đây đang lưu giữ nghề truyền thống làm cốm dẹp như nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer mỗi dịp lễ hội.
Minh Giang