Cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Bình dân bán giá trên trời nhưng khó xử phạt?

Minh Nhân

(Dân trí) - Quán cơm bình dân bán suất cơm 160.000 đồng ở Hà Nội vốn không niêm yết giá. Khách hàng ăn theo thỏa thuận, "lấy miếng nào tính tiền miếng đó".

Khó xử phạt cơm bình dân bán giá "trên trời"?

Liên quan vụ suất cơm bụi giá 160.000 đồng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, ông Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, dịch vụ phải niêm yết giá, theo quy định của pháp luật.

Nếu không niêm yết, cơ sở đó sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, quán cơm bình dân này khó niêm yết giá vì phụ thuộc món ăn, số lượng. Khách hàng ăn theo thỏa thuận, "khách lấy miếng nào tính tiền miếng đó".

"Thời điểm quán cơm này bán hàng thì đã có trao đổi về giá với khách. Quan điểm của phường là sẽ xử lý nghiêm, không bao che nếu có vi phạm", ông Dũng khẳng định.  

Cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Bình dân bán giá trên trời nhưng khó xử phạt? - 1

Suất cơm giá 160.000 đồng tại quán cơm bình dân trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, những quán ăn với tên gọi "cơm bình dân", "cơm bụi" vốn dĩ là điểm đến quen thuộc của học sinh, sinh viên, người lao động, bởi giá rẻ, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.

Những quán ăn này chủ yếu "mọc" lên xung quanh khu văn phòng, các bệnh viện hay trường học, khu công trường...

Theo luật sư, đối với những quán ăn bình dân, do nhu cầu và khẩu vị khác nhau của mỗi khách hàng, thực đơn lại đa dạng nên rất khó niêm yết một mức giá cụ thể mà thường là sự thỏa thuận giữa người bán - người mua.

"Chính điều này dẫn đến tình trạng một số quán cơm "bình dân" nhưng giá bán lại không hề bình dân. Trong những trường hợp này, quán ăn đã có dấu hiệu của việc "chặt chém" khách, vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý giá", ông Tiền nói.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng đồng tiền Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định 177/2013/NĐ-CP cũng quy định các địa điểm thực hiện niêm yết giá bao gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.

Cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Bình dân bán giá trên trời nhưng khó xử phạt? - 2

Bà V.T.H. chủ quán cơm bình dân trước cổng Bệnh viện Bạch Mai nói rằng "không chặt chém khách" (Ảnh: Đ.N.).

Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay, căn cứ vào các quy định nêu trên, thì quán cơm cũng thuộc trường hợp phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

"Chủ quán V.T.H. nói rằng quán không niêm yết giá mà chỉ thông báo cho khách hàng trước khi ăn, là có dấu hiệu vi phạm quy định về niêm yết giá", ông Tiền phân tích.

Từ đó, nếu cơ quan chức năng xác định được quán ăn này không niêm yết giá dịch vụ hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, thì chủ quán có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.

Chỉ cần niêm yết giá, bán cao hay thấp đều được?

Thời gian qua, nhiều khách hàng phản ánh các nhà hàng, quán ăn niêm yết giá công khai mức cao, nhưng chất lượng dịch vụ nhận về không tương xứng.

Như suất cơm sườn 120.000 đồng ở Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội), suất bún chả giá 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) hoặc bữa ăn từ 3,1 đến 3,5 triệu đồng trên phố Tạ Hiện (Hà Nội).

Nhiều người tự hỏi, chỉ cần niêm yết giá, chủ quán muốn bán cao hay thấp đều được, mà không bị xử phạt?

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) đã liệt kê các hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ.

Trong đó, nếu các cơ sở dịch vụ kinh doanh có một trong những hành vi như: không niêm yết giá; niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; hoặc bán giá cao hơn giá niêm yết, đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo luật sư, pháp luật chỉ xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng hoặc bán không đúng giá niêm yết. Với việc đã niêm yết rõ ràng nhưng giá cao hay thấp thì không có căn cứ để xử phạt.

Tuy nhiên, những quán ăn đã niêm yết giá, nhưng bán giá cao hơn giá niêm yết (có hành vi "chặt chém") thì chủ quán có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng, căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

Cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Bình dân bán giá trên trời nhưng khó xử phạt? - 3

Quán ăn trên phố Tạ Hiện (Hà Nội) bị tố gài khách, bán hàng giá "trên trời" (Ảnh: NVCC).

Từ những sự việc gây xôn xao thời gian vừa qua, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, theo quy định hiện hành, giá thành sản phẩm ngoài những trường hợp thuộc nhóm danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hoặc thực hiện bình ổn giá, kê khai giá, thì phụ thuộc chủ yếu vào việc hạch toán của mỗi cơ sở kinh doanh.

Cùng một sản phẩm nhưng cơ sở này bán một giá, cơ sở kia lại bán một giá khác; hoặc cùng một mức giá nhưng có cơ sở ngon, cơ sở lại không ngon. Do đó, việc lựa chọn mua bán hàng hóa hay sử dụng dịch vụ đều do người tiêu dùng quyết định.

Ông Tiền cho rằng, thực tế cũng cho thấy, với những quán ăn có chất lượng tốt, giá thành rẻ sẽ thu hút nhiều khách hàng. Ngược lại, những quán ăn có giá thành đắt đỏ, dịch vụ không tốt hay hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì sẽ rất kén người mua.

Cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Bình dân bán giá trên trời nhưng khó xử phạt? - 4

Suất cơm sườn 120.000 đồng gây xôn xao thời gian trước (Ảnh: NVCC).

"Để tránh thiệt thòi hoặc không hài lòng về giá sản phẩm, dịch vụ, khi người dân có nhu cầu mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ cần có sự trao đổi, thỏa thuận trước với cơ sở kinh doanh", ông Tiền khuyến cáo.

Nếu thấy giá cả không phù hợp, người tiêu dùng có thể lựa chọn cơ sở kinh doanh khác, tránh mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ tại những cơ sở kinh doanh không niêm yết hoặc niêm yết giá mập mờ, không rõ ràng.

Người dân nên hỏi trước giá để không gặp phải những tình huống khó xử như những vụ việc nêu trên.