Có nên học Hội An nhân rộng việc nói "không" với tiêu thụ thịt chó mèo?

Hà Trang

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc Hội An nói không với thịt chó chỉ thể hiện ý chí của cộng đồng cư dân Hội An, không hoàn toàn phải là quy định để các địa phương khác làm theo.

Mới đây, Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo, hướng tới thành phố du lịch thân thiện.

Điều này một lần nữa lại làm dấy lên những tranh cãi trái chiều trong dư luận. Trong khi phe ủng hộ cho rằng "điều này là văn minh" thì người "phản pháo" lại bày tỏ "ăn hay không là quyền của mỗi người, pháp luật không hề cấm".

Không thể cấm bằng văn bản hành chính

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa bình luận: "Tôi thấy con chó tình nghĩa như vậy mà mình ăn thịt thì cá nhân tôi thấy khắc khoải tâm hồn. Và tôi không ăn thịt chó.

Song, tôi không ăn thịt chó không có nghĩa là tôi có quyền áp đặt người khác không nên ăn thịt chó giống như mình. Họ thích hay không là quyền của họ, tôi không thể cấm được".

Về việc TP. Hội An ký cam kết ngừng tiêu thụ thịt chó mèo, ông Biền cho rằng, việc ký kết hợp tác ấy không nằm trong quy phạm của pháp luật. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, không điều nào của luật cấm ăn thịt chó mèo. Nên, nếu thượng tôn pháp luật, người ta chỉ có quyền vận động không ăn thịt chó mèo chứ không thể cấm ăn thịt chó.

Theo vị chuyên gia hàng đầu về di sản văn hóa, văn hóa Việt Nam chưa từng đặt vấn đề ăn thịt chó hay không? Vì trong nhận thức bình thường của người Việt, thịt chó mèo xưa nay không khác thịt các động vật khác. Thịt chó mèo không phải là thứ thịt bị ngăn cấm.

Ở Nhật Tân, thịt chó là một thứ đặc sản được tiếp nối nhiều đời như một nét văn hóa. Ở một số làng ở Hà Đông, Tết trong mâm cơm của người dân phải có thịt chó.

Việc cam kết ngừng tiêu thụ thịt chó mèo ở Hội An kể cả nếu được người Hội An chấp nhận thì đó cũng chỉ thể hiện ý chí của cộng đồng cư dân Hội An. Đó không hoàn toàn là chỉ dấu để các địa phương khác làm theo.

"Chúng ta không thể cấm cản các cộng đồng cư dân nhỏ, thực hành việc làm thịt chó, ăn thịt chó lâu năm khi luật chưa đề cập. Mà kể cả sau này làm luật thì cũng phải có lý, có nền tảng phân tích chứ không phụ thuộc vào tâm lý, nhận thức của một nhóm cộng đồng cư dân mà bỏ qua quan điểm, thực hành của các nhóm khác", ông Biền nhấn mạnh.

Chuyên gia văn hóa này cũng phân tích, thực tế nhiều người theo Phật giáo không ăn thịt chó. Bởi, với nhà Phật, năm con vật tuyệt đối không được ăn thịt...

"Người theo đạo Phật tuyệt đối tránh ăn thịt chó. Tuy nhiên, đó là vấn đề đức tin của cộng đồng người theo đạo Phật. Cũng như, những cộng đồng cư dân ở Ấn Độ hay một số tộc người không ăn thịt lợn, thịt bò… Việc này chỉ được thực hành với lòng tin của cộng đồng ấy, cộng đồng khác với niềm tin khác không phải và không thể thực hiện theo"- Ông Biền phân tích.

Ông Biền cũng hiểu sự nóng lòng của các tổ chức phúc lợi động vật. Song, theo nhà nghiên cứu văn hóa này, việc vận động không nên ăn thịt chó mèo không thể giải quyết bằng văn bản hành chính. Cách tiếp cận này chắc chắn không thể thành công nếu không kiên nhẫn thay đổi nhận thức cộng đồng.

"Vấn đề này cần thời gian và cần tiếp cận ở chiều hướng tôn trọng quan điểm của nhau, tránh gây ra những tranh cãi không cần thiết, gây chia rẽ. Và trong thời gian ấy, mọi công dân vẫn cứ làm theo chính kiến của mình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật", ông Biền bình luận.

Muốn bỏ thịt chó mèo phải đối thoại với dân

Cùng quan điểm cần đồng thuận của dân, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ với PV Dân trí: "Hội An muốn ngừng tiêu thụ thịt chó mèo, thành phố phải đối thoại với dân. Người dân có nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài những người ủng hộ, thành phố cần lắng nghe cả những ý kiến phản đối và lý do họ phản đối.

"Hội An phải lắng nghe, chia sẻ sâu sát mới có thể ra luật, thông tư, hay quy chế khả thi. Quy chế chỉ khả thi khi hợp với lòng dân. Lòng dân thuận thì Hội An sẽ thắng lớn trong việc ngừng tiêu thụ thịt chó mèo."

Có nên học Hội An nhân rộng việc nói không với tiêu thụ thịt chó mèo? - 1

Thịt chó là món ăn được nhiều người Việt ưa chuộng, coi là đặc sản. (Ảnh: Toàn Vũ)

Bà An nêu quan điểm: "Tôi thấy động thái của Hội An rất đáng hoan nghênh. Nhưng chuyện ăn thịt chó mèo là thói quen lâu đời. Nhiều người coi đó là món "khoái khẩu" nên mong muốn ngừng tiêu thụ thịt chó mèo của chính quyền thành phố sẽ cần nhiều thời gian".

Theo bà An, Hội An cũng cần đánh giá tác động xã hội của việc ngừng tiêu thụ thịt chó mèo. Bởi không chỉ là món ăn được nhiều người ưa thích, nuôi chó lấy thịt hay kinh doanh thịt chó mèo là nghề của nhiều người dân.

Nên, bên cạnh việc vận động người dân, hộ kinh doanh, Hội An cũng cần tìm những giải pháp liên quan tới sinh kế của nhóm đối tượng này.

Khi được hỏi về việc năm 2018, UBND TP Hà Nội cũng ra văn bản có nội dung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức tiến tới từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo, hiện tại, bà thấy tình hình tiêu thụ thịt chó mèo ở Hà Nội có giảm không, bà An chia sẻ: "Hà Nội vận động giai đoạn đầu tốt. Song hiện tại, tôi thấy các cửa hàng, các chợ đều có bán nên tôi thấy không khả thi lắm. Tuy cũng hạn chế được bớt một chút nhưng chưa được mong muốn như lãnh đạo Thành phố".

Trước đó, ngày 10/12, thành phố Hội An đã trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ký kết hợp tác "xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại" với tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật Four Paws.

Theo đó, Hội An và Four Paws dần tiến tới xây dựng kế hoạch hoàn thiện, cụ thể hóa việc thực hiện thỏa thuận hợp tác.

Thành phố cũng khẳng định, thành phố sẽ thực hiện văn bản trên dựa trên tinh thần vận động các hộ kinh doanh thịt chó mèo cũng như người dân. Thành phố không cấm cản người dân ăn thịt chó mèo, hay các hộ kinh doanh kinh doanh thịt chó mèo.