Cỏ Mềm chung tay phục hồi rừng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Trong khuôn khổ dự án Rừng An Lành 2024, Cỏ Mềm tài trợ hàng nghìn cây giống, chung tay cùng người dân địa phương trồng - phục hồi rừng đầu nguồn, góp phần giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu tại tỉnh Sơn La.
Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng tại tỉnh Sơn La
Xã Chiềng La, huyện Thuận Châu nằm ở phía tây của tỉnh Sơn La, có dân số chủ yếu là đồng bào thiểu số, hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp.
Những năm gần đây, Chiềng La phải gánh chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, khi thường xuyên xảy ra các hiện tượng mưa đá, lũ quét, hạn hán kéo dài… gây thiệt hại cho mùa màng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Đỉnh điểm là mùa khô năm 2023, có 5 tháng liên tiếp không có mưa, khiến một số bản phải mua nước ngọt với giá rất cao để sinh hoạt.
Biến đổi khí hậu có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến tình trạng này là việc rừng và độ che phủ rừng ở địa phương đang ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng.
Khi rừng bị phá hủy, không chỉ làm tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở trong mùa mưa, gây hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô, mà chất lượng nước cũng bị suy giảm, đục và ô nhiễm hơn do mất đi lớp thảm thực vật có tác dụng lọc tự nhiên. Rừng là những kho lưu trữ carbon tự nhiên khổng lồ, giúp giảm nồng độ CO2, nên khi rừng bị phá hủy, hiện tượng hiệu ứng nhà kính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu cũng sẽ tăng cao.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, ảnh hưởng đến lượng mưa và giữ lại độ ẩm, giúp duy trì môi trường sống ôn hòa hơn và giảm thiểu sự biến đổi nhiệt độ. Ngoài ra, rừng còn cung cấp một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật. Sự đa dạng sinh học này giúp tăng cường sức đề kháng của hệ sinh thái đối với các tác động của biến đổi khí hậu,...
Phục hồi rừng - phục hồi nguồn sống
Rừng là cuộc sống của người dân địa phương. Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của con người. Vì thế, công tác trồng rừng, phục hồi rừng và tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và nguồn nước, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với người dân tại Thuận Châu nói riêng và Sơn La nói chung là rất quan trọng.
Năm nay, với vai trò là thành viên chính thức của VB4E - Liên minh các doanh nghiệp hành động vì môi trường và bảo tồn các giá trị thiên nhiên, do IUCN - Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế khởi xướng, Cỏ Mềm đồng hành cùng Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD triển khai dự án Rừng An Lành by Cỏ Mềm - Phủ xanh 2ha rừng đầu nguồn với hơn 2.000 cây xanh tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La với thông điệp "Trồng rừng xanh, sống an lành".
Chiến dịch trồng rừng diễn ra trong tháng 7/2024 với sự tham gia của hàng trăm người, bao gồm cán bộ của UBND xã Chiềng La, lực lượng Đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã Chiềng La, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, cán bộ SRD, cán bộ nhân viên công ty Cỏ Mềm và nhiều người dân địa phương tham gia hưởng ứng.
Hoạt động trồng rừng được triển khai với 2 giai đoạn, kéo dài trong nhiều ngày. Giai đoạn 1, khảo sát hiện trường trồng rừng, tổ chức phát thực bì, tập huấn kỹ thuật phục hồi rừng đầu nguồn và giai đoạn 2 là triển khai trồng 2ha rừng hỗn loài.
Chiến dịch Rừng An Lành by Cỏ Mềm được đánh giá là một mô hình mới mẻ, kỳ vọng hiệu quả cao bởi có sự chung tay, đồng lòng của chính quyền địa phương - đơn vị bảo trợ chuyên môn - người dân địa phương. Từ đó, thành công của dự án không chỉ là việc tổ chức trồng rừng hiệu quả, mà còn nằm ở việc thay đổi được tư duy, nhận thức của người dân - bộ phận nắm vai trò quan trọng trong việc quyết định sự sống còn của những cánh rừng.
Bên cạnh đó, dự án còn đặc biệt triển khai mô hình nông lâm kết hợp - lấy ngắn nuôi dài - khi cây nông nghiệp và cây lâm nghiệp được trồng xen kẽ với nhau để tối ưu hóa việc sử dụng đất và các nguồn tài nguyên. Bài toán sinh kế của người dân địa phương cũng được giải quyết. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia tích cực của bà con trong việc trồng, chăm sóc và quản lý cả cây nông nghiệp và cây lâm nghiệp. Sự tham gia này giúp tăng cường kiến thức và kỹ năng canh tác bền vững, đồng thời tạo ra sự cam kết và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Khi tham gia dự án, chị Quàng Thị Phượng - Bí thư Đảng Ủy xã Chiềng La chia sẻ: "Đây thực sự là một chương trình rất ý nghĩa với xã và bà con. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giám sát, phát triển thành mô hình này thành mô hình điểm, để nhân rộng trong thời gian tới".
Thông tin chi tiết về dự án, tìm hiểu tại website: https://comem.vn/