Những cô gái khốn khổ "mang tội" vì sắp 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Sau 2 năm trở về quê sống chung với bố mẹ, Zhao thấy mối quan hệ của cô với gia đình ngày càng bị rạn nứt và không được chào đón vì ở tuổi 27 cô vẫn chưa lập gia đình.

Tốt nghiệp đại học, Zhao Junru muốn được tự do lập nghiệp ở thành phố lớn. Nhưng rồi cô quyết định về quê nhà ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung của Trung Quốc.

Là con gái duy nhất trong gia đình, cô thấy mình cần có trách nhiệm sống gần cha mẹ đã già. Tuy nhiên chỉ sau 2 năm, mối quan hệ của cô với cha mẹ gần như sụp đổ. Mọi thứ trở nên tệ hơn, cô không còn được chào đón trong mái ấm nữa. 

"Tôi và cha mẹ không còn thân thiết. Họ đối xử như thể tôi đang phạm sai lầm lớn vì chưa lấy chồng. Điều này khiến cuộc sống của tôi căng thẳng, ngột ngạt", Zhao tâm sự.

Những cô gái khốn khổ mang tội vì sắp 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng - 1
Hai phụ nữ xem thông tin cá nhân của nam giới trong một sự kiện mai mối diễn ra tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông (Ảnh: An Dong/VCG).

Trong mắt cha mẹ Zhao, con gái họ sống ích kỷ vì không chịu cưới chồng và thường xuyên từ chối những buổi xem mắt. Nhưng Zhao khẳng định cô chưa tìm được người đàn ông phù hợp.

"Những người tôi xem mắt muốn tìm vợ, còn tôi chỉ muốn kiếm tình yêu", cô gái 27 tuổi giãi bày.

Vốn là giáo viên, Zhao thích sáng tác thơ ca, làm đồ trang sức khi rảnh rỗi. Cô muốn "nửa kia" của mình có những tính cách tương đồng. Nhưng rất khó tìm được mẫu người như vậy ở quê hương Hà Nam của cô. Bởi đa số những người có trình độ đại học trở lên lại chọn cách trụ lại các thành phố lớn sinh sống. Bởi vậy, số lượng những cô gái độc thân ngày càng gia tăng.

Sau nhiều lần "xem mặt", Zhao gần như bỏ cuộc. "Người đàn ông nào ở quê tôi từng hẹn hò đều không có điểm tốt", cô nói.

Những cô gái khốn khổ mang tội vì sắp 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng - 2
Các phụ huynh tìm kiếm bạn đời cho con trong một "chợ hôn nhân" ở công viên thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Ảnh: Tang Mingrun/VCG).

Trên thực tế, hàng triệu cô gái trẻ Trung Quốc đang rơi vào tình trạng tương tự Zhao. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn ở quốc gia này giảm kỷ lục. Nhiều người đổ lỗi, tỷ lệ hôn nhân giảm do sự thay đổi hệ giá trị. Những phụ nữ thường bị nói rằng coi trọng bản thân hơn thế hệ trước. Họ muốn dành tuổi trẻ để hoàn thiện bản thân, phát triển sự nghiệp hơn là lập gia đình.

Trên thực tế, nhiều vùng nông thôn nước này đang xảy ra hiện tượng thiếu hụt nam giới có trình độ đại học. Sự mất cân bằng giới tính xuất phát từ thái độ xã hội bảo thủ của từng gia đình. Con cái sau khi tốt nghiệp đại học, cha mẹ thường có xu hướng khuyến khích con trai lập nghiệp ở thành phố lớn, trong khi con gái thì bị gây áp lực phải về quê, kiếm các công việc trong nhà nước để đảm bảo.

Điều này được thể hiện rõ trong nghiên cứu của Ouyang Jing, Giáo sư đến từ Đại học Tài chính và Kinh tế Giang Tây. Ông nhận thấy sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại văn phòng ở các vùng nông thôn. Ví dụ các trường học cấp huyện hầu như không có giáo viên nam trẻ tuổi.

"Tôi chỉ có một đứa con gái nên thấy an toàn hơn nếu nó ở cạnh mình. Còn nếu có con trai, tôi muốn nó sẽ ra ngoài làm ăn", Giám đốc một văn phòng tại địa phương chia sẻ quan điểm với Giáo sư Ouyang.

Và mới đây, chuyện "tìm chồng" của một cô gái 25 tuổi đến từ Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây, gây sự chú ý trong dư luận nước này. Trong đoạn video được chia sẻ, cô gái than thở về việc mình tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu của cả nước rồi đi du học Anh. Nhưng khi về quê, cô không tìm nổi "nửa kia" phù hợp về học thức, ngoại hình hay quan điểm sống.

"Toàn huyện tôi ở chỉ có 20.000 nam giới có bằng cử nhân nhưng nhiều người đã kết hôn", cô nói. Và cô cho biết, trong hoàn cảnh này thường cảm thấy "như bị mắc kẹt giữa hai thế giới".

Những cô gái khốn khổ mang tội vì sắp 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng - 3
Đám cưới theo kiểu truyền thống ở Lang Phường, tỉnh Hà Bắc (Ảnh: Chen Youzhu/VCG).

Tương tự, Hu, 26 tuổi ở Giang Tô, chịu nhiều căng thẳng do bị cha mẹ giục cưới sau khi tốt nghiệp đại học. Suốt 2 năm qua, cô liên tục được mai mối. Nhưng cô thấy những người đàn ông từng tiếp xúc đa phần "kỳ quặc". Điều này khiến cô gái trẻ bị người thân chì chiết. "Con có gì hơn người ta, có tư cách nào mà lựa chọn", là những câu cô thường phải nghe.

"Gia đình không chấp nhận chuyện tôi chưa kết hôn nên thường gây sức ép và thúc giục", cô nói.

Tháng 8 vừa qua, cô được giới thiệu 2 đối tượng được coi "khá ổn". Người thứ nhất 24 tuổi, có chút tự cao tự đại. Còn người thứ hai 27 tuổi, dường như thu hút bởi gia đình đối phương khá giả. Cuối cùng, Hu quyết định chẳng chọn lựa ai mà muốn "bình tĩnh xem mọi việc sẽ ra sao".  

Điều này khiến những người làm nghề mai mối như Zhang, 56 tuổi, thấy "đau đầu". Sống ở một huyện nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam, bà Zhang cho biết 70% khách hàng của mình là nữ, muốn kiếm bạn đời làm văn phòng nhà nước, có học vấn, tính cách dễ chịu.

Trong khi phần đông khách nam là người nông thôn, xuất thân từ gia đình nghèo, khó tìm được vợ vì không có công việc tốt.

Liu, một người làm mai mối khác ở Giang Tây, cũng vật lộn tìm cách đáp ứng nhu cầu của khách. "Các cô gái trẻ có trình độ đều muốn chồng làm nhà nước, có ngoại hình, lương tốt, có nhà và xe. Họ đang đặt yêu cầu cao quá", Liu nhận định.