Cô gái còn 1/3 lá phổi, bỏ phố về Đà Lạt xây nhà gỗ và khu vườn như cổ tích
(Dân trí) - Mộc Nhiên bỏ phố về Đà Lạt, thay đổi mọi thứ để "chữa lành" bản thân sau biến cố cuộc đời.
Phẫu thuật cắt bỏ 2/3 lá phổi phải
Một ngày đầu thu, khi mặt trời vừa lên, nắng len qua ô cửa kính căn bếp, Mộc Nhiên bắt đầu chuẩn bị bữa sáng tại nhà. "Bình yên và hạnh phúc của tôi chưa bao giờ đơn giản đến thế, là thức dậy và bước xuống bếp", cô nói.
Chim hót líu lo, khu vườn và nông trại xanh mát, căn nhà gỗ mộng mơ nằm lưng chừng đồi, tiệm cà phê nhỏ - Là thành quả của hai năm bỏ phố về Đà Lạt, tất cả đã "chữa lành" và tiếp thêm năng lượng cho Mộc Nhiên.
Mộc Nhiên, tên thật là Nguyễn Kim Lộc, hiện sống cùng người thân tại Đà Lạt. Hai năm trước, khi đang kinh doanh tại TPHCM, cô phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe.
Những cơn ho bắt đầu xuất hiện, cơ thể chán ăn và mệt mỏi, sụt cân, cô phải dùng kháng sinh dài ngày để điều trị viêm phổi.
Nhiên được bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TPHCM) chẩn đoán viêm, xẹp và nhiễm trùng phổi, hẹp khí phế quản nặng. Cô phải đặt stent và phẫu thuật cắt bỏ 2/3 lá phổi phải.
"Tôi chưa từng nghĩ đến một ngày chỉ 5 bước chân cũng không thể đi. Cách 2-3 ngày, tôi lại nhập viện cấp cứu vì khó thở", 9X nói.
Thời gian nằm viện của Nhiên tính bằng tháng, bằng năm, bằng những đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh, bằng hàng loạt ca phẫu thuật khiến cô nhớ lại "vẫn cảm thấy kinh hoàng".
Cô trải qua 8 ca phẫu thuật, 11 lần nằm viện dai dẳng, "đã có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục sống, tuyệt vọng về mọi thứ", "đã có lúc đau đớn đến bất động". Từ một người nặng 50kg, cô sụt giảm còn 38kg.
"Tôi luôn cầu nguyện có sức mạnh để vượt qua, vì tôi chưa thật sự muốn đón nhận cái chết", Nhiên nhớ lại.
Những ngày ở bệnh viện chăm Nhiên 24/24h, anh Lạng (43 tuổi) nhận thấy nghị lực phi thường ở cô gái nhỏ nhắn.
Chỉ trong một tháng, Nhiên lên bàn phẫu thuật 2-3 lần, nhiều đêm mất ngủ vì vết thương chưa lành, đi 1-2 bước phải ngừng lại, thậm chí không thể tự làm vệ sinh cá nhân.
"Sau hai năm, tôi thấy tình trạng bệnh của Nhiên đã cải thiện 90-95%", anh Lạng nói, khuyên cô không suy nghĩ nhiều, thay vào đó sống một cuộc sống nhẹ nhàng, làm những điều mình thích, cố gắng lạc quan tập trung vào việc chữa bệnh.
Bỏ phố về quê để "chữa lành"
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, Nhiên tìm về Đà Lạt. Quyết định bỏ phố về quê, gần gũi với thiên nhiên và sự tĩnh lặng, phần nào giúp cô bình tâm và dưỡng bệnh.
Trên mảnh vườn rộng 200m2, cô cùng 2 người em học kiến trúc, tự thiết kế, cải tạo lại ngôi nhà gỗ cũ mất gần nửa năm để hoàn thiện. Cô cũng có một góc nhỏ làm mộc handmade (thủ công bằng tay), chế tạo những món đồ nội thất từ gỗ pallet, gỗ thông phục vụ nhu cầu cá nhân.
Trong khuôn viên đất, Nhiên trồng một khu vườn hơn 50 loại rau củ và cây gia vị, như: các loại bắp cải, su hào, xà lách, cải kale...; các loại hoa đa dạng như: cẩm tú cầu, cúc họa mi, hoa giấy, hoa hồng…
Tất cả được trồng theo phương pháp hữu cơ, bón phân dê và tưới nước hai lần mỗi ngày.
"Đó là khu vườn năng lượng. Tôi gieo vào đất thật nhiều mầm xanh và khu vườn cho tôi nhiều hy vọng trong hành trình "chữa lành"", Nhiên tâm sự.
Sau phẫu thuật, Nhiên chỉ còn 1/3 phổi phải, sức khỏe giảm một nửa. Trải qua những đợt điều trị, cơ thể yếu đi rất nhiều, cô không được vận động gắng sức, tuân thủ đi lại nhẹ nhàng và phải kiểm soát cảm xúc, chế độ ăn uống để tránh tình trạng bệnh xấu đi.
Cô tái khám theo chỉ định của bác sĩ hoặc những lúc người trở mệt. Dù khoảng cách từ Đà Lạt về TPHCM xa xôi, cô may mắn được các y bác sĩ nhiệt tình đồng hành.
Vượt qua chứng hoảng loạn và lo sợ giai đoạn đầu biết bệnh, Nhiên tập thiền, tập thở, tập buông bỏ và chấp nhận hiện tại, chấp nhận cơ thể bệnh tật. Mỗi ngày, cô suy nghĩ tích cực, sống lành mạnh, chú trọng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi nghiêm khắc hơn.
"Người ta nói ngoài chuyện sinh tử ra mọi chuyện trên đời đều có thể giải quyết được. Và tôi đã nhận ra điều đó, để chọn lựa cho mình một cuộc sống chất lượng và lành mạnh", cô nói.
Niềm vui mỗi ngày của Nhiên là đi loanh quanh vườn, chăm khóm cây, cắt rau củ quả ép nước cho khách đến chơi. Những lúc sức khỏe cho phép, cô làm thêm bánh, phục vụ khách tại tiệm cà phê được cải tạo từ ngôi nhà cũ có sẵn từ lâu.
"Tôi luôn lắng nghe và cảm nhận cơ thể. Khi nào không ổn, tôi lại đi nhập viện tìm bác sĩ", Nhiên chia sẻ.
Mất hơn 2 năm đi tìm lại hơi thở, 6 tháng từ ca phẫu thuật rửa phế quản gần nhất, nhiều lần đứng giữa ranh giới sinh tử, Nhiên nói trân trọng cuộc sống, yêu thương bản thân và biết ơn những cộng sự, người thân, gia đình và bác sĩ đã đồng hành.
Sau một hành trình dài đi qua, cô nhận thấy điều quý giá nhất là sức khỏe, "bởi có sức khỏe mình có thể làm mọi thứ". "Hạnh phúc của tôi là còn được thở", Nhiên tâm sự.