Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống

Hạnh Linh

(Dân trí) - Từng lập nghiệp ở thành phố, song cuộc sống chật vật, anh Phương cùng vợ quyết định về quê khởi nghiệp với nghề "cha truyền con nối", mỗi năm mang lại thu nhập gần nửa tỷ đồng.

Theo nghề, nghề không phụ

Cùng vợ phơi xong mẻ bánh đa nem dưới cái nắng hè oi ả, anh Nguyễn Viết Phương (SN 1982), thôn Phú Văn, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lau nhanh giọt mồ hôi lăn trên gò má. Trời nắng cũng là lúc những người làm bánh đa nem như gia đình anh Phương lao ra khỏi nhà để trở, lật bánh. Bánh đa nem có đều nắng mới giòn, ngon, thơm khi sử dụng.

Hơn 10 năm trước, sau nhiều đắn đo, anh Phương cùng vợ là chị Phạm Thị Nhàn (SN 1984) khăn gói về quê bắt đầu khởi nghiệp với nghề truyền thống.

Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống - 1

Anh Nguyễn Viết Phương có thu nhập ổn định từ làm nghề bánh đa nem truyền thống.

Anh Phương cho biết, ở thành phố anh làm nhân viên công ty viễn thông, còn vợ anh làm cho một công ty xây dựng. Mức lương của vợ chồng tương đối ổn định song chi phí ở thành phố lớn, khiến cuộc sống của vợ chồng anh luôn xoay vần "cơm áo gạo tiền".

Khi có ý định về quê, vợ anh ra sức khuyên ngăn bởi ở thời điểm đó, những người trẻ không ai muốn theo nghề "cha truyền con nối" ở quê vì công việc này luôn tất bật. Tuy nhiên, thấy được tiềm năng của ngành nghề truyền thống, vợ chồng anh đã từ bỏ phố thị về quê.

Thấy vợ chồng con trai về quê lập nghiệp, bố mẹ anh Phương vui mừng, bao kinh nghiệm làm bánh từ thời cha ông để lại được trao truyền. Chính vì thế, vợ chồng anh không gặp nhiều khó khăn cho lần khởi nghiệp đầu tiên trong đời. Đơn hàng bánh đa nem ngày càng nhiều, vợ chồng anh "ăn nên, làm ra".

Có lãi từ làm bánh, vợ chồng anh Phương mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm nhân công. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình anh có 9 lao động, gồm 4 thành viên của gia đình và 5 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. 

Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống - 2

Ngoài làm bánh đa, bánh đa nem, gia đình anh Phương còn làm miến gạo.

Bén duyên với nghề làm bánh đa nem hơn 1 thập kỷ, mỗi ngày cơ sở sản xuất Phương Nhàn của vợ chồng anh Phương làm hết 2,5 tạ gạo cho ra 2-3 vạn bánh đa nem. Bánh đa nem của gia đình được làm chủ yếu bằng gạo Q5 hoặc Khang Dân, phơi dưới ánh nắng tự nhiên nên bánh luôn có độ giòn, thơm khi sử dụng.

Được trao truyền những bí kíp riêng từ các cụ cao niên của làng nghề, cùng với kinh nghiệm bản thân có được, bánh đa nem của gia đình anh Phương cũng như bà con ở Tân Châu làm ra đến đâu cung ứng đến đó cho thị trường, có thời điểm nhu cầu sử dụng lớn, nguồn cung bánh đa nem "cháy" hàng.

Không dừng lại ở việc làm bánh đa nem truyền thống, anh Phương quyết định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất miến gạo. Theo anh Phương, miến gạo cũng là nghề truyền thống có từ thời ông nội, song do không có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị nên bố mẹ anh bỏ bẵng.

Sau bao quyết tâm khôi phục lại nghề miến truyền thống, miến gạo của gia đình anh Phương được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống - 3

Bà Lê Thị Tình (60 tuổi) đang có việc làm ổn định, thu nhập khá từ việc làm thuê ở xưởng sản xuất bánh đa nem Phương Nhàn.

"Mỗi năm trừ hết chi phí, số tiền lãi từ làm bánh đa nem, làm miến của gia đình thu về gần nửa tỷ đồng. Đúng là theo nghề, nghề chẳng phụ, số tiền từ làm bánh giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn", anh Phương vui mừng chia sẻ.

Những trăn trở nơi làng nghề

Nói về những khó khăn khi làm nghề truyền thống, anh Phương cho biết, việc sản xuất bánh đa ở đây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nhất là ở khâu phơi. Theo anh Phương, mọi công đoạn làm bánh đều có thể thực hiện bằng máy, kể cả việc phơi cũng có thể thay thế bằng máy sấy, tuy nhiên sấy bằng máy, bánh sẽ không có độ thơm, giòn như phơi bằng ánh nắng tự nhiên.

Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống - 4

Sản xuất liên tục, song nhiều thời điểm, bánh đa, bánh đa nem nơi đây không đủ phục vụ nhu cầu của thị trường.

"Không có nơi phơi, hầu hết người dân mang lên trên đê sông Chu, sân nhà văn hóa hoặc phơi ven đường nội đồng... Việc phơi bánh như thế rất bất tiện và khó khăn nếu như thời tiết bất ngờ mưa, gió. Gia đình tôi cũng như mong muốn của bà con làng nghề là có một khu sản xuất bánh đa nem tập trung", anh Phương tâm sự.

Anh Quang, chủ cơ sở sản xuất bánh đa Quang Thu, thôn Đắc Châu 1, xã Tân Châu cũng mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện quy hoạch làng nghề, hỗ trợ xây dựng hệ thống nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Châu cho biết, nghề làm bánh đa, bánh đa nem ở Tân Châu là nghề truyền thống với tuổi đời hơn 300 năm. Hiện địa phương có khoảng 220 hộ làm bánh đa, bánh đa nem; 12 hộ làm cơm cháy; một cơ sở làm miến. Trung bình mỗi năm, người dân ở Tân Châu tiêu thụ gần 2.000 tấn gạo phục vụ cho sản xuất. Bà con sản xuất gần như liên tục, thậm chí có thời điểm phải "chạy đua" để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ đó, các hộ gia đình tham gia làm nghề đều có thu nhập ổn định, dịp đơn hàng nhiều, thu nhập của mỗi hộ lên đến 1 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất còn tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Vợ chồng bỏ phố về quê, ung dung kiếm nửa tỷ đồng/năm với nghề truyền thống - 5

Bánh đa sau khi tráng sẽ được phơi dưới ánh nắng tự nhiên.

Hiện xã có 3 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) gồm bánh đa vừng, miến và cơm cháy. Tuy nhiên, qua đánh giá, việc sản xuất tại làng nghề ở Tân Châu đang gặp nhiều khó khăn như: Diện tích sản xuất của các hộ chật hẹp, chưa có khu sản xuất riêng mà vẫn sản xuất xen khu dân cư. Sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ cần một vài ngày mưa là việc sản xuất của nhiều gia đình bị chững lại bởi người dân không thể phơi bánh. Việc đầu tư máy móc cũng bị hạn chế vì không có diện tích để mở rộng.

"Trước những khó khăn trên, xã đang quy hoạch khu vực làng nghề sản xuất tập trung có diện tích khoảng 6ha, song cái khó của xã là chưa có nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng", ông Vũ Đình Dũng nói.