Cô dâu Quảng Ninh thức trắng đêm vì hàng xóm lái ô tô đâm nát cổng cưới

Hồng Anh

(Dân trí) - Chiếc cổng cưới trang trí hoa và nhiều phụ kiện lung linh, 2 lần bị hàng xóm lái xe tông vào, khiến chị L. đứng ngồi không yên.

Hành động bất ngờ của con trai hàng xóm

Gần một tuần sau đám cưới, chị N.L. (ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) vẫn cảm thấy bất an khi kể lại sự việc đáng tiếc khiến ngày vui của chị kém trọn vẹn. Chị L. là chủ nhân đám cưới gây xôn xao trên mạng những ngày qua.

Trước đó, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh ô tô tông đổ cổng hoa cưới khiến nhiều người bức xúc. Nhiều bình luận cho rằng hành động của tài xế ô tô là không thể chấp nhận vì làm ảnh hưởng đến ngày trọng đại của người khác.

Kể lại sự việc, chị L. cho hay, ngày 31/10, gia đình chị thuê đơn vị dịch vụ cưới về dựng rạp để chuẩn bị cho đám cưới diễn ra ngày 2/11.

Không gian trong nhà có hạn, vì vậy bố mẹ chị quyết định dựng rạp ngoài ngõ, đoạn ngõ này chỉ có 3 nhà chung sống (nhà chị L., nhà cụ K. và một nhà cuối ngõ). Gia đình ở cuối ngõ thường đi lối khác.

Cô dâu Quảng Ninh thức trắng đêm vì hàng xóm lái ô tô đâm nát cổng cưới - 1

Con trai hàng xóm ngồi trên ô tô tông nát cổng cưới của gia đình chị L. (Ảnh: Cắt từ clip).

Trước khi dựng rạp, bố mẹ chị đã qua xin phép cụ K. dựng rạp ngoài ngõ và được cụ vui vẻ đồng ý. Khi dựng rạp, gia đình chị cũng chừa lại một lối đi để hàng xóm di chuyển.

Tuy nhiên, sáng 31/10, ông B.H.M. (con trai cụ K., sống ở nơi khác) về thăm mẹ, đã bất ngờ điều khiển ô tô húc thẳng vào rạp cưới trước sự ngỡ ngàng của gia đình chị.

"Mẹ tôi đã nói chuyện nhỏ nhẹ xin ông M. để cho ngày cưới của tôi được suôn sẻ. Ông M. không nói gì mà tỏ thái độ khó chịu rồi đi về", cô dâu Quảng Ninh nhớ lại.

Quá bàng hoàng trước sự việc, bố mẹ chị L. bàn bạc lại và thống nhất không dựng rạp ngoài đường nữa để tránh chuyện không vui xảy ra vào ngày đón dâu.

Chiều cùng ngày, khi gia đình chị L. đang chờ đơn vị cho thuê rạp cưới tới di chuyển rạp thì ông M. một lần nữa dùng ô tô tông vào cổng cưới. Ông M. còn điều khiển cho xe đi lùi đâm vào cổng khiến chiếc cổng bị hỏng khá nặng, một bên bị gãy, rơi hết phụ kiện trang trí.

Bố chị L. chạy ra định ngăn lại nhưng sợ ô tô đâm vào người nên đành bất lực nhìn. Cụ K. không đồng tình với hành động của con trai. Bà ra sức khuyên nhủ con trai để mong con không tiếp tục phá rạp cưới nhà hàng xóm. Một lát sau, người đàn ông này mới lái xe rời đi.

Sau đó, chị L. đành báo cáo sự việc tới tổ trưởng khu phố, đại diện nhà rạp cũng trình báo sự việc tới chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương nhanh chóng tiến hành hòa giải. Ông M. đã bồi thường thiệt hại cho đơn vị cho thuê rạp cưới.

"Lễ đón dâu diễn ra vào ngày 2/11. Tôi đã thức trắng đêm vì lo lắng, tôi sợ đoàn xe dâu sẽ gặp khó dễ khi di chuyển vào lối ngõ", chị L. nói.

Theo chị L., trước đó, hai gia đình có xích mích chuyện xây dựng ngõ chung. Người đàn ông cho rằng, nhà chị L. góp tiền xây ngõ ít hơn. Tuy nhiên, thực tế, gia đình chị đã góp 4 triệu đồng, đồng thời góp công sức, mua đất bồi vào để mở rộng ngõ, thuận tiện cho 2 nhà đi lại.

Cô dâu Quảng Ninh thức trắng đêm vì hàng xóm lái ô tô đâm nát cổng cưới - 2

Chiếc cổng cưới không còn nguyên vẹn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mâu thuẫn vì chuyện dựng rạp cưới

Câu chuyện dựng rạp cưới ở lối đi chung luôn là chủ đề bàn luận sôi nổi mỗi mùa cưới. Nhiều gia đình do khuôn viên nhà chật chội, lại không có điều kiện tổ chức ở nhà hàng, khách sạn nên đành mượn tạm lối đi chung để dựng rạp. Việc này đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng không đáng có với hàng xóm.

Bàn về nội dung này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - từng chia sẻ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những gia đình có việc cần dựng rạp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. 

Cơ quan chức năng cũng có thể quy định rõ hơn về việc dựng rạp. Ví dụ: Mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được phép làm một rạp, chiều dài không quá 20m, chiều rộng không quá 5m. Vị trí dựng rạp là trên vỉa hè và một phần lòng đường đối với những tuyến đường có kích thước vỉa hè nhỏ hoặc bằng 5m.

Một phần rạp nằm dưới lòng đường tuân thủ các điều kiện sau: Phần mép ngoài cùng của rạp nằm dưới lòng đường cách mép bo của đường không quá 2m; cách mép bo đường đối diện không được nhỏ hơn 3m.

"Các gia đình khi có đám hiếu, hỷ nên lựa chọn vị trí hợp lý, an toàn để cuộc vui được trọn vẹn, không làm ảnh hưởng những người xung quanh.

Thay vì lựa chọn tổ chức đám cưới tại nhà, gia đình có thể chọn tổ chức ở trung tâm tiệc cưới, nhà hàng hay khách sạn… hoặc nếu như kinh phí không cho phép có thể lựa chọn nhà văn hóa thôn, phường để vừa có không gian rộng rãi, vừa không ảnh hưởng đến người dân xung quanh, cũng như người tham gia giao thông", luật sư đề xuất.