Sóc Trăng:
Chuyện về nữ đầu bếp "ruột thịt" coi công an như người thân của mình
(Dân trí) - Đến Công an huyện Kế Sách, chúng tôi được Thượng tá Thái Văn Đẹp (Phó Trưởng Công an huyện) kể cho nghe chuyện về dì Năm - nữ đầu bếp "ruột thịt" của đơn vị với bao ân tình sâu nặng.
Dì Phan Thị Năm năm nay đã bước sang tuổi 80 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, trò chuyện rất vui vẻ, hài hước.
Qua câu chuyện với dì, chúng tôi được biết: Dì sinh ra và lớn lên tại thị trấn Kế Sách. Dì vào làm đầu bếp cho cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Kế Sách từ những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến nay. Dì Năm xem công việc này là niềm vui của cuộc đời, xem anh em trong đơn vị như người thân ruột thịt của chính mình. Được phục vụ anh em trong đơn vị, dì như thấy khỏe hẳn ra. Vào những ngày cuối tuần không phải nấu ăn cho cơ quan, dì rất nhớ và lại vào cơ quan thăm anh em.
Dì Năm lập gia đình từ trước năm 1975 và có một người con trai. Chồng mất sớm, dì ở vậy nuôi con trong khó khăn. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, không có đất đai sản xuất nên cuộc sống của 2 mẹ con rất vất vả. Sau ngày miền Nam giải phóng, dì Năm được nhận vào làm cấp dưỡng cho Công an huyện Kế Sách, còn con trai của dì phải phiêu bạt làm thuê sinh sống và ở lại mãi với vùng đất Quảng Trị thừa nắng, thiếu gió, để người mẹ già một mình ở quê nhà.
Tâm sự với chúng tôi, dì Năm nói: “Hồi đó thương con cháu lắm mà không giúp được gì cả, phận mình nghèo khó đành phải để cho con cháu ở ngoài miền Trung sinh sống. Còn dì ở đây đã có anh em Công an huyện làm nhà cho ở và lo lắng, chăm sóc khi ốm đau, bệnh hoạn. Ơn này dì nhớ mãi suốt đời”.
Thượng tá Thái Văn Đẹp cho biết: “Dì Năm vào làm đầu bếp cho đơn vị đã mấy chục năm, qua 7 thời kỳ Trưởng Công an huyện cho đến nay. Dì Năm rất nhiệt tình với công việc của mình. Bữa cơm cho anh em trong đơn vị, dì rất chu đáo, đảm bảo vừa no, vừa ngon, hợp vệ sinh, luôn thay đổi thực đơn thường xuyên và có sáng tạo khi chế biến món ăn hợp khẩu vị của anh em. Thậm chí, dì còn biết quan tâm tới sở thích, sức khỏe của mỗi người để có bữa cơm phù hợp với anh em. Bếp ăn của đơn vị chúng tôi được cấp trên kiểm tra nhiều lần và luôn đánh giá là bếp ăn đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, sức khỏe anh em được đảm bảo, phục vụ tốt cho công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”.
Cũng từ sự chu đáo của dì Năm nên nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Kế Sách đã xem dì như là người thân ruột thịt của mình.
Thượng tá Đẹp cho biết, khi dì Năm tới tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo ngành cho dì nghỉ và không hợp đồng lại. Nhưng cơ quan thấy dì ở một mình, con cháu ở xa, không có việc làm thì cuộc sống của dì sẽ khó khăn hơn, nên lãnh đạo đơn vị bàn bạc và tiếp tục hợp đồng lại với dì Năm. Mỗi tháng đơn vị trả tiền lương cho dì, bên cạnh đó, hỗ trợ dì mỗi ngày mấy chục ngàn đồng nữa để dì yên tâm công tác, phục vụ tốt cho anh em trong đơn vị.
“Bây giờ, anh em chúng tôi xem dì Năm như người thân của mình, lo lắng cho dì mỗi khi trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật. Thấy dì nhà cửa chưa có nên đơn vị đã vận động xây cho dì một ngôi nhà khá khang trang. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động đóng góp mua bảo hiểm nhân thọ cho dì được mấy chục triệu đồng. Sau khi hết hợp đồng, số tiền đó chúng tôi gửi vào ngân hàng, đề xuất lãnh đạo chính quyền xin cho dì một phần đất trong nghĩa trang để lo hậu sự. Khi dì trăm tuổi, cơ quan chúng tôi sẽ đứng ra lo mọi việc cho dì Năm như chính người thân, người trong đơn vị của mình”, Thượng tá Đẹp chia sẻ.
Đại tá Phạm Quốc Việt (nguyên Trưởng Công an huyện Kế Sách, nay là Trưởng Công an TP Sóc Trăng) bày tỏ: “Các đồng chí từng làm lãnh đạo Công an huyện Kế Sách, sau khi chuyển sang đơn vị mới, giữ chức vụ mới cao hơn vẫn luôn nhắc nhở anh em trong đơn vị phải chăm lo cho dì Năm, bởi dì là người đã hết mình vì những bữa cơm, vì sức khỏe của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị của mình”.
Từ ân tình của anh em trong Công an huyện Kế Sách, dì Phan Thị Năm nói với chúng tôi: “Mình nấu cơm cho anh em trong đơn vị vui lắm. Tâm nguyện của dì là được phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan cho đến hết đời mình. Bởi từ lâu dì xem các chiến sĩ công an là người thân của mình”.
Cao Xuân Lương