Chuyện tình cựu thuyền phó tàu không số, nên duyên từ chiếc kẹp tóc
(Dân trí) - Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cựu thuyền phó tàu không số Hồ Thăng Nhuận tròn 101 tuổi. Ngày ngày, ông vẫn cùng bà ôn lại những kỷ niệm đẹp của chuyện tình ghép lại từ hai "mảnh vỡ" trong chiến tranh.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nhuận nằm trong con ngõ phố "nhà binh" Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Căn nhà luôn rộn ràng khi hàng xóm thường lui tới chuyện trò. Ông kể, ngày Tết, càng thêm đông vui khi gia đình có 4 người con, 10 người cháu về sum vầy.
Ông Nhuận vẫn giữ những nét văn hóa Tết miền Bắc như một cách thể hiện tình cảm với người vợ kém mình 16 tuổi. Bà Nguyễn Thị Diễn rời "quê hương 5 tấn" Thái Bình theo chồng vào miền Trung nắng gió.
Bén duyên nhờ chiếc kẹp tóc
Ông Nhuận là cựu thủy thủ đoàn tàu không số, từ 1963 đến 1967. Trong 7 lần làm thuyền phó, ông đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Sau đó, ông được rút về Cục Đường sông (Bộ Giao thông Vận tải), đảm nhận đi rà phá bom từ trường do máy bay Mỹ rải xuống miền Bắc.
Hiểu biết về khí tài, ông nghĩ ra cách đóng từng bè chuối, đục lỗ xuyên qua để xỏ dây lạt, phía dưới bè đan rọ bỏ cuốc, lưỡi cày (đồ kim loại), sau đó huy động nhân lực kéo song song hai bên bờ sông. Bom từ trường gặp kim loại thì phát nổ.
Cấp trên thấy sáng kiến hiệu quả nên điều ông về xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đó cũng là cơ duyên ông gặp bà Diễn.
Bà Diễn khi đó là hoa khôi của làng Thái Thượng, tính tình nết na nên được nhiều trai làng để ý. Thậm chí, bà đã có giao ước với một chàng trai ở gần nhà. Nhưng rồi chàng trai ấy cũng lên đường vào miền Nam kháng chiến và gia đình người này nhận tin báo tử.
Bà Diễn lúc đó đau buồn, quyết định ở vậy để giữ trọn lời hẹn ước. Hàng ngày, ngoài công việc dạy học, bà tình nguyện tham gia vào tổ rà phá bom mìn của địa phương.
Ông Nhuận là người nghiêm khắc trong công việc. Có lần dù ông đã hướng dẫn rất tỉ mỉ kỹ thuật phá bom, nhưng bà Diễn sơ suất, khiến một quả bom phát nổ bất ngờ, làm bà ngất lịm đi. Ông Nhuận chăm sóc bà chu đáo nhưng khi bà vừa tỉnh lại, ông mắng tơi tả.
Để tránh bom từ trường phát nổ, trước lúc làm nhiệm vụ, ông Nhuận thu hết kẹp tóc kim loại của chị em, xong việc thì trả lại. Nhưng có lần khi vừa về cơ quan ở Hà Nội, ông nhận thư của bà Diễn, nhắc chuyện "bác chưa trả kẹp tóc cho cháu".
Lục tìm trong túi áo thấy chiếc kẹp tóc nhỏ, ông Nhuận tức tốc đạp chiếc xe đạp Thống Nhất vượt hơn 100km từ Hà Nội về Thái Thượng để trả kẹp tóc cho bà Diễn. Hai người lần đầu nói chuyện riêng và đồng ý trao đổi thư tay.
Ghép lại hai "mảnh vỡ"
Bà Diễn kể, lần đầu gặp ông Nhuận, bà không mấy ấn tượng vì ông có nước da ngăm đen, người cao gầy, giọng Quảng khó nghe. Do kém ông hơn một giáp (16 tuổi) nên bà thường gọi bằng "bác", xưng "cháu".
Những lá thư gửi đi được hồi âm đều đặn, cả hai dần hiểu nhau hơn. Thế nhưng mỗi người đều có nỗi niềm riêng. Bà Nhuận đã có hẹn ước với một chàng trai (sau này, gia đình người này nhận giấy báo tử).
Ông Nhuận cũng dè dặt trong chuyện tình cảm, vì đã có một đời vợ ở Đà Nẵng, chiến tranh chia ly, nhiều năm mất liên lạc nên không rõ tin tức.
Thay vì biểu lộ tình cảm, ông Nhuận chọn cách thể hiện sự quan tâm. Biết gia cảnh bà Diễn nghèo, bà không có xe để đi dạy, ông Nhuận kiếm cớ "gửi nhờ" một chiếc xe đạp. Bà Diễn hiểu được ngầm ý nên đã thẳng thừng từ chối. "Tôi nói với ổng không cho gửi, lỡ mất không có đền", bà cười xòa nói về lý do.
Những cánh thư vẫn đều đặn được gửi giữa hai chiều Hà Nội - Thái Bình. Rồi chuyện của hai người cũng được gia đình ủng hộ. Ở tuổi 27, cô "cháu" miền Bắc dần chấp nhận tình cảm của "bác" Nhuận.
Biết tin bà Diễn lấy ông Nhuận, nhiều trai làng buông lời dèm pha. Bà Diễn bỏ ngoài tai, vì tin ông chính là mảnh ghép cho tương lai của mình. Cuối năm 1969, đám cưới của ông bà tổ chức giản đơn, không váy hoa, không họ hàng nhà trai, không sính lễ, chỉ có vài người gia đình nhà gái, đồng nghiệp của ông Nhuận. Tiệc mừng là nước chè xanh, thuốc lá và chút bánh kẹo.
Sau đêm tân hôn, ông Nhuận lại lên Hà Nội làm nhiệm vụ. Mỗi dịp được nghỉ phép, ông về thăm vợ. Năm 1970, bà Diễn sinh con gái đầu lòng nhưng ông Nhuận đi biền biệt với những chuyến công tác.
Thời gian sau, ông Nhuận nhận nhiệm vụ công tác ở Cục Đường biển, phụ trách lái tàu cho đến khi ông nghỉ hưu, về nhà chăm lo cho gia đình.
"Tôi chọn các con tôi!"
Những ngày hạnh phúc yên bình không dài. Khi bà sinh con thứ ba, chàng trai từng hẹn ước trước đó bỗng trở về. Nghe tin bà đã lấy chồng, ông tìm đến thăm và ngỏ ý muốn "nối lại tình xưa". Biết không thể tránh mặt mãi, bà chọn cách đối diện.
"Ông ấy bảo chấp nhận thực tại để đón tôi và ba đứa con về cùng chung sống. Ông ấy khuyên tôi đừng theo ông Nhuận về Đà Nẵng, nói tôi vào miền Trung sẽ khổ. Nhưng tôi không đồng ý, quả quyết rằng nếu bỏ ông Nhuận thì tôi bỏ cả hai người. Tôi sống vậy, nuôi con tôi thôi", bà Diễn kể.
Biết không thể lay chuyển, người đàn ông nói sẽ ở vậy, không lấy vợ, để phụ giúp bà nuôi con. Bà Diễn trân trọng tình cảm của người từng hẹn ước dành cho mình, nhưng vẫn tìm mọi cách từ chối.
Bà cũng đứng ra mai mối cho ông cho một cô giáo viên. "Ông ấy không chịu, nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm vào thời điểm đó", bà Diễn nói.
Ông Nhuận cũng đứng ra gặp mặt người từng có giao ước với vợ mình. Nhớ lại câu chuyện hơn 40 năm trước, ông Nhuận cười tủm tỉm: "Tôi nói với cậu ấy là gạo đã nấu thành cơm rồi". Hai người đàn ông thống nhất với nhau "chuyện không ai mong muốn, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên đành chấp nhận". Họ cùng ăn một bữa cơm trong vui vẻ.
Năm 1979, bà Diễn theo ông Nhuận vào Đà Nẵng. Một thời gian sau, người đàn ông mới vơi đi nỗi nhớ, lập gia đình với nữ giáo viên mà bà Diễn giới thiệu.
Chuyến tàu hạnh phúc
Ông Nhuận đưa vợ con về Đà Nẵng sau 21 năm xa nhà. Còn bà Diễn cũng là lần đầu tiên được gặp mẹ chồng sau 10 năm ngày cưới. Vợ chồng ông mua mảnh đất ở quận Sơn Trà. Hàng ngày, bà đi dạy học, ông thì hết đi đánh cá lại khai hoang đất dưới chân bán đảo Sơn Trà để trồng rau.
Dù cực khổ, bà Diễn chưa một lần than vãn. Số tiền lương 56 đồng mỗi tháng từ nghề giáo viên dạy cấp 1 được bà dành dụm để nuôi 4 người con ăn học. Hiểu lòng cha mẹ, các con chăm chỉ học hành và sớm yên bề gia thất. Đến nay, con rể và cháu ngoại cũng theo binh nghiệp, làm hải quân dọc ngang bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Nhuận vẫn khỏe mạnh, minh mẫn nhờ lối sống kỷ luật. Mỗi ngày, ông đều đặn thức dậy lúc sáng sớm để tập thể dục. Còn bà sớm hôm đỏ lửa "vì ông không thích ăn hàng quán bên ngoài". Mỗi buổi chiều, cặp vợ chồng già lại cùng nhau đi bộ ven đường biển, ôn lại kỷ niệm tình yêu trải qua những thăm trầm như chuyến tàu không số đã vượt qua bao nhiêu giông bão.
Binh nghiệp cho ông Nhuận một ký ức oai hùng, nhưng cũng để lại trên khuôn mặt sạm đen những di chứng của chiến tranh. Khỏa lấp đi những vết thương thường nhói lên mỗi khi trái gió trở trời, theo ông Nhuận đó chính là có được người vợ đảm đang, hiền dịu, luôn chăm sóc, yêu thương chồng hết mực.
Có những buổi chiều, ông bà ngồi bên nhau như thuở mới yêu, chờ những đứa cháu tan học về nhà. Khi đó, ông thi thoảng kể cho các cháu về ký ức đời mình, còn bà lặng lẽ đứng nhìn chồng đầy âu yếm, nở nụ cười phúc hậu.
Tết này, họ cùng nhau kỷ niệm 55 năm ngày cưới!.