Chuyện tình chàng trai Việt nên duyên với cô gái người Mỹ nhờ… một bộ phim
(Dân trí) - Tình cờ trong chuyến du lịch Việt Nam, Hanna (người Mỹ) đọc được thông tin có một bộ phim của Canada đang tổ chức tuyển diễn viên người nước ngoài ở Cát Bà, Hải Phòng. Cô gái trẻ đã đăng ký thử vai...
Gặp nhau nhờ một bộ phim
Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) những ngày tháng 10 năm 2021 thưa vắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các quy định ngặt nghèo nhằm kiểm soát dịch bệnh đẩy nhiều vị khách vào một trải nghiệm bất đắc dĩ. Họ sống vạ vật ở phi trường từ 1 tuần đến cả tháng trời, chờ đợi các chuyến bay đến và đi.
Anh Lương Thanh Đức (36 tuổi, quê Nghệ An) cũng từng trải qua những ngày mắc kẹt ở sân bay trên hành trình hội ngộ với bạn gái người Mỹ Hanna Larsen (29 tuổi) ở xứ sở thiên đường Ecuador. Những ngày tháng đó, anh trải qua không ít khó khăn, lòng như lửa đốt khi nghĩ về người bạn gái đang sắp đến kỳ sinh nở.
Qua trò chuyện, PV Dân trí được biết, cách đây 4 năm, cảm thấy quá ngột ngạt với cuộc sống ở Mỹ, cô gái Hanna lựa chọn Thái Lan, Việt Nam là điểm đến trải nghiệm với ý định tìm hiểu xem nơi đây có thể là quê hương thứ hai của mình hay không.
Tình cờ trong chuyến du lịch Việt Nam, Hanna đọc được thông tin có một bộ phim của Canada đang tổ chức tuyển diễn viên người nước ngoài ở Cát Bà, Hải Phòng. Nhân tiện, đến Cát Bà chơi, cô gái trẻ đã đăng ký thử vai. Tình cờ tại đây, cô gặp anh Lương Thanh Đức khi đó đang làm việc cho nhà sản xuất bộ phim này.
Ấn tượng của Hanna về Thanh Đức khi đó là một chàng trai nhiệt tình có đôi mắt to, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn cho các ứng viên. Còn với anh Đức, sau lần gặp gỡ đầu tiên, Hanna lưu lại trong anh hình ảnh một cô gái xinh xắn hay cười.
Cả hai lưu Facebook của nhau và trở thành bạn bè trên mạng xã hội. Tuy nhiên, họ gần như không liên lạc, trò chuyện gì nhiều.
Trở về sau chuyến du lịch Việt Nam, Hanna chăm chỉ học tiếng Việt để chuẩn bị cho kế hoạch đến Việt Nam sinh sống. Năm 2020, khi đã có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt, cô gái trẻ quay trở lại TP. HCM năm 2020.
"Thời gian này, tôi và anh Đức bắt đầu trò chuyện với nhau nhiều hơn. Anh Đức khi ấy nói với tôi rằng đang chán cuộc sống ở miền Bắc và muốn chuyển vào miền Nam. Tôi thì lại nói với anh ấy rằng, mình đang có kế hoạch rời TP. HCM để chuyển ra Mũi Né, Bình Thuận sinh sống cho gần gũi với thiên nhiên. Nghe vậy, anh ấy liền bảo anh cũng sẽ đến Mũi Né", Hanna Larsen nhớ lại.
Cô gái cứ nghĩ chàng trai người Việt nói đùa nhưng không ngờ anh chàng này chuyển từ Hà Nội vào Mũi Né thật. Họ thuê cùng một homestay, mỗi người sống ở một khu khác nhau.
Ngoài thời gian làm việc online, họ cùng nhau chạy bộ, thăm thú các cảnh đẹp của Mũi Né. Cả hai dần phát hiện ra đôi bên có nhiều điểm chung, đặc biệt là sở thích sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên.
Tỏ tình bằng thơ nhưng "thất bại"
Khoảng vài ba tuần sau khi gặp lại cô gái Mỹ ở Mũi Né, anh Thanh Đức quyết định tỏ tình bằng một cách "rất xưa" - làm thơ.
Nhớ lại kỉ niệm đó, anh Đức tủm tỉm cười: "Biết cô ấy đang học tiếng Việt nên tôi đã làm thơ bày tỏ tình cảm của mình. Đó cũng chỉ là "thơ con cóc" thôi. Bài thơ khá ngắn, chỉ có mấy câu được viết ra trong phút cảm hứng. Kèm theo bài thơ là lời đề nghị cô ấy đi Đà Nẵng cùng tôi".
Lựa chọn cách đặc biệt để tỏ tình cô gái nước ngoài nhưng tiếc rằng anh Đức lại chưa nhận được câu trả lời đồng ý vào thời điểm đó. Về phần Hanna dù đã thấy xốn xang trong lòng nhưng cô gái này vẫn muốn có thêm chút thời gian suy nghĩ bởi chưa thực sự tin tưởng vào một tình yêu đến quá nhanh.
Tỏ tình "thất bại", chàng trai Việt ôm nỗi thất vọng, một mình tới Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản, còn Hanna Larsen tiếp tục ở lại Mũi Né. "Sau lần ấy, tôi cứ nghĩ là cả hai sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau nữa", Thanh Đức nói.
Tuy nhiên, bất ngờ sau đó đến với Thanh Đức bởi ít lâu sau, cô gái Mỹ xinh đẹp đã quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim và đến Đà Nẵng.
Từ đây, cả hai bắt đầu hành trình du lịch qua nhiều tỉnh miền Tây. Anh Đức ngày càng nhận ra nhiều điều bất ngờ ở người yêu - một cô gái sống hoàn toàn bằng hoa quả nhưng lại có thể tham gia giải chạy marathon ở Phú Quốc với cự li 42km. Hanna cảm nhận ở Thanh Đức sự chân thành, nghiêm túc, lãng mạn - những điều rất khác so với các chàng trai Mỹ mà cô quen trước đó.
"Anh ấy quan tâm tôi từ những điều nhỏ nhất. Anh hát cho tôi nghe, mua trái cây cho tôi. Và đặc biệt, anh ấy rất nghiêm túc trong mối quan hệ này, khi yêu tôi, anh ấy chỉ quan tâm đến tôi mà thôi", Hanna nói về bạn trai người Việt của mình.
Đến tháng 3/2021, cặp đôi đón nhận tin vui. Trong khi bạn gái có chút bối rối, lo lắng thì anh Thanh Đức lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Ôm Hanna trong lòng, anh động viên cô hãy coi em bé như một món quà đặc biệt, là kết tinh tình yêu của cả hai.
Khi đứa con trong bụng dần lớn lên, Hanna quyết định sẽ quay trở lại Mỹ thăm gia đình để bố mẹ cô yên tâm hơn. Tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cặp đôi buộc phải di chuyển từ Mũi Né về Nghệ An bằng xe máy.
Chặng đường đi khổ cực suốt 5 ngày giữa dịch bệnh là những kỉ niệm không thể nào quên với họ. Về đến Nghệ An, anh Đức mượn xe của anh trai để đưa bạn gái ra sân bay Nội Bài về nước.
Trước đó, bố mẹ của Hanna từng khá buồn và lo lắng vì họ sợ con gái sẽ sinh sống hẳn ở Việt Nam. Vì vậy, khi thấy con gái quay về, cả hai vô cùng vui mừng. "Thực ra, việc tôi quay về cũng nhằm mục đích để bố mẹ dần dần chấp nhận tình yêu của tôi. Nếu tôi sinh con ở Việt Nam, bố mẹ sẽ nghĩ tôi sống luôn ở đây và sẽ rất sốc", cô gái người Mỹ kể.
Không khiến bố mẹ lo lắng nhưng đổi lại, cô gái này lại phải xa bạn trai trong những ngày tháng mang thai mệt nhọc, phải đối mặt với những phút giây cô đơn, trống trải. Vì xin visa vào Mỹ là chuyện không đơn giản cặp đôi này hẹn nhau ở một nước thứ 3.
Cuộc hội ngộ ở xứ sở thiên đường
Ban đầu, cặp đôi bàn bạc sẽ gặp nhau ở Panama vì quốc gia này miễn phí visa cho người Việt. Khi mua vé máy bay, anh Đức cũng được đơn vị máy bay cảnh báo là anh có thể gặp rắc rối trên hành trình di chuyển do các quy định về kiểm soát dịch bệnh của các nước.
"Tuy nhiên, thời điểm đó tôi chấp nhận rủi ro vì bạn gái sắp đến ngày sinh nở. Tôi cũng hỏi qua Đại sứ quán Panama ở Việt Nam và họ nói rằng tôi có thể nhập cảnh được. Họ thậm chí còn gửi giúp tôi một thư giới thiệu.
Thời điểm đó, mua được vé máy bay, lại được đại sứ quán "bảo lãnh", tôi chắc mẩm mình có thể gặp bạn gái ở Panama", anh Đức nói.
Trải qua nhiều vòng phỏng vấn gắt gao, anh Đức cũng đặt chân lên chuyến bay mà anh cho rằng có thể hội ngộ bạn gái ở cách đó nửa vòng trái đất. Tuy nhiên, khi đến sân bay quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Đức nhận được câu trả lời rằng anh không thể vào Panama.
Anh Đức chờ đợi ở sân bay 2 ngày để kết nối, giải quyết các thủ tục. Sau 2 ngày ăn ngủ ở sân bay, người đàn ông này mới lên được chuyến bay tới Panama.
Tuy nhiên đến sân bay Panama chưa đầy nửa tiếng thì anh được nhân viên sân bay dẫn sang một máy bay khác để trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. "Họ không nói tiếng Anh, chỉ nói tiếng Tây Ban Nha nên tôi không hiểu lý do vì sao mình bị trả về. Ngôn ngữ bất đồng, tôi đành chịu nghe theo.
Trở về Thổ Nhĩ Kỳ, tôi lại tiếp tục mắc kẹt ở đây 5 ngày. Thời điểm đó, muốn trở về Việt Nam rất khó khăn, nhiều người Việt chờ đợi ở sân bay hơn 20 ngày trời cũng không thể về nước. Tôi may mắn hơn chỉ phải chờ 5 ngày bởi thuộc diện không nơi đâu tiếp đón".
Khoảng thời gian 5 ngày vạ vật ở sân bay với anh Đức thực sự mệt mỏi và chán nản. Đó là những đêm trằn trọc gần như thức trắng chiếc ghế chật hẹp, là những ngày trời rét buốt đứng ngóng chờ tin hãng bay, những bữa ăn bỏ dở không thể nào nuốt trôi vì khác khẩu vị… "Tổng cộng tôi mắc kẹt ở sân bay 7 ngày sau đó lại quay về công cốc, tiêu tốn không ít tiền của", anh Đức nhớ lại.
Sau này đến tháng 1/2022, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, anh Đức xin visa vào Peru để qua nước này nhập cảnh vào Ecuador - đất nước được bạn gái chọn làm nơi sinh và nuôi dưỡng con gái của họ những năm tháng đầu đời. Cuộc sống nơi đây trong lành, hòa vào thiên nhiên.
Trải qua nhiều gian nan, hiện tại, cặp đôi cùng cô con gái nhỏ đang tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc ở đất nước Ecuador xinh đẹp.
Họ dự định sẽ sinh sống ở đây một thời gian, khám phá đất nước này cùng các quốc gia Nam Mỹ trước khi trở về Việt Nam.
Ảnh: Hanna Larsen