Chuyện thuê người yêu ngày Tết “làm nóng” mạng xã hội Trung Quốc
(Dân trí) - Tết âm lịch không phải là dịp vui vẻ và dễ chịu cho tất cả mọi người. Đối với rất nhiều người độc thân ở Trung Quốc, dịp Tết của gia đình, đoàn viên, sum họp này đem lại cho họ nhiều nỗi lo hơn là niềm vui.
Tết âm lịch không phải là dịp vui vẻ và dễ chịu cho tất cả mọi người. Đối với rất nhiều người độc thân ở Trung Quốc, dịp Tết của gia đình, đoàn viên, sum họp này đem lại cho họ nhiều nỗi lo khi gia đình, họ hàng, làng xóm trong lúc “trà dư tửu hậu” đều lấy chuyện “phòng không” của họ ra làm chủ đề bàn tán, khuyên nhủ, dạy bảo…
Văn hóa của Trung Quốc đề cao giá trị gia đình, vì vậy, việc yên bề gia thất được coi là một trong những việc trọng đại nhất cần được ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời mỗi người. Nam nữ đến tuổi lập gia đình mà mãi vẫn “ì ra” bị gắn đủ thứ biệt danh không lấy gì làm đẹp đẽ. Chính vì áp lực quá lớn này mà từ bao năm nay người ta đã nghĩ ra một giải pháp “chữa cháy”.
Nam nữ “phòng không” muốn yên lành trải qua mấy ngày Tết có thể tìm đến dịch vụ thuê người yêu tạm. Những ngày này trên mạng xã hội Trung Quốc, những đăng tải cần thuê người yêu “thời vụ” hoặc những quảng cáo sẵn sàng “cung cấp dịch vụ” đang ngập tràn. Mức phí cho dịch vụ này tối thiểu ở mức 1.000 tệ/ngày “ra mắt” (gần 3,4 triệu đồng/ngày).
Tờ tin tức buổi tối Kim Lăng cho biết mức phí thuê người yêu “thời vụ” để ra mắt dịp Tết trong những năm gần đây càng lúc càng trở nên đắt đỏ khi “cầu vượt cung”. Một người đàn ông giấu tên chuyên đóng giả làm người yêu của các cô gái để ra mắt gia đình chia sẻ với hãng tin Tân Hoa rằng Tết âm lịch là mùa cao điểm “chạy sô” của anh.
Thường những quảng cáo dịch vụ được đăng tải trên mạng xã hội bởi chính bản thân “người đóng thế” bởi hiện nay chưa có công ty nào được cấp phép hoạt động để đáp ứng nhu cầu có thật này trong xã hội Trung Quốc. Những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp luôn có những quy định chi tiết đặt ra ngay từ đầu để thỏa thuận với “người mua dịch vụ”.
Chẳng hạn một cô gái cung cấp dịch vụ làm bạn gái thuê sẽ quy định rõ ràng về những tiếp xúc thân thể được cho phép, họ có thể giả vờ cầm tay, ôm, nhưng sẽ không hôn, không uống rượu trong “ngày ra mắt”.
Áp lực lập gia đình, sinh con đẻ cái là một áp lực có thật tồn tại trong đời sống xã hội Trung Quốc. Người ta có hẳn một từ để dành riêng cho những phụ nữ đã “dừ” mà vẫn chưa lập gia đình, đó là “thặng nữ” để chỉ những người phụ nữ “ế”.
Những tờ tin tức, tạp chí trong những ngày cuối năm cũng liên tục thực hiện những bài báo viết về các “thặng nữ” cùng dịch vụ thuê người yêu “dùng tạm” mấy ngày Tết. Đây dường như đã trở thành một đề tài “truyền thống” trong dịp Tết âm lịch của báo chí Trung Quốc.
Trước hiện tượng này, nhiều tờ báo nước ngoài, bao gồm cả phương Tây, cũng đều đặn đưa tin bài về đề tài này, đơn giản bởi họ quá xa lạ với áp lực lập gia đình mà nhiều “thặng nữ”, “thặng nam” Trung Quốc đang phải đối mặt và cách mà những người này đang phải vật vã xoay xở để yên lành trải qua mấy ngày Tết.
Quan niệm xã hội Trung Quốc khắt khe với các “thặng nữ” hơn “thặng nam”, thực tế, các “thặng nam” cũng đau khổ không kém. Hãng tin Tân Hoa từng chỉ ra hồi năm 2015 rằng hiện tại có tới hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc ở tuổi ngoài 20-30 vẫn đang chịu cảnh “phòng không”, và Trung Quốc từ lâu đã được biết tới là đất nước “thiếu nữ, thừa nam”.
Đàn ông Trung Quốc đến tuổi lập gia đình mà mãi vẫn chưa “động tĩnh” bị gắn mác “quang côn” nghĩa nôm na là cành khô, không sinh ra cành nhánh, không bói quả, giống như người đàn ông đang đứng trước nguy cơ không thể thêm hậu duệ vào cây gia phả của dòng họ.
Tuy vậy, dù sao nam giới Trung Quốc vẫn phải chịu ít áp lực hơn nữ giới trong chuyện lập gia đình bởi họ không phải chịu áp lực nặng nề về mặt thời gian, tuổi tác, xuân sắc như phụ nữ.
Trong khi những quảng cáo “chào bán dịch vụ” xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc, thì những trang thương mại điện tử lớn nhất của nước này đã ngưng việc cho phép các cá nhân được tự đăng quảng cáo “chào hàng” dịch vụ cho thuê người yêu ngày Tết trên trang.
Cách đây vài năm, những trang thương mại điện tử này vẫn còn đăng tải rất nhiều quảng cáo kiểu như vậy, nhưng kể từ năm nay, những quảng cáo này đã bị loại bỏ vì nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại trước những biến tướng của dịch vụ “thuê tạm người yêu”.
Bích Ngọc
Theo Mashable