Chuyện thú vị về ngôi làng có đường Trinh Tiết vừa được đặt tên ở Hà Nội

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo ông Đỗ Đức Trường, Trinh Tiết là tên gọi được vua ban đặt cho tên làng, giờ được dùng để đặt tên đường sẽ giúp truyền thống của làng đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con quê hương.

Tại ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội thông qua tờ trình Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2024.

Trong số 22 tuyến đường, phố mới được đề xuất đặt tên có đường Trinh Tiết gây nhiều chú ý.

Đường Trinh Tiết (ở huyện Mỹ Đức) bắt đầu từ ngã ba giao cắt đường 419 tại Km63+700 tại cổng làng Trinh Tiết, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng đến ngã ba giao cắt đường dự kiến đặt tên "Trung Nghĩa" tại ngã ba chợ Sêu. Đoạn đường dài 540m, rộng 7,5-8m.

Chuyện thú vị về ngôi làng có đường Trinh Tiết vừa được đặt tên ở Hà Nội - 1

Đường Trinh Tiết 540m, rộng 7,5-8m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt đường 419 tại Km63+700 ở cổng làng Trinh Tiết (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đức Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng chia sẻ, các bậc cao niên và nhân dân rất vinh dự và tự hào khi tên gọi gắn với lịch sử truyền thống của làng được đặt cho tên đường.

"Trinh Tiết là tên gọi được vua ban đặt cho tên làng, giờ được dùng để đặt tên đường sẽ giúp truyền thống của làng đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con quê hương, giáo dục mỗi người gìn giữ sự thủy chung, văn hóa tốt đẹp của quê hương", ông Trường nói.

Là một người con của làng Trinh Tiết, từ lâu, ông Trường đã được nghe các bậc cao niên trong làng chia sẻ về ý nghĩa tên gọi này.

Theo đó, người làng Trinh Tiết nhiều đời luôn đề cao việc giữ gìn hạnh phúc, lòng son sắt, thủy chung của phụ nữ trong làng. Nhắc đến phụ nữ làng Trinh Tiết, người ta sẽ nhớ ngay đến những con người đức hạnh, đảm đang, khéo léo, chịu thương, chịu khó, những câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng son sắt.

Tên gọi Trinh Tiết nghe qua như thể mang nặng quan niệm xưa cũ về "cái ngàn vàng" của người phụ nữ. Nhiều người còn cho rằng, đây là tên gọi mang tính nhạy cảm.

Tuy nhiên, trên thực tế, tên gọi này có ý nghĩa sâu xa gắn với ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Đáy nổi tiếng với phiên chợ Sêu sầm uất.

Theo đó, làng Trinh Tiết thời xưa mang tên là Bối Lang, có chợ Sêu nổi tiếng khắp vùng bên sông Đáy. Dân gian gọi tên làng theo tên chợ cho dễ nhớ.

Từ xa xưa, người làng đã truyền tai nhau câu chuyện về mẹ của thành hoàng làng (tướng Bảo Công). Bà cùng chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi bà sinh hạ tướng Bảo Công thì người chồng qua đời để lại cảnh mẹ góa con côi.

Mẹ ngài là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng qua đời, có rất nhiều chàng trai đến ngỏ lời lấy bà làm vợ nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết, nhất quyết không tái giá, ở vậy nuôi con thành vị tướng tài giữ nước.

Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với bạn đời.

Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Nhà vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, nuôi con thành một vị tướng tài nên đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.

Từ truyền thuyết, tục "không tái giá" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng Trinh Tiết khiến nhiều phụ nữ thời xưa lựa chọn cuộc sống đơn thân sau khi chồng mất.

Ông Bùi Văn Thái, Trưởng thôn Trinh Tiết chia sẻ, ở làng Trinh Tiết có những phụ nữ một đời son sắt thờ chồng khi chồng không may qua đời khi ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc hay mất vì bệnh trọng.

Không có quy ước nào của làng bắt người phụ nữ hay đàn ông nào đó không được tái giá. Song dường như họ theo gương người đi trước, tình nguyện sống như vậy.

Thời nay, tục "không tái giá" mai một đi nhiều. Nhiều phụ nữ làng Trinh Tiết nếu không may phải chia ly bạn đời quá sớm đã mạnh dạn đi bước nữa để tìm người san sẻ cùng mình những nhọc nhằn trong cuộc sống.

Chị Đào Thị Mai Hoa, người làng Trinh Tiết, đồng thời là cán bộ Hội Phụ nữ xã Đại Hưng chia sẻ, khi nghe tin đoạn đường từ cổng làng đến đoạn ngã ba giao cắt ngã ba chợ Sêu được đặt tên là đường Trinh Tiết, chị cùng người làng vô cùng phấn khởi.

Theo chị Hoa, nhiều lần đi tập huấn, giao lưu với các xã bạn, chị nhận về các câu hỏi thắc mắc liên quan đến tên làng. Chị Hoa trả lời rằng, tên làng gắn với truyền thuyết về sự son sắt thủy chung, về văn hóa truyền thống của địa phương.

Vì vậy, tên gọi này được đặt cho tên đường thì càng trở nên đặc biệt. Cũng theo chị Hoa, không chỉ là câu chuyện có trong truyền thuyết mà thực tế ngày nay, phụ nữ làng Trinh Tiết rất chịu thương, chịu khó.

Trước đây, phụ nữ làng Trinh Tiết mưu sinh bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, sau này thì mở rộng nhiều ngành nghề để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài nông nghiệp, nhiều người làm may gia công, buôn bán…

Nhiều người làng Trinh Tiết cũng đồng tình rằng, với tên gọi làng Trinh Tiết và đường Trinh Tiết, nhiều người sẽ biết đến vùng quê này hơn, một vùng quê yên bình với những con người chăm chỉ cùng truyền thống tốt đẹp về đạo đức, lối sống cần lan tỏa trong mọi thời đại.