Ngôi làng Trinh Tiết "phụ nữ không tái giá" ở Hà Nội, giờ ra sao?
(Dân trí) - Từ truyền thuyết, tục "không tái giá" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng Trinh Tiết khiến nhiều phụ nữ thời xưa lựa chọn cuộc sống đơn thân sau khi chồng mất.
Từ tên làng đặc biệt
Yên bình và mộc mạc như bao làng quê Bắc Bộ khác nhưng làng Trinh Tiết thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại khiến không ít người ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nghe tới.
Tên gọi của ngôi làng nghe qua như thể mang nặng quan niệm xưa cũ về "cái ngàn vàng" của người phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, tên gọi này có một ý nghĩa sâu xa khác. Gắn liền với tên làng là những câu chuyện về lòng son sắt, thủy chung và đức hạnh của người phụ nữ qua nhiều đời của người dân nơi đây.
Về làng Trinh Tiết vào đúng dịp thu hoạch lúa, đi đến nơi đâu, PV Dân trí cũng bắt gặp cảnh những con đường, khoảng sân phủ đầy những hạt thóc vàng óng. Giữa trưa, phụ nữ làng Trinh Tiết vẫn không ngơi tay, họ tranh thủ thời điểm nắng nhất để phơi cho thóc nhanh khô.
Chỉ vào những phụ nữ ấy, ông Bùi Văn Thái, Trưởng thôn Trinh Tiết bảo: "Phụ nữ làng này chăm chỉ, hay lam hay làm có tiếng. Thời nay, nhiều nhà vẫn cấy hàng mẫu ruộng".
Ở cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 40km vậy nên những năm qua, xã Đại Hưng cũng có khá nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người dân có nhiều lựa chọn mưu sinh.
Họ tìm việc ở trung tâm thành phố hoặc đi làm công nhân ở các vùng lân cận. Nhiều gia đình có con cái học hành thành tài, công ăn việc làm ổn định, kinh tế phát triển.
Có người vì thế cũng từ bỏ ruộng đồng, không muốn cấy lúa nữa. Để "giữ ruộng", họ chấp nhận đóng tiền thuế, tiền cày bừa… rồi cho người khác trồng lúa trên mảnh đất của mình. Ở làng Trinh Tiết, đa phần phụ nữ vẫn tranh thủ vừa đi làm việc, vừa cấy cày. Những gia đình canh tác từ 7-8 sào đến một mẫu ruộng không hề ít.
Không chỉ chăm chỉ chịu khó, phụ nữ làng Trinh Tiết xưa nay còn nổi tiếng bởi tấm lòng thủy chung, son sắt. Ông Thái cho hay, làng Trinh Tiết thời xưa mang tên là Bối Lang, có một ngôi chợ Sêu nổi tiếng khắp vùng bên sông Đáy. Dân gian gọi tên làng theo tên chợ cho dễ nhớ.
Từ xa xưa, người làng đã truyền tai nhau câu chuyện về mẹ của thành hoàng làng (tướng Bảo Công). Bà cùng chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi bà sinh hạ tướng Bảo Công thì người chồng qua đời để lại cảnh mẹ góa con côi.
Mẹ ngài là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng qua đời, có rất nhiều chàng trai đến ngỏ lời lấy bà làm vợ nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết, nhất quyết không tái giá, ở vậy nuôi con thành vị tướng tài giữ nước. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với bạn đời.
Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, nuôi con thành một vị tướng tài nên đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
Tục "không tái giá" (kết hôn lại) khi vợ/chồng chẳng may qua đời ở làng Trinh Tiết có lẽ được bắt nguồn từ truyền thuyết gắn liền với tên gọi của ngôi làng này. Qua mỗi thời, tục này lại có sự thay đổi khác nhau.
Ông Thái kể, thời đất nước chiến tranh cơ bản những người phụ nữ không may có chồng qua đời đều ở vậy không đi bước nữa, bất kể họ có con hay chưa có con.
Trong câu chuyện vị trưởng thôn không quên kể tên những phụ nữ một đời son sắt thờ chồng ở làng Trinh Tiết: Bà Đinh Thị Huyến, Bùi Thị Tít, Lê Thị Vấn, Bùi Thị Dung…. "Không có quy ước nào của làng bắt người phụ nữ hay đàn ông nào đó không được tái giá. Song dường như họ cứ theo gương người đi trước, tình nguyện sống như vậy", ông Thái nói.
16 năm ở vậy nuôi con
Theo sự chỉ dẫn của vị trưởng thôn, đi vòng qua những con đường phủ đầy thóc ngày mùa, PV Dân trí tìm đến nhà bà Lê Thị Vấn. Bà Vấn năm nay 76 tuổi, mang đậm dáng vẻ của một phụ nữ thôn quê chân chất, mái tóc đã gần như đã bạc trắng.
Hướng đôi mắt xa xăm, bà Vấn kể về hồi ức với người chồng quá cố: "Tôi và chồng là người cùng làng, đến với nhau tự nguyện và từ tình yêu. Sau khi tôi sinh con thì ông ấy lên đường đi bộ đội. Năm 1968, tôi nhận tin ông ấy hi sinh".
Bà Vấn lặng đi một hồi nhớ về ngày mình nhận tin báo tử của chồng. Bà khi ấy mới ngoài 20 tuổi. Nhìn đứa con bé bỏng trên tay, bà Vấn coi đó là động lực sống duy nhất. Vượt qua nỗi đau mất mát, bà làm lụng mọi việc để nuôi con, từ trồng dâu nuôi tằm, cày cấy, làm nông nghiệp đến trông trẻ mầm non…
Cùng thời với bà Vấn còn có không ít phụ nữ không may phải cô đơn lẻ bóng khi còn quá trẻ. Tuy vậy, họ cũng lựa chọn ở vậy một mình cho đến hết đời. "Đầu tiên là vì chúng tôi thương con, sau nữa thấy nhiều phụ nữ cũng như mình nên không ai đi thêm bước nữa", bà Vấn nói.
Cách nhà bà Vấn không xa là nhà của chị Lê Thị Huy. Thuộc thế hệ 7X sinh sau, nhưng chị Huy cũng lựa chọn đi theo con đường của nhiều phụ nữ làng Trinh Tiết thời trước.
Chị Huy kết hôn được 10 năm thì chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Chồng mất khi hai con trai sinh đôi còn quá nhỏ song chị Huy vẫn không tái giá mà ở vậy nuôi con.
Chị Huy tâm sự: "Trong làng cũng có nhiều bà, nhiều bác không may mất chồng khi còn trẻ. Họ đều ở vậy cho đến hết đời. Nhiều người nói rằng, các bà các bác theo tục "không tái giá" của làng Trinh Tiết. Về phần tôi, tôi nghĩ đến con cái đầu tiên. Bố mẹ chồng tôi khi ấy cũng già yếu rồi, tôi đi bước nữa thì lấy ai chăm con".
Cứ như vậy, 16 năm qua, chị Huy từ chối nhiều lời mai mối, nhiều lời tỏ tình của những người đàn ông độc thân, lựa chọn sống bên hai con. Tuy vất vả, phải đi chở rác, đi phụ hồ, làm may… song người phụ nữ này vẫn cảm thấy cuộc sống vô cùng yên ổn.
Ông Bùi Văn Thái cho biết, cùng thời với chị Huy còn có một số phụ nữ khác cũng lựa chọn cuộc sống một mình sau khi người chồng vắn số ra đi. Họ không tái giá vì nhiều lý do khác nhau và đều rất tháo vát, đảm đang, nuôi con ăn học nên người. Có người con cái phương trưởng mua nhà ở nội đô đã đón mẹ ra sống cùng.
Từ truyền thuyết, tục "không tái giá" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng Trinh Tiết khiến nhiều phụ nữ thời xưa lựa chọn cuộc sống đơn thân sau khi chồng mất.
Càng dần đến ngày nay, tục này càng mai một đi nhiều. Trong xã hội hiện đại, bớt đi nhiều gánh nặng, phụ nữ làng Trinh Tiết nếu không may phải chia ly bạn đời quá sớm vẫn mạnh dạn đi bước nữa để tìm người san sẻ cùng mình những nhọc nhằn trong cuộc sống.
Tuy vậy, người dân làng Trinh Tiết vẫn không quên kể lại cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến tục "không tái giá" để giáo dục lớp trẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc, đề cao sự son sắt, thủy chung của phụ nữ trong làng. Nhắc đến phụ nữ làng Trinh Tiết, người ta sẽ nhớ ngay đến những con người đức hạnh, đảm đang, khéo léo, những câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng son sắt bền lâu.