Chuyên gia tội phạm chỉ mầm mống nguy hại từ "hội vỡ nợ thích làm liều"

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, vụ cấu kết cướp ngân hàng Sacombank vừa qua cho thấy tính chất của những tội phạm xuất thân từ các hội nhóm vỡ nợ trên mạng ngày càng nguy hiểm, manh động.

Gần đây, vụ cướp 3,8 tỷ đồng ở ngân hàng Sacombank (chi nhánh huyện Hóc Môn, TPHCM) thu hút sự chú ý của dư luận.

Đáng chú ý, theo kết quả điều tra ban đầu, 3 đối tượng gây ra vụ cướp là những người không có công ăn việc làm, lại nợ nần nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Cả ba vào nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều" để làm quen, lập thành nhóm rồi lên kế hoạch cướp ngân hàng liều lĩnh.

"Điểm hẹn" của những đối tượng có "phẩm chất cá nhân tiêu cực"

Từ lâu, trên mạng xã hội đã tồn tại một số hội nhóm có tên gọi liên quan đến những người vỡ nợ như: "Người vỡ nợ muốn làm liều", "Người vỡ nợ thích làm liều"...

Các nhóm này tập hợp hàng chục nghìn thành viên tham gia với nhiều mục đích khác nhau như tìm công việc, bán hàng online.

Đặc biệt, không ít người công khai chia sẻ tình trạng nợ nần của bản thân và bày tỏ nhu cầu muốn tìm việc gì đó kiếm tiền thật nhanh, bất chấp tất cả vì... "không còn gì để mất".

Chuyên gia tội phạm chỉ mầm mống nguy hại từ hội vỡ nợ thích làm liều - 1

Đối tượng trong vụ cướp ngân hàng Sacombank khống chế nhân viên ngân hàng để lấy tiền (Ảnh: Cắt từ clip).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, chuyên gia tội phạm học - cho biết, việc một số đối tượng lên các trang mạng lập nhóm kín tụ tập, lôi kéo thực hiện các hành vi phạm tội xuất hiện cách đây một thời gian, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19.

Nhiều đối tượng đã gây ra một số vụ cướp tài sản, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây lo lắng trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự và làm gia tăng các vụ phạm tội.

"Vụ cấu kết cướp ngân hàng Sacombank vừa qua cho thấy tính chất của loại tội phạm này ngày càng nguy hiểm, manh động.

Chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng", Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống nhận định.

Chuyên gia tội phạm chỉ mầm mống nguy hại từ hội vỡ nợ thích làm liều - 2

Hội nhóm liên quan đến những người vỡ nợ xuất hiện nhiều trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

 Theo PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, những hội, nhóm này thường tập hợp những phần tử lười biếng, chơi bời phóng túng, có nhân thân xấu như bỏ học, bỏ gia đình đi lang thang, nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc…

Nơi đây, cũng rất dễ là "điểm hẹn" của những đối tượng có "phẩm chất cá nhân tiêu cực" như càn quấy, thích thể hiện bản thân theo hướng côn đồ, không có ý thức tôn trọng pháp luật, thường có xu hướng thực hiện các hành vi trái với đạo đức xã hội, quy tắc cộng đồng và quy định của pháp luật.

"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", các đối tượng này thường có chung sở thích, tính cách, nhu cầu nên rất dễ tìm đến nhau.

Mạng xã hội lại là môi trường thuận lợi để chúng kết nối, chia sẻ mục đích, nhu cầu... Vì vậy, các nhóm này rất dễ tiềm ẩn những mầm mống, ý đồ xấu để các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội.

PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn đồng tình với ý kiến cho rằng cần ngăn chặn, giám sát chặt chẽ những hội nhóm này.

Song theo ông, việc phát hiện và ngăn chặn những hội nhóm này vẫn còn là một thách thức, khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Do tính chất "ảo", khả năng lan truyền rộng rãi, thành viên các "hội nhóm" này sẽ kết hợp nhanh, gây án nhanh, giải tán nhanh trong khi hậu quả gây ra vô cùng phức tạp.

"Song điều này không đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng và xã hội không thể ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Theo tôi, trước mắt cần có sự nỗ lực rất lớn cả về trình độ, năng lực, sự mưu trí, sáng tạo, công nghệ, chính sách, pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước và của mỗi người dân.

Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân nắm được và cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này.  

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức và tinh thần đấu tranh chống tội phạm, thông tin, thông báo, tố giác, tố cáo tội phạm với các cơ quan chức năng khi có các thông tin, chứng cứ về hoạt động của loại tội phạm này.

Các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ về công nghệ để sớm phát hiện, ngăn chặn các hội nhóm tội phạm hình thành trên mạng xã hội; phát hiện, điều tra, ngăn chặn, bắt giữ xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng để răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung", vị chuyên gia nói.

Chuyên gia tội phạm chỉ mầm mống nguy hại từ hội vỡ nợ thích làm liều - 3

Nhiều lời lẽ tiêu cực xuất hiện trên các hội nhóm dạng này (Ảnh: Chụp màn hình).

Không thể viện cớ khó khăn, nợ nần để phạm tội

PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn cũng đưa ra khuyến cáo với người dân rằng, cuộc sống  không phải bao giờ và ở đâu mọi chuyện cũng đều thuận lợi. Mỗi người khi gặp khó khăn, vướng mắc về kinh tế, đời sống thì phải nỗ lực vượt qua. Không nên lấy lý do khó khăn, vướng mắc về đời sống để thực hiện các hành vi tiêu cực.

"Tư duy tiêu cực chỉ dìm sâu con người vào bế tắc. Đặc biệt, vin vào cái cớ khó khăn, nợ nần để phạm tội là điều không thể chấp nhận và không thể tha thứ. Phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hầu hết những vụ phạm tội như vụ cướp tại ngân hàng vừa qua đều bị bắt giữ nhanh chóng, thường không quá 36 giờ.

Ai đó nghĩ rằng vì khó khăn mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội thì quả là "vô minh" và chắc chắn sẽ bị trừng trị, xã hội lên án, sẽ phải trả giá cả bằng sự tự do, tài sản, danh dự, tương lai của một đời người", vị chuyên gia cảnh báo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm