U50 giả hot girl lừa 12 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ quái chiêu của siêu lừa

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo PGS Đỗ Cảnh Thìn, vì có tính vụ lợi và động cơ không trong sáng như muốn đầu tư lãi suất cao, muốn nhận được quà, muốn được người đẹp chiều chuộng nên các nạn nhân thường giấu nhẹm mọi chuyện.

Vụ việc Đào Thị Mộng Thường (45 tuổi, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) dễ dàng lừa 12 tỷ đồng của một người đàn ông ở TP. Vinh (Nghệ An) đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.  

Chỉ với việc sử dụng tài khoản Facebook "Đào Ngọc Minh" đăng hình ảnh hot girl trẻ đẹp, tạo hồ sơ danh giá là Việt Kiều, thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Canada, bố mẹ làm doanh nghiệp vận tải tàu biển… Thường đã chiếm được lòng tin của nạn nhân.

Không chỉ có thế, siêu lừa còn tự đóng vai họ hàng của mình để nhắn tin với người đàn ông này. Nạn nhân sau đó đã nhiều lần chuyển tiền, tổng cộng 12 tỷ đồng để Thường "làm ăn, làm thủ tục thừa kế, trả nợ…".

U50 giả hot girl lừa 12 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ quái chiêu của siêu lừa - 1

Mộng Thường giả danh hot girl dẫn dụ một người đàn ông gửi 12 tỷ đồng rồi chiếm đoạt (Ảnh: V. Hậu).

Một vài năm trở lại đây, những vụ việc với chiêu thức tương tự đã nhiều lần xảy ra trên cả nước. Nhiều siêu lừa đã chiếm đoạt tiền của các nạn nhân từ vài triệu đến vài trăm triệu hoặc cả tỷ đồng. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vạch rõ chiêu thức, thủ đoạn của các tội phạm dạng này.

Ông cho biết, các đối tượng luôn xây dựng kịch bản chi tiết, tinh vi, đánh vào tâm lý của nạn nhân. Mục đích cuối cùng của các đối tượng là móc nối, tạo quan hệ, chiếm đoạt được tài sản.

Các đối tượng không quan tâm người đó già hay trẻ, sinh sống ở đâu mà chỉ tích cực "thả câu" , để lừa được thì lừa, còn không chúng sẽ đi tìm người khác.

Để lừa đảo thành công, các đối tượng dù là những kẻ không một xu dính túi nhưng vẫn khoác lên mình vỏ bọc của những người giàu có, đi xe siêu sang, ở nhà siêu đẹp, quen biết rộng, có quan hệ thân thiết với những người có chức có quyền, luôn đầu tư làm ăn lớn.  

Kịch bản của các đối tượng sẽ phát huy tác dụng nếu chúng gặp được những con mồi thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức xã hội, thiếu hiểu biết pháp luật và có tính vụ lợi.

"Khi đã bắt đầu quen thân, các đối tượng tiếp tục đưa ra các tình huống mới, dẫn dụ nạn nhân vào "ma trận" để nạn nhân mất đi sự tỉnh táo, làm theo dẫn dắt, rồi lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Do tính ẩn danh và tính không trực diện nên các đối tượng có thể lợi dụng công nghệ, làm ra tất cả các hình thức giả mạo từ danh tính, giọng nói, khuôn mặt đến tình huống mà không ai kiểm soát được", PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Cũng theo chuyên gia này, những nạn nhân như người đàn ông Nghệ An vừa qua không nhiều (chuyển nhiều lần, tổng số tiền lên tới 12 tỷ đồng). Song trong đời sống thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ lừa đảo có thủ đoạn tương tự.

Các nạn nhân mất cảnh giác, ham hố và không đủ kỹ năng phân tích, đánh giá tình huống. Đặc biệt, họ có tính vụ lợi và động cơ, mục đích không trong sáng như: Muốn đầu tư lãi suất cao bất thường, muốn nhận được quà, muốn được người đẹp chiều chuộng...

Họ thường lén lút gửi tiền đi mà không chia sẻ với ai, không nghe được những lời người khác tư vấn. Họ tìm mọi cách che giấu hành động của mình, đến khi hậu quả quá lớn, họ mới tỉnh ngộ thì đã quá muộn.

Các tội phạm lừa đảo đã khai thác triệt để điểm này để nạn nhân tự chạy theo nhu cầu mưu lợi của mình, gửi tiền cho chúng rồi đâm lao phải theo lao.

U50 giả hot girl lừa 12 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ quái chiêu của siêu lừa - 2

Tháng 8/2022, Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Hiếu (SN 2001, hộ khẩu Thanh Hóa) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiếu lập các Facebook giả mạo là các hot girl để làm quen nam giới rồi lừa tiền (Ảnh: Công an huyện Thạch Hà).

 Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống cũng cho rằng, với những người dễ dàng chi ra một khoản tiền lớn cho những người xa lạ, chưa một lần gặp mặt như thế cũng phải xem lại nguồn gốc dòng tiền của họ.

"Nếu là tiền từ thu nhập cơ bản, là tiền mồ hôi công sức thì không ai chi ra dễ dàng như vậy", PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn nêu quan điểm.

Trước ý kiến cho rằng, phải chăng các đối tượng lừa đảo sở hữu chiêu thức thao túng tâm lý nào mới dễ dàng điều khiển các nạn nhân như vậy, chuyên gia này cho rằng, đó thực chất là cách nói dùng để chỉ các chiêu thức tác động về mặt tâm lý, nhận thức, tinh thần để nạn nhân không đủ tỉnh táo, mắc bẫy.

Việc tạo cho mình một vỏ bọc giàu sang, xinh đẹp, sang chảnh cũng là một dạng như vậy.  

Để không mắc bẫy các tội phạm lừa đảo dạng này, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, bản thân mỗi người cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và kiến thức xã hội.

Cần phải hiểu mọi hoạt động trong xã hội, các giao dịch đầu tư sinh lời đều phải tuân theo pháp luật và các nguyên tắc của nền kinh tế. Không có chuyện cơ quan chức năng làm việc qua điện thoại, không có chuyện việc nhẹ lương cao…

Đặc biệt, mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi trò chuyện, trao đổi thông tin trên mạng xã hội với những mối quan hệ mới quen biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm