Chuyên gia chỉ thiết kế lối thoát hiểm phòng cháy cho nhà phố, chung cư

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo kiến trúc sư, lối thoát hiểm có thể thiết kế ở hướng ngược lại hay vuông góc với cửa chính. Khi xây dựng, chủ nhà nên chừa khoảng trống giữa hai căn nhà thay vì xây sát vào nhau.

Nhà ống là loại hình nhà ở phố biến tại các đô thị hiện nay. Các nhà dân, hàng quán hay chung cư mini đều được xây dựng theo lối kiến trúc này.

Khi thiết kế nhà ống, nhà phố ở đô thị, người dân thường chỉ quan tâm đến diện tích sử dụng, vị trí phân bố các phòng, khả năng đảm bảo an ninh...

Rất ít người nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp như có hỏa hoạn. Chính điều này đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng, gây thiệt hại về người và tài sản.

Chuyên gia chỉ thiết kế lối thoát hiểm phòng cháy cho nhà phố, chung cư  - 1

Nhà ống có mật độ dày đặc ở đô thị (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo kiến trúc sư Đặng Duy Khánh, ưu điểm của nhà ống là có thể xây dựng trên mảnh đất mặt tiền nhỏ hơn chiều dài (chiều sâu). Ngoài ra, nhà ống thiết kế đơn giản, không quá nhiều chi tiết cầu kỳ và phức tạp, tối ưu kinh phí nên được nhiều người lựa chọn xây tại các đô thị.

Từ thực tế thiết kế và thi công nhiều căn nhà phố, kiến trúc sư Đặng Duy Khánh nhận thấy, nhiều gia đình do hạn chế về kinh phí chỉ có thể mua nhà ở trong những con ngõ sâu, nhỏ hẹp.

Việc tiếp cận ngay lập tức với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi có hỏa hoạn xảy ra là rất khó.

Vì vậy, anh luôn tư vấn cho khách hàng cần xác định lối thoát hiểm và khu vực để bình chữa cháy là những hạng mục quan trọng không thể thiếu trong nhà.

Chuyên gia chỉ thiết kế lối thoát hiểm phòng cháy cho nhà phố, chung cư  - 2

Gia chủ nên tạo những khoảng mở cho sân vườn phía trước (Ảnh minh họa: Arquitecturaviva).

"Thay vì chỉ quan tâm thiết kế phòng khách ra sao, mấy phòng ngủ, cầu thang dùng lan can loại gì… tôi khuyên khách hàng cần nghĩ ngay tới việc đặt bình chữa cháy ở đâu trong nhà, lối thoát hiểm ở hướng ngược lại hay vuông góc với cửa chính. Đường thoát nạn phải di chuyển liên tục được và không bị chặn bởi bất kỳ một điểm nào trong nhà", anh Khánh nói.

Cũng theo kiến trúc sư này, lối thoát hiểm nên thiết kế đủ rộng để người lớn có thể chạy ra ngoài. Ở vị trí này luôn luôn phải giữ thông thoáng, ngày thường không nên biến thành nơi chứa đồ đạc.

Những vụ cháy nổ thường bắt nguồn từ khu vực nhà để xe hoặc nhà bếp. Vậy nên các gia đình có thể tạo vách ngăn cách phòng cùng tầng với chỗ để xe hay nhà bếp. Có thể lựa chọn các vật liệu chống cháy ở những khu vực này.

Các gia đình nên thiết kế nhà ống có giếng trời có thể đóng mở để giúp thoáng khí. Nếu xảy ra cháy, khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Kiến trúc SPNG cũng cho hay, phần lớn nhà ống ở nước ta đều có chung đặc điểm là hẹp và sâu, thường chỉ có một mặt tiền. Diện tích căn nhà nhỏ, ít mặt thoáng, không gian xung quanh thường là những ngôi nhà cao tầng san sát.

"Ở Nhật Bản, người ta quy định, nhà ống phải có khoảng trống bên hông cách nhau tầm 50-90cm. Điều này giúp các gia đình dễ dàng thoát ra khỏi đám cháy nếu có hỏa hoạn", anh Thạch nói.

Chính vì vậy, khi xây dựng, chủ nhà nên tạo khoảng trống giữa hai căn nhà làm lối thoát thay vì xây sát vào nhau.

Khi thiết kế nên chừa sân sau làm nơi phơi đồ, sàn nước. Đây chính là nơi thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Đối với những căn nhà chỉ có một mặt tiền, giải pháp tốt nhất vẫn là tạo những khoảng mở cho sân vườn phía trước.

Với những gia đình vẫn quyết tâm bịt kín ban công, nên thiết kế các khoảng cửa nhỏ có khóa. Khóa cất ở nơi dễ quan sát để khi cần có thể mở và thoát ra ngoài.

Chuyên gia chỉ thiết kế lối thoát hiểm phòng cháy cho nhà phố, chung cư  - 3

Khi xây dựng, chủ nhà nên chừa khoảng trống giữa hai căn nhà làm lối thoát thay vì xây sát vào nhau (Ảnh: Arquitecturaviva, Ryue Nishizawa).

Những năm gần đây, loại hình chung cư mini được nhiều người lựa chọn mua, thuê ở.

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch, chung cư mini là loại hình ngày càng phổ biến ở các đô thị trên thế giới như ở phương Tây, Nhật Bản…

Loại hình này có ưu điểm là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà cho những cá nhân hoặc gia đình có nhu cầu mua nhà gần trung tâm đô thị nhưng kinh phí giới hạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, loại hình chung cư này (kể cả các nhà trọ xây cao tầng với đặc điểm cư trú tương đồng) cần tuân thủ các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy do Bộ Xây dựng quy định đối với các chung cư cao tầng hoặc các cao ốc văn phòng chuyên nghiệp.

Các tiêu chuẩn đó chỉ định rất cụ thể về vị trí bình chữa cháy, biển tiêu lệnh, cảm biến khói, đèn dự trữ, khoảng cách đến thang thoát hiểm, bề rộng thang, cấu tạo cửa thang, hệ thống chống khói của thang…