Cháy chung cư mini ở Hà Nội: Tai họa được báo trước
(Dân trí) - Theo Đại úy Thanh, lực lượng PCCC thường yêu cầu chủ nhà mở thêm lối thoát hiểm thứ hai bằng cách tháo chuồng cọp, phá bỏ lan can sắt. Tuy nhiên, chỉ hôm trước hôm sau, họ lại đem lắp lại.
Người dân thờ ơ với chính sự an toàn của mình
Sau vụ cháy cướp đi mạng sống của 56 người ở Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, tại sao một loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều rủi ro lại có thể xuất hiện tràn lan ở Hà Nội trong suốt nhiều năm?
Thực tế những năm gần đây, hoạt động mua bán - cho thuê chung cư mini ở Hà Nội diễn ra khá sôi động.
Ở các quận nội thành như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… nhiều chung cư mini được xây dựng từ 4 đến 9 tầng để cho người lao động, sinh viên, gia đình ít người thuê mua.
Diện tích của các căn hộ mini thường dao động từ 20-45m2. Nói là "chung cư" cho sang nhưng thực chất những khu này đều được xây dựng theo lối kiến trúc nhà ống.
Chủ nhà tùy theo diện tích mặt bằng sẽ xây từ 2 đến 5 phòng một tầng. Tổng số người sinh sống trong cả khu vì thế có thể lên tới hàng trăm người.
Trong khi đó, các điều kiện về đảm bảo PCCC, an toàn an ninh ở các khu chung cư mini luôn trong tình trạng bỏ ngỏ, kiểm soát lỏng lẻo.
Kiến trúc sư Đặng Duy Khánh cho biết, chung cư mini hiện là loại hình được Nhà nước công nhận, thuộc sở hữu tư nhân.
Tuy nhiên, từ vụ cháy thương tâm vừa qua có thể thấy, để phát triển mô hình chung cư mini cần có sự quản lý chặt chẽ về nhiều mặt. Đặc biệt chú trọng các vấn đề như lối thoát nạn, phù hợp hạ tầng địa phương, cách thức vận hành…
"Vấn đề thoát nạn và rủi ro cháy nổ ở các chung cư mini đã được cảnh báo nhiều lần. Song có lẽ vì từ trước đến nay chưa xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng nên nhiều người vẫn còn thờ ơ, chủ quan", kiến trúc sư Đặng Duy Khánh nói.
Từ thực tế làm việc và kiểm tra công tác PCCC, Đại úy Nguyễn Tiến Thanh (Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều chung cư mini còn có tình trạng đối phó, chưa thật sự nghiêm túc khi thực hiện các quy định về PCCC.
"Những chung cư này chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang bộ chật hẹp ở giữa trục nhà. Các lan can đều bịt kín bằng chuồng cọp.
Khi đi kiểm tra, chúng tôi thường yêu cầu chủ nhà, chủ đầu tư phải mở thêm lối thoát hiểm thứ hai bằng cách tháo chuồng cọp, phá bỏ lan can sắt. Tuy nhiên, chỉ hôm trước hôm sau, có khi họ lại đem lắp lại", Đại úy Nguyễn Tiến Thanh nói.
Theo vị này, chung cư mini là loại hình "dở dang" giữa nhà riêng và chung cư vì vậy lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc yêu cầu các chủ hộ thực hiện nghiêm vấn đề PCCC.
Đại úy Thanh phân tích: "Đối với những cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như các quán karaoke, theo quy định, các cơ sở này phải trang bị cầu thang ngoài nhà.
Còn đối với chung cư mini thì rất khó để yêu cầu họ làm như vậy vì kinh phí lắp đặt không nhỏ. Tuy nhiên, sau sự việc lần này, tôi nghĩ nhiều người sẽ phải thay đổi suy nghĩ, chú trọng đến việc lắp đặt thang thoát hiểm bên ngoài".
Chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy chung cư mini
Từ vụ cháy vừa qua, Đại úy Nguyễn Tiến Thanh đưa ra lời khuyên, các gia đình đang ở hoặc thuê các chung cư mini cần chủ động trang bị cho mình các trang thiết bị và kiến thức PCCC.
Theo anh, mỗi gia đình nên để sẵn trong nhà chiếc thang dây và mặt nạ phòng độc.
"Với thang dây, các gia đình có thể trèo sang các nhà khác hoặc trèo xuống đất. Trong các vụ hỏa hoạn thường các nạn nhân bị tử vong do ngạt khí là nhiều chứ không phải do bỏng hay cháy. Vậy nên, việc trang bị mặt nạ phòng độc là vô cùng quan trọng", Đại úy Thanh nói.
Khu vực tầng 1 các chung cư mini thường là nơi để xe. Cần ngăn cách khu vực để xe và cầu thang, không nên để các vật liệu dễ cháy ở cầu thang.
Khi chung cư, chung cư mini, nhà cao tầng không may xảy ra cháy người dân cần bình tĩnh. Nếu bên ngoài có nhiều khói, khí độc, người dân không thể ra ngoài được thì lập tức di chuyển ra ban công xem còn lối thoát nạn nào khác không.
Nếu không có lối thoát hiểm thì cần tìm cách không cho khói, khí độc lan vào phòng. Cụ thể, cần dùng chăn, quần áo, nhúng nước nhét vào khe cửa.
Người dân cũng cần mở các vòi nước trong nhà, chặn các lối thoát nước để nước chảy tràn ra sàn. Ngoài ra, mỗi người có thể dùng xô chậu té nước lên cửa để tăng thời gian chịu nhiệt của cánh cửa.
Trong trường hợp lửa vẫn cháy xuyên qua cánh cửa cần lấy mặt nạ hoặc khăn áo ướt bịt kín mũi rồi ra ngoài ban công để chờ lực lượng cứu hộ. Tại khu vực ban công cũng cần bịt kín các khe cửa để không cho khói tràn ra ngoài.
Trong trường hợp không có mặt nạ, người dân có thể dùng các đoạn ống dài từ vòi hoa sen hay máy hút bụi, máy giặt ròng xuống phía dưới để hít không khí sạch.