Đà Nẵng:
Chuyện chưa kể về nghĩa trang đặc biệt chôn cất 3 nghìn thai nhi
(Dân trí) - Suốt 3 năm nay, anh Đặng Quốc Thịnh (sinh năm 1988) như một người cha đỡ đầu, đem đến cho các thiên thần vô tội với kiếp số ngắn ngủi một nơi yên nghỉ.
"Ba Thịnh" của những thiên thần
Chiều một ngày cuối năm, tôi ghé thăm nghĩa trang Hòa Sơn, nơi yên nghỉ của những sinh linh bị tước đi quyền sống từ trong bụng mẹ. Giữa những ngôi mộ, có một người đàn ông vẫn đang miệt mài quét dọn, mọi người hay gọi anh với cái tên thân thương "ba Thịnh" của những thiên thần.
Ban đầu, anh vốn dĩ là người có "máu" từ thiện chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành "người cha tinh thần" cho các thiên thần vắn số.
Cách đây nhiều năm, trong chuyến từ thiện, anh vô tình gặp được người chị nói về những lần chứng kiến các bà mẹ phá thai rồi chôn con mình ở bãi biển. Lúc đó anh theo chị như sự tò mò, để rồi khi tận mắt chứng kiến chị mang găng tay tẩm liệm những hài nhi đó, hàm răng anh như cắn chặt, tim thắt lại và trong đầu cứ ám ảnh câu hỏi: Những sinh linh này có tội gì? Rồi những sinh linh vô tội sẽ về đâu nếu không có nơi yên nghỉ?
Đến khi anh nghe nói trên những đồi thông ở Đà Nẵng có nhiều ngôi mộ thai nhi được chôn vội, anh Thịnh nhói cả tim. Anh quyết tâm tìm một mảnh đất rộng để xây mái ấm cho các thiên thần vắn số.
Nghĩ là làm, anh đã thành lập nhóm Bà mẹ thai nhi TP Đà Nẵng và cùng những người bạn kêu gọi tấm lòng hảo tâm để mở một "chiến dịch" cất bốc các cháu về nghĩa trang Hòa Sơn và xây "tổ ấm" cho các bé.
Theo anh Thịnh, nhiều năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, những thành viên trong nhóm chính là nòng cốt giúp nhiều bà mẹ hoàn thành tâm nguyện.
Nhóm Bà mẹ thai nhi TP Đà Nẵng hiện có 4 thành viên chủ chốt, gồm anh, chị Trần Huệ, Đoàn Minh Huế và Đào Thị Cẩm Xuyên. Đến nay, anh Thịnh và nhóm đã xây dựng hơn 3.000 khu mộ thai nhi. Nhiều cháu ở tận đèo Hải Vân cũng được nhóm đưa về nghĩa trang Hòa Sơn.
Giải cứu bằng cả tấm lòng
Đưa ánh mắt buồn nhìn những nấm mồ nhỏ, anh kể về câu chuyện mà anh không thể quên trong những lần tiếp nhận thai nhi xấu số.
Em N. và bạn trai là sinh viên một trường đại học trên địa bàn. Đôi bạn trẻ yêu nhau từ năm nhất. Năm thứ 2, cả hai đã giấu gia đình về sống chung trong căn nhà trọ.
Ngoài thời gian học, cả 2 sống như một đôi vợ chồng trẻ. Nhưng do sơ suất, chủ quan mà N. đã mang thai ngoài ý muốn. Bạn trai của N. bàn bỏ con, vì cả 2 là sinh viên, sinh con ra lấy gì nuôi con? Sau bao lần dằn vặt, cuối cùng N. quyết định phá thai. Đứa trẻ sau khi bị ép buộc kết thúc sinh mạng được cho vào trong một cái lọ.
Và rồi với lương tâm của người mẹ, N. gọi đến "đường dây nóng" của anh Thịnh như một lời cầu cứu giúp đỡ người phụ nữ đang lầm đường.
"Khi nghe em ấy kể, tôi chỉ biết lặng người, tôi không dám nghĩ đến chuyện nếu N. không gọi tôi, thì lúc đấy thai nhi vắn số này sẽ nằm lại ở một mảnh đất lạ, không một cái tên và chẳng ai biết đến", anh Thịnh nhớ lại.
Trong nhiều năm qua, anh đã chứng kiến không ít lần các bà mẹ đến trước mộ con rồi bật khóc. Mỗi lần như thế, anh chỉ biết đến bên cạnh họ để an ủi.
"Ai cũng có những nỗi lòng, nỗi khổ tâm không nói được. Tôi chỉ khuyên các chị nên trở về, có nhớ con thì đến đây nhang khói vậy là đủ rồi", anh Thịnh nói.
Hiểu được tâm sự đó, nên mỗi trường hợp có ý định phá thai, anh Thịnh và nhóm đều thuyết phục người mẹ giữ lại con. Riêng với những trường hợp có thai ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi dưỡng, nhóm sẽ hỗ trợ chi phí nằm viện. Đến khi bà mẹ đi sinh, nhóm sẽ lo toan mọi việc như chính những người thân trong gia đình. Các thành viên trong nhóm đều nỗ lực để "mẹ tròn con vuông".
"Điều mà chúng tôi cảm thấy vui là cứu sống được những cháu từ trong bụng mẹ. Chúng tôi muốn đánh thức bổn phận, trách nhiệm của người mẹ, để không phải chứng kiến thêm một trường hợp nào bị bỏ rơi khi chưa cất tiếng khóc chào đời", anh Thịnh tâm sự.