Chuyện chưa kể về căn nhà 200m2 của gia đình giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội

(Dân trí) - Căn nhà của gia đình Nguyễn Thái An nằm ở ngay mặt phố cổ Hàng Đào (Hà Nội), trải qua hàng chục năm với những thăng trầm, biến động của lịch sử căn nhà vẫn giữ được nét cổ kính, với lối kiến trúc nguyên bản.

Chuyện chưa kể về căn nhà 200m2 của gia đình giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội

Căn nhà xây dựng 1 năm với gần 100 thợ từ khắp mọi nơi

Nằm ngay mặt đường phố cổ Hàng Đào sầm uất, căn nhà số 72 của gia đình ông Nguyễn Thái An nổi bật bởi nét rêu phong và kiến trúc cổ kính. Căn nhà rộng gần 200m2, gồm hơn 10 phòng được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Hiện nay, ngoài tầng 1 được ông An sửa sang cho thuê làm cửa tiệm bán hàng còn lại các tầng khác vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc xưa. Trong đó, một số đồ đạc của căn nhà như: bàn ghế, sập gụ, tủ, quạt, bát đũa… được ông An gìn giữ cẩn thận như những kỷ vật vô giá của gia đình.

Ông Thái An chụp ảnh cùng bố mẹ và các em khi còn nhỏ.
Ông Thái An chụp ảnh cùng bố mẹ và các em khi còn nhỏ.

Ông An sinh năm 1943, là con cả trong một gia đình có 12 anh em. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hàng Đào (Hà Nội). Còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng cũng được xem là giai nhân với vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” thời đó.

Trước đây, con phố Hàng Đào được mệnh danh là trung tâm buôn bán quần áo, tơ lụa sầm uất bậc nhất của kinh thành Thăng Long. Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Nơi đây cũng tập trung rất nhiều thương lái nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… đến giao thương, buôn bán.

Căn nhà rộng khoảng 200m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với khoảng hơn 10 phòng.
Căn nhà rộng khoảng 200m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với khoảng hơn 10 phòng.

Bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương lái đầu tiên kinh doanh và mở cửa tiệm vải lớn ở phố Hàng Đào. Nhờ biết tính toán và chi tiêu hợp lý nên công việc buôn bán của gia đình ông ngày càng phát đạt và thuận lợi. Thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình ông đã nổi tiếng khắp Hà Nội nhờ tài kinh doanh giỏi và trở thành một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại phố cổ. Thời kỳ thịnh vượng nhất, cả làng Cổ Nhuế từng là nơi cung cấp vải cho nhà ông.

Đến nay mọi đồ vật trong căn nhà vẫn được ông An gìn giữ nguyên vẹn
Đến nay mọi đồ vật trong căn nhà vẫn được ông An gìn giữ nguyên vẹn

Căn nhà ông An cũng được xây dựng vào thời điểm này. Ông kể, lúc đó các khâu làm nhà đều phải làm thủ công, nên để hoàn thiện căn nhà phải mất 1 năm trời với gần trăm thợ làm việc liên tục, miệt mài. Cũng giống như nhiều căn nhà của bậc tư sản giàu có bấy giờ, căn nhà của ông An được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, với các phòng riêng biệt và hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa.

“Thời điểm đó, các phòng đã được thiết kế nhà vệ sinh tự hoại, phòng tắm khép kín. Riêng phòng cậu mợ và các anh em tôi có thêm quạt trần, máy lạnh hiện đại…”, ông An kể.

Trước đây, các đồ vật trong gia đình đều được bố mẹ ông An đặt thợ làm với những loại gỗ tốt nhất
Trước đây, các đồ vật trong gia đình đều được bố mẹ ông An đặt thợ làm với những loại gỗ tốt nhất

Ông An cho hay, khi căn nhà hoàn thiện, tầng 1 được gia đình dùng làm cửa hàng giao dịch, các tầng 2, 3 có các phòng lớn để chứa hàng như: kiện vải, quần áo… các loại. Riêng người làm, đầu bếp, vú nuôi… đều có các phòng sinh hoạt riêng. Vào mỗi dịp lễ Tết, căn nhà được bố trí thêm các đèn và dán tranh Đông Hồ phía bên ngoài hành lang. Ngoài ra tại khu vực sân nhà, bố mẹ ông thường trang trí thêm các cành đào, cây quất lớn để tạo không khí.

Cuộc sống của gia đình giàu có bậc nhất với “người đưa, kẻ đón”

Sinh ra một gia đình giàu có, bản thân ông An và các em ông từ nhỏ đều được bố mẹ chăm chút và đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Ông An trước đây từng theo học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ - ngôi trường danh giá chỉ dành cho những con nhà có điều kiện thời bấy giờ. Ông An kể, mỗi buổi sáng đi học ông diện áo trắng, quần Tây và đươc người làm đưa đến trường. Hồi đó, ông thường được bố cho tiền ăn sáng ngoài tiệm để kịp giờ lên lớp. Dù gia đình đã có ô tô nhưng ông chủ yếu đi bộ hoặc xe kéo đến trường.

Thời điểm đó, các phòng đã được thiết kế nhà vệ sinh tự hoại, phòng tắm khép kín và trang bị quạt trần, máy lạnh
Thời điểm đó, các phòng đã được thiết kế nhà vệ sinh tự hoại, phòng tắm khép kín và trang bị quạt trần, máy lạnh

Sau mỗi giờ học, bố mẹ ông cũng bỏ tiền thuê thêm các thầy dạy võ, nhạc, họa sỹ nổi tiếng bậc nhất Hà Nội đến kèm cặp thêm. “Tôi nhớ, hồi đó tôi được học nhạc của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, học võ, đấu kiếm của thầy Võ Đình Quỳnh – từng vô địch Đông Dương, học họa của thầy Phạm Viết Song, thầy Mạnh Quỳnh... đều là những họa sỹ nức tiếng bấy giờ…”, ông An kể.

Gia đình ông An thời đó có 2 đầu bếp với khoảng 20 người làm. Mỗi bữa, các món ăn đều được chuẩn bị chu đáo và bày biện đẹp mắt.

Ông Thái An cho biết ngôi nhà không chỉ là ký ức tuổi thơ của ông mà còn là tâm huyết cả đời của bố mẹ ông nên dù thế nào, ông cũng cố gắng gìn giữ nguyên bản.
Ông Thái An cho biết ngôi nhà không chỉ là ký ức tuổi thơ của ông mà còn là tâm huyết cả đời của bố mẹ ông nên dù thế nào, ông cũng cố gắng gìn giữ nguyên bản.

Khác với nhiều gia đình giàu có khác, bố mẹ ông An cư xử với gia nhân rất ần cần, không bao giờ to tiếng, quở trách. Dù đông đúc nhưng trong nhà rất nề nếp, quỷ củ. Cuối năm, hoàn cảnh nào khó khăn, ngoài tiền lương mẹ ông không quên thưởng thêm tiền để họ về ăn Tết. “Nhà tôi khi đó có gần 20 người làm nhưng bố mẹ tôi không phân biệt đối xử mà với ai, các cụ cũng đều ân cần, quan tâm. Ngay bản thân chúng tôi dù công việc đều có gia nhân làm giúp nhưng cũng rất tự lập, không bao giờ ỉ lại”, ông An kể.

Đến khi cách mạng thành công, cũng giống như nhiều gia đình tư sản yêu nước bấy giờ, bố mẹ ông cũng bỏ tiền, vàng ủng hộ chính quyền mới. Bản thân ông An sau đó cũng xin vào làm việc tại các xí nghiệp, công trường của nhà nước.

Trải qua rất nhiều những thăng trầm, biến động của lịch sử, đến nay ngôi nhà vẫn được các thành viên cố gắng gìn giữ trọn vẹn.

Ngôi nhà không chỉ là ký ức tuổi thơ mà đây còn gửi gắm rất nhiều tâm huyết của bố mẹ nên dù thế nào anh em chúng tôi cũng cố gắng để lại nguyên bản", ông An tâm sự. Hiện nay, các em ông An đều có cuộc sống viên mãn, giàu có ở nước ngoài, ngôi nhà hiện tại chỉ có hai vợ chồng ông và người em gái út ở và chăm sóc. Vào mỗi dịp lễ Tết, các thành viên đều cố gắng thu xếp về quây quần bên mâm cỗ và ôn lại văn hóa, truyền thống của gia đình. .

Hiệp Nguyễn - Trọng Trinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm