Chủ tịch công ty phá lệ điều kị tháng cô hồn, chốt liền xe sang 2,6 tỷ đồng
(Dân trí) - Bên cạnh những người kiêng kị thái quá trong tháng cô hồn, nhiều người đã phá lệ, mạnh dạn làm các việc lớn như tổ chức khai trương, đám cưới, mua xe.
Kiêng kị tháng cô hồn: Nhiều người kiêng từ việc nhỏ đến việc lớn
Anh Vũ Văn Tuấn (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) đang mong từng ngày cho hết tháng 7 âm lịch. Lý do là bởi, người đàn ông này đang phải thực hiện bảng "quy tắc những điều cần tránh tháng cô hồn".
Anh Tuấn cho hay, anh có sở thích cùng con trai đi câu cá vào các dịp cuối tuần. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, anh bị vợ "trói chân" ở nhà. Vợ anh còn cẩn thận giấu bộ cần vào một góc.
Không chỉ có vậy, anh còn bị vợ cấm đi bơi, đến các khu vực gần ao hồ vì chị cho rằng các linh hồn, chúng sinh bơ vơ thường tụ tập ở những nơi có nước.
Ai đi câu cá hay tới những nơi này sẽ dễ bị xui xẻo, quấy quả… Anh Tuấn vì không muốn tranh cãi nên đành miễn cưỡng làm theo lời vợ.
Chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Phạm Cương cho biết, trong thực tế anh đã gặp không ít trường hợp kiêng kị nhảm nhí như gia đình anh Tuấn.
Nhiều người còn kiêng không cắt tóc, không đi chơi đêm, không nhặt tiền rơi, không soi gương buổi tối…
"Nhưng kiêng kị phổ biến nhất vẫn là không xây nhà, mua nhà, mua xe, tổ chức cưới hỏi, khai trương... Đặc biệt, tôi còn biết có một số nhà đầu tư kiêng xuống tiền đầu tư chứng khoán trong tháng cô hồn vì sợ thua lỗ. Thị trường có diễn biến thế nào vẫn cầm tiền đứng ngoài đến hết tháng", ông Cương nói.
Theo ông Cương, có hai nguyên nhân dẫn tới tâm lý kiêng kị tháng cô hồn.
Đầu tiên là do nhiều người quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, là thời gian Diêm Vương mở cửa ngục để các cô hồn tự do quấy phá ảnh hưởng đến đời sống dương gian.
Vì vậy, người dân thường kiêng làm việc lớn để tránh gặp xui xẻo. Theo ông Cương, quan điểm này rất mơ hồ và có nhiều điểm bất hợp lý.
Ngoài ra, nhiều người vì bị cuốn theo hiệu ứng đám đông nên cũng nảy sinh tâm lý kiêng kị. Họ không cần biết nguồn gốc của việc kiêng kị đó, nhưng thấy người khác kiêng thì "mình cũng kiêng cho lành".
Vị chuyên gia này cho rằng, kiêng kị tháng cô hồn là hoàn toàn không có cơ sở. Việc kiêng kị không giúp mỗi người may mắn hơn mà còn ảnh hưởng đến túi tiền của chính họ.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, tháng cô hồn vốn có ít giao dịch nên các đơn vị kinh doanh xe, bất động sản thường có các chương trình khuyến mại, tri ân để kích cầu.
Nếu có nhu cầu, người dân nên tham khảo giao dịch vào thời điểm này để vừa có nhiều lựa chọn, vừa tiết kiệm được chi phí.
Việc cất nóc nhà cũng vậy. Nếu đầu tháng 7, gia chủ đã xây tường, ghép cốp-pha xong hết thì không tội gì phải đợi một tháng sau mới cất nóc. Làm như vậy vừa ảnh hưởng đến tiến độ công trình, công nhân phải làm việc cầm chừng mà gia chủ vẫn phải trả công.
Chuyện về vị chủ tịch mua xe sang tháng cô hồn
Trong quá trình làm việc, ông Cương nhận được nhiều câu hỏi tư vấn về việc kiêng kị tháng cô hồn.
Những năm gần đây, nhiều người đã mạnh dạn phá lệ, làm các việc lớn như tổ chức khai trương, đám cưới, mua xe.
Ông kể: "Cách đây 3 năm, có một vị chủ tịch tập đoàn hỏi tôi có nên mua xe vào tháng 7 âm lịch không.
Vào tháng 6 âm lịch, chiếc xe được chào bán 3 tỷ đồng. Vì thấy giá cao nên vị chủ tịch chần chừ. Đến tháng 7 âm lịch, người bán chấp nhận giảm giá 10%. Vì thấy nhiều người kiêng mua xe, mua nhà vào tháng cô hồn nên vị chủ tịch cũng lo ngại".
Tuy nhiên, khi đó, ông Cương lại cho rằng, đó một cơ hội tốt, một mức giá đẹp mà người mua không nên bỏ qua.
Vị chủ tịch sau đó đã chốt mua chiếc xe với giá 2,6 tỷ đồng và lấy xe luôn trong tháng 7 âm lịch. Tới nay, mọi chuyện từ sức khỏe đến công việc của vị chủ tịch này vẫn rất hanh thông, tốt đẹp.
Chính vì vậy, theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, nhìn nhận tháng 7 âm lịch là xui xẻo chỉ khiến mỗi người tự đánh mất đi cơ hội. Việc kiêng kị thái quá, đôi khi có phần mê tín đã gây ra những ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.
"Các quốc gia khác trên thế giới cũng có các dịp lễ tâm linh nhưng họ luôn có những chính sách kích cầu, thu hút người tiêu dùng mua sắm mạnh tay khiến thị trường tránh khỏi tình trạng ảm đạm.
Tôi nghĩ các nhà làm chính sách cần có những động thái mạnh mẽ hơn để biến tháng tâm linh này nếu không trở thành một dịp lễ lớn doanh thu cao, thì cũng nên khuếch trương nó thành một dịp lễ hội mang tính nhân văn như Lễ Vu Lan, Tết Báo hiếu đấng sinh thành…
Làm như vậy sẽ át đi những quan điểm sai lầm, lạc hậu gây ảnh hưởng đến nền kinh tế", chuyên gia Phạm Cương nêu quan điểm.
Ông Cương cũng cho rằng, tháng 7 âm lịch cũng giống như các tháng khác. Mọi người không nên kiêng kị thái quá, nên tiến hành mọi việc bình thường.
"Có chăng chúng ta chỉ lưu ý là tháng 7 âm lịch ở miền Bắc là tháng ngâu, có số ngày mưa nhiều. Khi thực hiện những việc động thổ xây nhà hay các hoạt động du lịch, vui chơi ngoài trời, mọi người cần dự phòng thời tiết xấu để có lịch trình cho phù hợp", vị này nói.