Chi tiền triệu tìm mua món đồ chơi của "con nhà giàu" thời bao cấp ở Hà Nội
(Dân trí) - Những chiếc tàu thủy bằng sắt tây từng là món đồ chơi Trung thu gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội thời bao cấp.
Mỗi khi cận kề rằm tháng tám, những gian hàng trên phố Hàng Thiếc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại thu hút người dân, du khách tìm tới để mua món đồ chơi trẻ em nổi tiếng và đắt đỏ một thời tàu thủy bằng sắt tây.
Những chiếc tàu thủy này từng là món đồ chơi Trung thu gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội thời bao cấp. Thời ấy, gần như chỉ con em gia đình có điều kiện mới may mắn sở hữu món đồ chơi này.
Bây giờ, trẻ em có vô số lựa chọn đồ chơi Trung thu. Những chiếc tàu thủy sắt tây không còn sức hút lớn với chúng. Nhưng hầu hết, ông bà, cha mẹ tìm mua với mong muốn tìm lại một phần kí ức tuổi thơ và chia sẻ những kỉ niệm đẹp đó tới con, cháu trong gia đình.
Theo tìm hiểu, những chiếc tàu thủy bằng sắt tây được làm ở làng Khương Hạ (nay thuộc phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội).
Bên cạnh tạo tác các đồ gia dụng bằng thiếc như thau, chậu, cốc... người dân làng Khương Hạ còn làm các loại đồ chơi bằng thiếc, trong đó có tàu thủy để tranh thủ bán mỗi dịp Tết Trung thu.
Những năm 1990, tàu thủy bằng sắt tây được rất nhiều người săn đón, thậm chí có cả những khách buôn nước ngoài tìm tới làng Khương Hạ. Nhờ đó mà không ít gia đình "đổi đời".
Thế nhưng, những năm sau này, nhiều món đồ chơi giá rẻ, màu sắc sặc sỡ, hình thức đa dạng xuất hiện, tàu thủy bằng sắt tây không còn giữ sức hút.
Theo anh Đăng Thường, một tiểu thương bán hàng trên phố Hàng Thiếc chia sẻ: "Bây giờ nhiều món đồ chơi Trung thu truyền thống dần mai một bởi những trò chơi công nghệ hiện đại. Hầu như, loại tàu thủy bằng sắt tây này được người ta mua để hồi tưởng tuổi thơ, làm kỷ niệm".
Tàu thủy sắt tây thực chất được làm từ những hộp sữa, hộp sơn, thùng phi... được duỗi thẳng, rồi uốn tỉa công phu, hoàn toàn bằng tay. Sau đó, từng chi tiết nhỏ được lắp ghép lại với nhau bằng những mối hàn thiếc thủ công. Bước cuối cùng, người thợ quét màu sơn xanh, đỏ, vàng bắt mắt.
Theo anh Thường, với nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ khác nhau, trung bình, một chiếc tàu thủy con, giá bán là 100.000 đồng/chiếc. Các loại kích cỡ lớn hơn giá dao động khoảng 150.000-300.000 đồng/chiếc.
Có những chiếc tàu thủy lớn giá lên tới gần một triệu đồng.
"Mức giá này đắt hơn nhiều loại đồ chơi Trung thu bán phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, so với công sức người thợ thì không đáng là bao", anh Thường cho hay.
Để tàu chạy, người chơi phải đổ đầy nước vào hai đầu ống dẫn ở đáy tàu, sau đó đốt bình dầu, đặt dưới nồi hơi và đưa tàu xuống nước. Sau khoảng 30 giây, tàu bắt đầu chạy.
"Lửa đốt nóng nồi hơi, truyền nhiệt vào ống dẫn nước khiến nước trong ống sôi lên và tạo lực đẩy tàu di chuyển. Tàu chạy khoảng hai, ba phút sẽ cạn dầu và dừng lại. Muốn tàu chạy lại tiếp tục động tác như trên.
Khi chạy, tàu phát ra tiếng kêu "phành phạch". Tiếng được tạo ra bởi lá đồng mỏng nằm giữa nồi hơi. Nó bị đẩy hai chiều lên, xuống theo tác động của nhiệt và lực đàn hồi", anh Thường lý giải.
Anh Trung Vũ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây, mỗi dịp Trung Thu, ông nội, bố mẹ hay đưa anh tới Hàng Mã mua đèn ông sao và qua Hàng Thiếc mua tàu thủy bằng sắt tây.
"Đối với thế hệ 8x chúng tôi, món đồ chơi này quý lắm, như bảo bối. Đi học về là tôi chạy vào phòng tắm, hí hửng nhìn ông châm lửa cho tàu thủy chạy. Cả bầu trời kí ức hiện về khi cầm trên tay chiếc tàu", anh Vũ kể.
Giờ đây, những chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây không còn được bày bán phổ biến ở Hà Nội. Trên phố Hàng Thiếc cũng chỉ còn 2 cửa hàng bán món đồ chơi này.
Có những người đã đi xa lập nghiệp, vẫn nhờ người thân tìm mua tàu thủy bằng sắt tây mỗi dịp Trung thu. "Mỗi chiếc tàu thủy vài trăm ngàn đồng, thêm tiền giao hàng có khi hàng triệu hay vài triệu đồng. Nhưng đó như cách để họ tìm thấy niềm vui tuổi thơ", một tiểu thương khác trên phố Hàng Thiếc cho hay.