Chị em kể chuyện làm tay lái lụa ngày Tết cho chồng sau những cuộc nhậu say

Minh Nhân

(Dân trí) - Những ngày qua mạng xã hội đồng loạt chia sẻ nhiều hình ảnh chị em lái xe đưa chồng, đưa cả gia đình đi chơi Tết.

Vợ làm tài xế cho chồng cả dịp Tết

Trừ mùng 1, những ngày còn lại của dịp nghỉ Tết, chị Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi, Bắc Ninh) lái xe chở chồng và hai con đi chúc Tết khắp nơi. Chị lo ngại chồng là anh Ngô Mạnh Cường (37 tuổi) uống rượu bia, bị thổi phạt nồng độ cồn.

Anh Cường trêu đây là dịp để vợ bổ túc tay lái, còn chị Nhung tự tin lái xe với gần 10 năm kinh nghiệm.

Hai vợ chồng "sát cánh" bên nhau trong mọi cuộc gặp gỡ họ hàng, thăm bạn bè. Trên đường du xuân, chị không hề lo lắng khi đôi lần nhìn thấy các chốt kiểm tra nồng độ cồn.

"Dù chồng đã hạn chế uống rượu, bia dịp Tết, tôi vẫn là người cầm lái để đảm bảo an toàn cho gia đình và người xung quanh", người vợ chia sẻ. 

Không cảm thấy phiền hà hay mệt mỏi, chị Nhung nói vui khi trở thành tài xế của chồng không riêng những ngày Tết mà trong cuộc sống hàng ngày.

"Tôi chỉ mong chồng sớm bỏ được rượu, bia", chị tâm sự.

Chị em kể chuyện làm tay lái lụa ngày Tết cho chồng sau những cuộc nhậu say - 1

Chị Nhung lái xe đưa chồng và gia đình đi chơi dịp Tết (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không riêng vợ chồng chị Nhung, những ngày qua mạng xã hội đồng loạt chia sẻ nhiều hình ảnh chị em lái xe đưa chồng, đưa cả gia đình đi chơi Tết.

Một tài khoản dí dỏm viết "nhiều bác cứ bảo cho phụ nữ lái xe là tội ác. May mà có người phụ nữ ấy mà tôi được chúc Tết đúng nghĩa mà không sợ bị xử phạt".

Thấy chị Khánh Linh (32 tuổi, Hà Nội) lái ô tô 7 chỗ chở cả đại gia đình, nhiều họ hàng bày tỏ ngạc nhiên. Chị cho biết đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết chồng sẽ chịu trách nhiệm "giao lưu" với họ hàng và người thân, còn chị trở thành tài xế.

"Những ngày cuối năm bận rộn về quê nội, quê ngoại tôi đều sẵn sàng cầm lái", chị nói.

Anh Trần Hải (34 tuổi, chồng chị Linh) cho hay một số người bạn trước đây từng nói anh "sợ vợ, đi đâu cũng phải đưa vợ đi cùng", nhưng anh nhất quyết mặc kệ vì sự an toàn của bản thân và gia đình.

"Lái xe thay chồng cũng chỉ là giải pháp tình thế, điều cần làm là người lái xe phải biết làm chủ bản thân, kiên quyết từ chối hoặc tự nguyện không uống rượu, bia trước khi cầm lái", chị Linh tâm sự.

Chị em kể chuyện làm tay lái lụa ngày Tết cho chồng sau những cuộc nhậu say - 2

Nhiều người chọn dịch vụ xe đưa đón sau khi đã sử dụng rượu, bia (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Lê Quân (35 tuổi, Hà Nội) cho biết đây là năm đầu tiên đón Tết "nói không với rượu, bia". Anh liên tục từ chối những lời mời uống rượu vì phải lái xe, thay vào đó chọn uống nước ngọt hoặc trà.

"Đi chúc Tết thấy bạn bè uống bia, bản thân lại uống trà, tôi cũng hơi buồn, chỉ nói được dăm ba câu chuyện là đứng lên ra về", anh Quân nói.

Thấy xu hướng chị em trở thành tài xế của chồng, anh hài hước cho hay sẽ đào tạo cấp tốc cho vợ một khóa học lái xe, "để Tết năm sau có thể thoải mái chúc Tết người thân, bạn bè".

Không chỉ người lái ô tô, nhiều người đi xe máy cũng bắt đầu thay đổi thói quen. Đêm 30 Tết, ông Nguyễn Tuấn (57 tuổi, Hà Tĩnh) gọi điện nhờ vợ đón về nhà sau bữa cơm tất niên.

Những ngày sau, các buổi gặp mặt đầu năm với bạn bè của ông đều có vợ đồng hành. Cả hai thường phân rõ vai trò của từng người mỗi lần đi chúc Tết. Chồng là người uống, còn vợ giữ sự tỉnh táo để lái xe về nhà.

"Ngoài đảm bảo an toàn, tôi cũng lo ngại bị xử phạt hành chính với số tiền lớn nên nhờ vợ hoặc chủ động gọi xe về nhà", ông nói.  

Bà Nguyễn Hương (56 tuổi, vợ ông Tuấn) thở phào "đã không còn cảnh đi kiếm chồng tại các quán nhậu mỗi buổi chiều". Nhớ lại nhiều năm trước, mỗi lần chở chồng nhậu say về, bà phải liên tục nói chuyện để ông không ngủ gật hay vòng tay ra sau ôm chặt để ông không ngã.

"Tôi cho rằng cách này vẫn chỉ là đối phó để tránh xử phạt, cần thay đổi tư tưởng theo hướng nghĩ cho an toàn của bản thân và người khác", người phụ nữ bày tỏ.

Chị em kể chuyện làm tay lái lụa ngày Tết cho chồng sau những cuộc nhậu say - 3

Chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) dịp Tết (Ảnh: Trần Thanh).

Giải pháp công nghệ ngăn chặn uống rượu lái xe

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 14/2 cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết, hơn 29.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, chiếm 41,2% trong tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao gồm: TPHCM (2.576 trường hợp), Hà Nội (1.167), Đồng Nai (1.060), Bắc Giang (975), Nghệ An (880), Bình Phước (870).

Tại Hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ", Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, cho biết nhiều người dân còn có thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt, nhất là trong các ngày lễ, Tết.

Tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia còn diễn ra nhiều, mặc dù việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được làm quyết liệt.

"Một số người mặc dù biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn, nhưng vẫn cố tình vi phạm vì chủ quan cho rằng vẫn làm chủ được hành vi, tay lái, không bị kiểm tra, xử lý", Đại tá Nhật cho hay.

Chị em kể chuyện làm tay lái lụa ngày Tết cho chồng sau những cuộc nhậu say - 4

Chuyên gia đề xuất giải pháp công nghệ ngăn chặn uống rượu lái xe (Ảnh minh họa: Trần Thanh).

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, đề xuất áp dụng nhiều giải pháp công nghệ ngăn chặn tình trạng uống rượu lái xe, như lắp đặt thiết bị phát hiện người lái sử dụng rượu, bia và lập tức tác động khiến xe không thể nổ máy.

Công nghệ mới, có tên gọi là "Hệ thống phát hiện lái xe sử dụng rượu bia vì mục đích an toàn", phát triển một thiết bị lắp bên trong xe, khiến người lái không khởi động được xe khi nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.

"Ngoài ra, nghiên cứu các giải pháp khác như tăng đáng kể thuế rượu bia, thắt chặt các chính sách phòng ngừa việc bán rượu bia bất hợp pháp cho người dưới 18 tuổi và những người đã mắc bệnh nghiện rượu sẵn, có kế hoạch điều trị hiệu quả hơn cho những người mắc bệnh nghiện rượu", ông Hùng cho hay.