Cháy chung cư: Trang Fanpage dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hơn 4 tỷ đồng

Minh Nhân Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài kêu gọi ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini. Đặc biệt, một Fanpage sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để kêu gọi, đã nhận về 4 tỷ đồng sau hơn một ngày.

Bức xúc tài khoản giả mạo kêu gọi ủng hộ

Hai ngày sau vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài kêu gọi quyên góp, ủng hộ.

Trang Fanpage tên "Hà Nội 24h" có 1,2 triệu lượt thích và 1,4 triệu lượt theo dõi, cho biết đã nhận được hơn 4 tỷ đồng sau hơn một ngày đăng bài kêu gọi. Đáng chú ý, tài khoản ngân hàng nhận ủng hộ là của một cá nhân tên T.D.N., khiến nhiều người lo ngại về tính minh bạch.

"Trong sáng 15/9, chúng tôi sẽ đến ngân hàng sao kê và công khai tất cả giao dịch ủng hộ. Chúng tôi sẽ trực tiếp chuyển toàn bộ số tiền này tới UBMTTQ phường Khương Đình", trang Fanpage "trấn an dư luận" khi nhận về hàng ngàn ý kiến trái chiều.

Cháy chung cư: Trang Fanpage dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hơn 4 tỷ đồng - 1

Trang Fanpage kêu gọi ủng hộ vào tài khoản cá nhân, đến sáng 15/9 đã nhận được hơn 4 tỷ đồng (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, lợi dụng lòng tốt của người dân và sự tang thương của vụ việc, nhiều đối tượng đã giả mạo người thân các nạn nhân, đăng tải kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội. 

Chị T., người nhà của 7 nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn, bất ngờ khi cô giáo của con gọi điện hỏi gia đình đang kêu gọi từ thiện hay không. Người phụ nữ khẳng định gia đình không nhờ ai hay đăng tải bất cứ thông tin kêu gọi nào. 

Trong khi đó, một cá nhân đã dùng tài khoản Facebook quyên góp tiền. Người này tự nhận là "cô giáo" của con chị T., nói gia đình "đang làm các thủ tục xét nghiệm ADN, nhận lại người thân, kinh tế chỉ đủ lo bữa ăn hàng ngày, lại phải gồng mình chăm lo cho gia đình...".

Chị T. cho rằng đây là chiêu trò trục lợi từ thiện, mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra những kẻ cố tình giả mạo để lừa đảo, trục lợi.

"Những người có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ các gia đình trong vụ hỏa hoạn cần tìm hiểu kỹ thông tin để giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, tránh bị lừa đảo", chị T. khuyến cáo. 

Cháy chung cư: Trang Fanpage dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hơn 4 tỷ đồng - 2

Tổ dân phố số 20, phường Khương Đình, tiếp nhận tấm lòng hảo tâm của người dân tại nhà văn hóa (Ảnh: Mạnh Quân).

Bà Nguyễn Thị Bình (68 tuổi, Tổ phó tổ dân phố số 18, phường Khương Đình) cho biết đơn vị bắt đầu đứng ra nhận quyên góp đồ từ thiện cho gia đình các nạn nhân từ chiều 13/9.

Hàng trăm người dân, có cả người từ tỉnh khác, đã tìm đến nhà văn hóa của phường, trực tiếp gửi tặng từ bánh kẹo, sữa, nước, gạo, muối, mì tôm đến quần áo, chăn, màn đệm.

Những người ủng hộ tiền sẽ được các tình nguyện viên lập danh sách cụ thể, báo cáo về phường để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cần tỉnh táo, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư 41/2022/TT-BTC, cá nhân không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động.

Trường hợp tiếp nhận bằng tiền, người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định. 

"Do đó, việc một Fanpage sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi quyên góp sau vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ là trái quy định của pháp luật", ông Tiền nói. 

Luật sư khuyến cáo người dân không nên gửi tiền đến các tài khoản cá nhân, chưa có tính xác thực, cần cân nhắc và lựa chọn gửi đến tài khoản đã được thông báo, xác thực tại địa phương để tránh lòng tốt bị lợi dụng. 

Khi chuyển khoản người dân cũng cần xem kỹ thông tin chuyển khoản để tránh chuyển nhầm. 

Cháy chung cư: Trang Fanpage dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hơn 4 tỷ đồng - 3

Các thành viên trong tổ dân phố 20 phường Khương Đình ghi đầy đủ tên, tuổi của người ủng hộ cũng như số tiền, hiện vật (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.

Nếu cá nhân kêu gọi tài trợ phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận.

Người đó cũng phải quản lý toàn bộ tiền đóng góp, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp.

Đồng thời, có quá trình công khai, báo cáo theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cá nhân mới đủ điều kiện để kêu gọi quyên góp từ thiện.

"Hoạt động từ thiện ngày càng phổ biến kéo theo nhiều hệ lụy, như xuất hiện những biến tướng, tràn lan, trục lợi cá nhân,... Trên thực tế đã có nhiều vụ án trục lợi từ thiện đã bị khởi tố", luật sư Trần Xuân Tiền nói. 

Ông Tiền khuyến cáo, từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng để làm tốt thì trước hết các cá nhân, tổ chức phải làm cho đúng: tuân thủ pháp luật; công khai, minh bạch số tiền nhận ủng hộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giám sát, quản lý hoạt động từ thiện và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời nếu sai sót.

"Cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm quy định thì mới thể hiện đúng bản chất của hoạt động từ thiện và tạo niềm tin, sự an tâm cho người dân khi họ muốn ủng hộ, giúp đỡ", ông Tiền cho hay. 

Cháy chung cư: Trang Fanpage dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hơn 4 tỷ đồng - 4

Những ngày qua, cả nước hướng về phường Khương Đình, mong muốn ủng hộ vật chất và tiền mặt, giúp các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày 15/9, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội chính thức thông báo số tài khoản ủng hộ tiếp nhận đối với các nạn nhân vụ cháy chung cư mini:

1. UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội (Quỹ cứu trợ)

Số tài khoản: 3761.0.9057260.91049

Tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

2. UBMTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân:

Tên tài khoản: UBMTTQ quận Thanh Xuân

Số tài khoản: 3761.0.9051158.91999

Tại: Kho bạc Nhà nước Thanh Xuân.

3. UBMTTQ Việt Nam phường Khương Đình, quận Thanh Xuân

Số tài khoản: 128000119657

Tại: Ngân hàng Vietinbank

Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết mọi sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phương án hỗ trợ sẽ được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo công bằng, công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng. 

Khoảng 23h ngày 12/9, chung cư mini 9 tầng và một tum tại số nhà 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy dữ dội. 

150 cư dân tại hơn 40 căn hộ vội tìm đường thoát thân. Một số người chạy lên tầng thượng kêu cứu thất thanh, số khác liều mạng nhảy xuống mái nhà dân bên cạnh, có gia đình leo thang dây từ tầng 3 xuống đất.

Đến 19h ngày 13/9, cơ quan chức năng đã xác định 56 người tử vong, 37 người bị thương. Trong số người tử vong, 36 người đã được xác định danh tính. 

Chủ chung cư là Nghiêm Quang Minh (44 tuổi) đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm